1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

UAV Ukraine phục kích, lao vào trực thăng Ka-52 Nga: Chiến thuật nguy hiểm

Nguyễn Bình

(Dân trí) - Một UAV Ukraine đã đón lõng đường bay của Ka-52 Nga với ý đồ đâm va nhằm tiêu diệt chiếc trực thăng tấn công hiện đại này.

UAV Ukraine phục kích, lao vào trực thăng Ka-52 Nga: Chiến thuật nguy hiểm - 1

Trực thăng tấn công Ka-52 của Không quân Nga được trang bị hệ thống bảo vệ Vitebsk-25 (Ảnh: Dzen.ru).

Mới đây, các kênh Telegram của Ukraine đã công bố đoạn video cho thấy lực lượng Kiev sử dụng UAV phục kích nhằm tiêu diệt trực thăng tấn công Ka-52 tối tân của Nga ngay ở trên không.

Thời gian và địa điểm của trận đánh chưa được công bố nhưng qua video có thể thấy máy bay Nga đã thoát hiểm trong gang tấc khi chiếc UAV từ trên cao lao xuống. Có thông tin cho rằng đây không phải là lần đầu tiên Ukraine sử dụng chiến thuật này.

Cách đây không lâu, liên tiếp xuất hiện các video Ukraine dùng UAV đi săn UAV Nga và ngược lại. Do vậy, việc lực lượng Kiev dùng UAV đi săn trực thăng Nga cũng là điều tất yếu.

UAV Ukraine phục kích nhằm tiêu diệt trực thăng Ka-52 của Nga (Video: Telegram).

Sự kiện này cho thấy các bên rất tích cực nghiên cứu cách đánh mới nhằm tiêu diệt đối phương. Chiến thuật đón lõng phục kích của UAV Ukraine cho thấy:

Thứ nhất, mạng lưới radar hoặc tình báo tín hiệu Ukraine có khả năng phát hiện trực thăng Nga từ sớm để thông báo cho các đơn vị hỏa lực cũng như UAV chuyển cấp sẵn sàng chiến đấu kịp thời, không để lỡ thời cơ.

Thứ hai, lực lượng Kiev đã nghiên cứu rất kỹ đường bay của đối phương, xuất kích UAV chờ sẵn tại khu vực dự kiến trực thăng Nga sẽ đi qua để đánh chặn.

Mặc dù phía Ukraine chưa thành công trong trận phục kích này, nhưng điều đó chỉ ra rằng nếu không quân Nga vẫn tiếp tục hoạt động theo quy luật cố định, rất có thể một ngày nào đó sẽ có hậu quả khôn lường.

Đó là chưa kể đến việc UAV biết trước đường bay của trực thăng Nga thì chẳng có lý gì các đơn vị tên lửa phòng không Ukraine lại không nắm được. Thế nên, nếu trong cùng một khu vực mặt trận lực lượng Kiev bố trí không chỉ UAV mà còn cả các tổ hợp phòng không tầm thấp, đặc biệt là tên lửa vác vai (MANPAD) phục kích cùng phối hợp đánh chặn tốp mục tiêu thì xác suất chiến đấu sẽ cao hơn rất nhiều.

Chiến sự Nga - Ukraine sắp bước sang năm thứ 4 với nhiều diễn biến mang tính bước ngoặt. Cùng với đó là các điều chỉnh chiến thuật của các bên nhằm phát huy tối đa kinh nghiệm thu được trong giao tranh để gây tổn thất lớn nhất cho đối phương. Cuộc đua giữa "mũi giáo và chiếc khiên" đang đến hồi gay cấn.

Cuối năm 2024, được sự hỗ trợ của phương Tây và bằng nội lực của mình, quân đội Ukraine đã đưa vào trang bị cả triệu chiếc UAV, phần lớn là loại FPV có khả năng tấn công phương tiện cơ giới cũng như binh sĩ đối phương, gây tổn thất không nhỏ cho lực lượng Moscow.

Ban đầu phía Nga cũng khá lúng túng trong việc tìm cách hóa giải mối nguy hiểm luôn thường trực này. Tuy nhiên, sau đó họ đã dần dần khắc phục tương đối thành công bằng nhiều phương thức khác nhau, từ tác chiến điện tử lắp trên xe hoặc đặt trên vai người lính cho tới việc dùng UAV lao vào tấn công UAV của đối phương.

Một giải pháp rất dân giã đã được Nga sáng chế, đó là dùng UAV quăng lưới chụp UAV của Ukraine nhằm vô hiệu hóa chúng.

UAV Nga quăng lưới bắt sống UAV đối phương (Video: TASS).

Theo hãng tin TASS, các chuyên gia trong lĩnh vực hệ thống không người lái thuộc Nhóm lực lượng phía Nam của quân đội Nga đã tạo ra một hệ thống sử dụng lưới chụp để "bắt sống" UAV của Ukraine. "Bằng phương pháp này, 560 UAV Ukraine đã bị vô hiệu hóa trong 2 tháng qua", một quân nhân cho biết hồi đầu tháng 11/2024.

Giải pháp đơn giản, hiệu quả này là một mũi tên trúng 2 đích vừa vô hiệu hóa được UAV đối phương, vừa bảo toàn được phương tiện của mình, tiết kiệm được ngân sách rất lớn do UAV không bị tổn thất, có thể tái sử dụng cho nhiều lần sau.

Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine