1. Dòng sự kiện:
  2. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  3. Xung đột leo thang ở Trung Đông
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Ukraine "ăn miếng, trả miếng" với vũ khí nguy hiểm hàng đầu của Nga

Đức Hoàng

(Dân trí) - Ukraine chế tạo bom lượn của riêng họ để đáp trả Nga rải hàng nghìn quả bom dẫn đường xuống các mục tiêu của Kiev trong thời gian qua.

Ukraine ăn miếng, trả miếng với vũ khí nguy hiểm hàng đầu của Nga - 1

Máy bay Ukraine mang theo nguyên mẫu bom lượn mới (Ảnh: Forbes).

Theo Forbes, mỗi ngày, máy bay quân sự Nga ném hàng trăm quả bom lượn KAB xuống các mục tiêu của Ukraine. Các quả bom chứa hàng trăm đến hàng tấn thuốc nổ, có sức công phá rộng lớn, gây thương vong và phá hủy nghiêm trọng cho Ukraine.

Binh sĩ Ukraine thậm chí coi bom lượn của Nga là vũ khí nguy hiểm nhất. Nhờ có những quả KAB, Nga đã đạt được đà tiến liên tục ở Donetsk trong năm nay.  

Trước tình hình này, phương Tây đã viện trợ cho Ukraine các quả bom thông minh, ví dụ JDAM-ER của Mỹ hay Hammer của Pháp.

Ngoài ra, Ukraine cũng đang tự phát triển phiên bản bom lượn của riêng họ. Hình ảnh được Forbes công bố cho thấy một máy bay Su-24 của Ukraine mang theo một nguyên mẫu bom lượn dưới cánh.

Chuẩn tướng không quân Ukraine Serhii Holubotsov đã tuyên bố vào tháng 6 rằng lực lượng này đang phát triển một bộ dụng cụ dẫn đường mới để biến bom không dẫn đường từ thời Liên Xô thành bom thông minh. Chuyến bay thử nghiệm trên Su-24 là một bước quan trọng trong quá trình phát triển vũ khí mới.

Theo hình ảnh ban đầu, quả bom của Ukraine có cánh và thiết bị đẩy gắn đuôi trông rất giống một quả Hammer. Ukraine trong thời gian qua hài lòng với màn thể hiện của Hammer nhưng vấn đề chính là nguồn cung của Pháp quá ít.

Pháp chỉ cam kết viện trợ cho Ukraine 50 quả Hammer mỗi tháng, quá ít so với trung bình 3.000 quả KAB mà Nga ném xuống các mục tiêu của Kiev trên tiền tuyến dài 1.000km trong cùng một khoảng thời gian.

Nếu Ukraine có thể có dây chuyền sản xuất bom lượn và tự chế tạo ra vũ khí của riêng họ, Kiev có thể bắt kịp Nga trong cuộc đua về hỏa lực, đồng thời giảm phụ thuộc vào đồng minh liên quan tới vũ khí chủ chốt.

Điều quan trọng nhất là Mỹ cấm Ukraine dùng vũ khí tập kích sâu vào lãnh thổ Nga. Nếu Ukraine có thể chủ động được trong việc chế tạo vũ khí, họ sẽ có nhiều lựa chọn hơn để tấn công Nga.

Một thách thức của Ukraine là khả năng sản xuất số lượng lớn trong bối cảnh họ đang gặp khó khăn về kinh tế và liên tục bị Nga tập kích cơ sở quân sự trong thời gian qua.

Mặt khác, Nga cũng là cường quốc tác chiến điện tử, nên vũ khí dẫn đường bằng GPS của Ukraine có thể sẽ không hiệu quả trước "sát thủ vô hình" của Moscow.

Trong thời gian qua, các quả bom dẫn đường bằng GPS JDAM-ER và đạn pháo thông minh Excalibur mà Mỹ viện trợ cho Ukraine đã không mang lại hiệu quả như kỳ vọng vì hệ thống tác chiến điện tử (EW) của Nga liên tục gây nhiễu.

Vào tháng 3, các nghị sĩ Mỹ đã lắng nghe một báo cáo trong đó nhấn mạnh EW của Nga đã giảm hiệu suất chính xác của đạn pháo thông minh từ khoảng 70% xuống 6%.

Nga tuyên bố rằng khả năng gây nhiễu GPS của họ cũng làm giảm độ chính xác của HIMARS và ATACMS cũng như các quả bom JDAM-ER.

Vũ khí tác chiến điện tử thường được gọi là "sát thủ vô hình" vì đây là các khí tài quân sự sử dụng năng lượng điện từ để tấn công hoặc làm gián đoạn hoạt động của đối thủ. Nó có thể vô hiệu mọi thiết bị sử dụng điện và có thể được thực hiện từ mặt đất, trên không, trên bộ, trên biển và trong không gian mà không cần sử dụng tới thuốc nổ, hay các đòn đánh trực diện.

Theo Forbes
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine