1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Ukraine bắt đầu hành động sau đợt tấn công chớp nhoáng của 300 tên lửa Nga

Nguyễn Bình

(Dân trí) - Đúng như nhiều người dự đoán, Nga một lần nữa đẩy mạnh các cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái nhằm vào Ukraine trong mùa đông.

Ukraine bắt đầu hành động sau đợt tấn công chớp nhoáng của 300 tên lửa Nga - 1

Tổ hợp tên lửa phòng không Patriot do Mỹ chế tạo (Ảnh minh họa: Rubryka).

Theo Kyiv Post, trong dịp Giáng sinh và Năm mới, thế giới chứng kiến các thành phố Ukraine phải hứng chịu một đợt tấn công chưa từng có của 300 tên lửa đạn đạo và hành trình của Nga. Thêm vào đợt tấn công chớp nhoáng này là các cuộc tập kích của hơn 200 máy bay không người lái (UAV), đã gây ra thiệt hại ở Kiev, Dnipro, Lvov và Odessa.

Phòng không và tác chiến điện tử của Ukraine đã bắn hạ hơn 70% mục tiêu, tuy nhiên, các tên lửa lọt lưới đã bắn trúng mục tiêu phá hủy cơ sở hạ tầng và khiến dân thường thương vong.

Khi các cuộc tấn công vào những đô thị tiếp tục diễn ra, Kiev phải đối mặt với một tình thế tiến thoái lưỡng nan là lựa chọn che chắn cho dân thường hay bảo vệ binh lính của mình ngoài tiền tuyến.

Ukraine đã chọn cách bố trí hầu hết lưới lửa phòng không bảo vệ các thành phố. Thiếu "ô che đầu", binh sĩ Ukraine ở tiền tuyến dễ bị tổn thương trước các cuộc không kích của Nga.

Các nhà bình luận thường chỉ ra những thành tựu hạn chế của Ukraine trên thực địa. Tuy nhiên, nhìn một cách khách quan, trong bối cảnh thiếu cả ưu thế trên không lẫn ưu thế phòng không, các đơn vị mặt đất của Ukraine vẫn đang hoạt động một cách phi thường, điều mà các lực lượng NATO, kể cả quân đội Mỹ dường như là không thể.

Các chỉ huy mặt đất Ukraine buộc phải phân tán binh sĩ và trang thiết bị để tránh tổn thất, khiến việc tập trung lực lượng, di chuyển ra mặt trận và thậm chí giao tranh với đối phương trở nên khó khăn, nếu không muốn nói đôi khi là "tự sát".

Trong bất kỳ cuộc giao tranh hiện đại nào, việc bảo vệ vùng trời ở chiến trường là một trong những điều kiện tiên quyết để tiến hành các hoạt động tấn công và giành lại lãnh thổ. Thiếu phòng không sẽ ảnh hưởng lớn tới khả năng tác chiến cơ động.

Nếu Mỹ tiếp tục lưỡng lự trong việc hỗ trợ quân sự cho Ukraine, vòng luẩn quẩn này sẽ tiếp tục.

Mỹ và phương Tây đã cung cấp hơn 25.000 tên lửa phòng không vác vai di động (MANPADS), nhưng với tầm bắn chỉ 2-3km, MANPADS chưa bao giờ được thiết kế để bảo vệ chiến trường rộng lớn.

Thật không may, MANPADS thường là vũ khí phòng không duy nhất mà Ukraine hiện có để bảo vệ toàn bộ chiến tuyến, hạn chế nghiêm trọng các phương án cơ động.

Trên thực tế, Ukraine đã tận dụng tối đa những gì có trong tay, dàn trải các hệ thống phòng không của mình để bao phủ không phận nhiều nhất có thể, đồng thời thực hiện chiến thuật phòng tránh, đánh trả và phục kích, gây ra tổn thất không nhỏ cho máy bay Nga.

Rất khéo léo, các kỹ sư Ukraine thậm chí còn hoán cải tên lửa của NATO để có thể bắn từ những hệ thống của Liên Xô cũ, bao gồm cả bệ phóng thu được của Nga. Nhưng ngay cả những tuyệt tác kỹ thuật này cũng chưa đủ để lấp đầy những khoảng trống.

Điều Ukraine cần khẩn cấp không chỉ là tăng số lượng vũ khí phòng không mà còn là khả năng kết nối các hệ thống và cảm biến này thành một mạng lưới phòng không tích hợp trên toàn quốc.

Ukraine bắt đầu hành động sau đợt tấn công chớp nhoáng của 300 tên lửa Nga - 2

Một tổ hợp tên lửa phòng không IRIS-T SLM của Ukraine (Ảnh: Bộ Tổng tham mưu quân đội Ukraine).

Hệ thống tên lửa Patriot tầm xa do Mỹ sản xuất - đã chứng tỏ được sức mạnh khi bắn hạ nhiều tên lửa Nga, bao gồm cả tên lửa siêu vượt âm Kinzhal - đóng vai trò là nền tảng của hệ thống phòng không Ukraine. Tuy nhiên để phát huy tối đa hiệu quả, chúng cần sự hỗ trợ của các hệ thống phòng không khác có khả năng di động và phạm vi ngắn hơn, để tạo thành lưới lửa nhiều tầng, nhiều lớp.

NASAMS - hệ thống tên lửa phòng không tiên tiến của Na Uy - là một giải pháp hữu hiệu, vì nó sử dụng tên lửa AMRAAM của NATO và có khả năng kết nối các khẩu đội phân tán. Hệ thống IRIS-T do Đức phát triển cũng vậy. Các tổ hợp phòng không và tên lửa này có sẵn và đang được cung cấp nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu. Ukraine vẫn phải chờ đợi.

Để giành lại bầu trời, Kiev rất cần tiêm kích phản lực hiện đại có khả năng "thay đổi cuộc chơi". Phương Tây đầu tiên từ chối, nhưng sau đó họ đồng ý cung cấp máy bay chiến đấu F-16. Công tác đào tạo phi công, nhân viên kỹ thuật Ukraine đang được tiến hành, tuy nhiên, để vận hành thuần thục, đưa chúng vào tham chiến sẽ mất nhiều tháng nữa.

Trước khi Ukraine có được những vũ khí cần thiết, các thành phố sẽ tiếp tục hứng chịu những cuộc tấn công tên lửa của Moscow và Kiev sẽ tiếp tục đối mặt với tình trạng bế tắc trên mặt trận.

Theo Tổng thống Zelensky, tăng cường năng lực phòng không là ưu tiên số một hiện nay. Ukraine rất cần một mạng lưới phòng không toàn quốc, đa nền tảng, hoạt động đầy đủ. Ông đang nỗ lực kêu gọi các nước phương Tây, đặc biệt là Mỹ sớm hành động quyết liệt hơn.

Theo Kyiv Post
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine