UAV Ukraine vượt lưới lửa, phá "hỏa thần" của Nga
(Dân trí) - Một máy bay không người lái (UAV) của Ukraine đã lách tên lửa để phá hủy một hệ thống hỏa thần nhiệt áp TOS-1A của Nga trên chiến trường.
Cơ quan An ninh Ukraine ngày 8/3 đăng tải trên Facebook một đoạn video cho thấy khoảnh khắc một máy bay không người lái (UAV) của quân đội nước này né tên lửa để tiếp cận và phá hủy "hỏa thần nhiệt áp" TOS-1A của Nga.
"Các thành viên lực lượng đặc nhiệm Alpha đã thiêu rụi một hệ thống nhiệt áp hạng nặng TOS-1A Solntsepyok của Nga ngay ở thời điểm nó khai hỏa… Chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực cho đến khi đạt được thắng lợi hoàn toàn", Cơ quan An ninh Ukraine cho biết.
Tuy nhiên, cơ quan này không nêu rõ thời gian và địa điểm diễn ra vụ tấn công.
TOS-1A (biệt danh Solntsepyok hay "lửa mặt trời") là một phiên bản cải tiến từ hệ thống rocket phóng loạt TOS-1 Buratino. TOS-1A được trang bị 24 đạn rocket 220mm và sử dụng khung gầm xe tăng T-72. Nó được sử dụng để chống lại đối phương ẩn nấp trong công sự kiên cố, hang động hoặc đô thị.
Từ năm 2001, phiên bản cải tiến TOS-1A bắt đầu được đưa vào hoạt động, có tầm bắn thấp nhất và xa nhất lần lượt ở các cự ly 400m và 6km. Phiên bản nâng cấp này cũng trang bị máy tính điều khiển tên lửa đạn đạo cải tiến, có khả năng phóng tên lửa nặng hơn 90kg và số lượng ống phóng giảm xuống còn 24. Mỗi hệ thống TOS-1A có giá khoảng hơn 6,5 triệu USD.
TOS-1 và TOS-1A được trang bị cho các tiểu đoàn binh chủng Hóa - Sinh và Hạt nhân của quân đội Nga. Các đơn vị này cũng kết hợp sử dụng súng phóng lựu nhiệt áp RPO-A Shmel (Bumblebee) có khả năng phá hủy mục tiêu ở phạm vi 1-2km, đặc biệt hiệu quả trong hoạt động xuyên phá các mục tiêu kiên cố.
Theo số liệu của Bộ Quốc phòng Ukraine, kể từ khi xung đột nổ ra, quân đội nước này đã phá hủy khoảng 488 hệ thống rocket phóng loạt của Nga. Ngoài ra, Nga bị cho là mất hơn 6.700 xe bọc thép, gần 2.500 tổ hợp pháo, hơn 2.000 máy bay không người lái.
Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia Mỹ Avril Haines hôm 8/3 nhận định, Nga khó bù đắp những tổn thất để mở rộng tấn công, kiểm soát lãnh thổ ở Ukraine trong năm nay, đặc biệt trong bối cảnh ngành công nghiệp quốc phòng Nga bị ảnh hưởng bởi các biện pháp trừng phạt từ phương Tây.
Các nguồn tin tình báo của phương Tây gần đây nói rằng, Trung Quốc đang cân nhắc cung cấp vũ khí sát thương cho Nga. Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius hôm qua cảnh báo, NATO sẽ viện trợ cho Ukraine mạnh mẽ hơn nữa nếu Bắc Kinh cấp vũ khí cho Moscow.
Tuy nhiên, Bắc Kinh đã bác bỏ cáo buộc này, đồng thời tuyên bố tiếp tục tăng cường vai trò trung gian để giải quyết xung đột ở Ukraine bằng các biện pháp ngoại giao, chính trị. Tháng trước, Trung Quốc đưa ra bản đề xuất hòa bình gồm 12 điểm, trong đó có yêu cầu tôn trọng toàn vẹn chủ quyền của các nước, không sử dụng vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, Mỹ và các đồng minh vẫn tỏ ra hoài nghi về kế hoạch của Bắc Kinh.