Tương lai quan hệ Mỹ - Triều sau thượng đỉnh lần 2 “không thỏa thuận”
(Dân trí) - Sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un không đạt được thỏa thuận tại hội nghị thượng đỉnh lần 2 tại Hà Nội, câu hỏi được đặt ra là điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?
Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Kim Jong-un kết thúc hội nghị thượng đỉnh lần 2 tại Hà Nội trong tuần này mà không đạt được một thỏa thuận chính thức. Theo nhận định của các chuyên gia, Mỹ nhiều khả năng sẽ quay trở lại các cuộc đàm phán ở “cấp độ làm việc” với các quan chức Triều Tiên, trong khi các nước trong khu vực sẽ thúc đẩy đối thoại giữa Washington và Bình Nhưỡng.
Trong cuộc họp báo sau cuộc gặp với nhà lãnh đạo Triều Tiên, Tổng thống Trump đã chia sẻ với các phóng viên rằng mặc dù ông quyết định không theo đuổi “một số phương án” được đưa ra trên bàn đàm phán, song hội nghị thượng đỉnh lần này vẫn diễn ra “rất hiệu quả trong hai ngày”.
“Tuy vậy, đôi khi chúng ta buộc phải quay lưng bước đi. Và lần này là một trong những lần như vậy”, ông Trump nói với các phóng viên.
Tổng thống Trump nói rằng phía Triều Tiên “về cơ bản muốn dỡ bỏ hoàn toàn các lệnh trừng phạt”. Tuy nhiên trong cuộc họp báo vào giữa đêm qua, Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong Ho đã phản bác tuyên bố của ông chủ Nhà Trắng. Theo ông Ri, Bình Nhưỡng chỉ đề xuất với Washington về việc dỡ bỏ một nửa số lệnh trừng phạt, chứ không phải toàn bộ.
Ngoại trưởng Ri nói rằng Triều Tiên sẵn sàng dỡ bỏ cơ sở hạt nhân Yongbyon, một trong số những cơ sở có khả năng sản xuất nhiên liệu phân hạch để chế tạo bom hạt nhân. Tuy nhiên, “phía Mỹ khăng khăng yêu cầu chúng tôi phải có thêm bước tiến nữa” ngoài việc dỡ bỏ Yongbyon.
“Do vậy, có thể thấy một điều quá rõ rằng, Mỹ chưa sẵn sàng chấp thuận đề xuất của chúng tôi”, ông Ri nói với các phóng viên.
Đại sứ Mỹ Robert Gallucci, người từng tham gia đàm phán với Triều Tiên trong thập niên 1990 dưới thời chính quyền Clinton, nhận định việc Washington và Bình Nhưỡng quay trở lại các cuộc đàm phán giữa các quan chức ở cấp thấp hơn, có thể góp phần “thu hẹp khoảng cách” giữa hai nước.
“Liệu khoảng cách có thể thu hẹp được không? Chúng ta không thể biết cho tới khi chúng ta thử sức”, ông Galluci, hiện làm việc tại Trung tâm Stimson - một viện nghiên cứu chính sách quốc tế, cho biết.
Tóm tắt thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Hà Nội trong 3 phút
Đại sứ Gallucci đánh giá kết quả hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Việt Nam là “hoàn hảo” vì Mỹ không phải đưa ra nhượng bộ, trong khi các cuộc thảo luận đã hé lộ điều mà Triều Tiên sẵn sàng từ bỏ ở thời điểm hiện tại để đổi lấy trừng phạt.
“Yongbyon rõ ràng đã được đưa lên bàn đàm phán. Chỉ có điều cái giá phải trả quá cao”, ông Galluci nhận xét.
“Tất cả mọi người đều nghĩ Tổng thống Trump sẽ đánh đổi, nhưng ông ấy không làm như vậy”, Joel Wit, giám đốc trung tâm 38 North chuyên nghiên cứu về Triều Tiên, nói.
Ông Joel đồng ý rằng các cuộc đàm phán ở cấp độ làm việc là cần thiết để thúc đẩy sự tiến triển. Tuy nhiên, hiện chưa rõ đàm phán đến mức nào sẽ mang lại kết quả thực sự.
“Lập trường mang tính nguyên tắc của chúng tôi vẫn không đổi và đề xuất của chúng tôi sẽ không bao giờ thay đổi, ngay cả khi Mỹ đề nghị đàm phán lại trong tương lai”, Ngoại trưởng Triều Tiên nói trong cuộc họp báo vào đêm qua.
Theo Choe Son Hui, một nhà ngoại giao cấp cao về Triều Tiên, “Chủ tịch Kim Jong-un có lẽ không còn hứng thú với các cuộc thương thuyết trong tương lai”. Trong khi đó David Kim, cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ chuyên phụ trách Đông Á và giải trừ vũ khí, “hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 3 sẽ chưa thể diễn ra trong tương lai gần”.
“Chúng ta phải cho phép sự linh động của các nhà đàm phán. Tôi nghĩ cả hai bên đều đã có đủ ý chí chính trị cũng như động lực chính trị thực sự để duy trì con đường ngoại giao cùng nhau”, ông Kim nhận định.
Không thỏa thuận còn hơn thỏa thuận tồi
Hai phái đoàn Mỹ và Triều Tiên họp mở rộng tại Hà Nội. (Ảnh: Reuters)
Theo David Kim, chuyên gia của viện nghiên cứu Stimson ở Washington, “phía Mỹ đã đòi hỏi quá nhiều, trong khi Triều Tiên cho rằng Mỹ chưa sẵn sàng dỡ bỏ nhiều lệnh trừng phạt như Triều Tiên kỳ vọng”. Đây chính là nguyên nhân khiến hai bên không đạt được thỏa thuận.
Ông Kim cho rằng sau khi trở về từ hội nghị thượng đỉnh tại Việt Nam, Tổng thống Trump có thể đối mặt với sự chỉ trích từ đảng Dân chủ, nhưng nhận được sự khen ngợi từ đảng Cộng hòa. Nhìn chung, phản ứng mà ông Trump nhận được sẽ đa chiều. Bản thân ông Trump cần chịu trách nhiệm trước người dân cũng như quốc hội Mỹ vì ông đã xem vấn đề Triều Tiên là trọng tâm trong chính sách đối ngoại và liên tục thể hiện sự lạc quan trong suốt nhiều tuần.
Trong khi đó, nhà lãnh đạo Kim Jong-un có lẽ vẫn nhận được sự tín nhiệm trên trường quốc tế. Dù ông Kim không đạt được thỏa thuận, song ông vẫn được xem là nhà lãnh đạo đáng tin cậy và sáng suốt.
Một số chuyên gia cho rằng đối với Mỹ và Triều Tiên, việc hai nước không đạt được thỏa thuận có lẽ tốt hơn là đạt được một thỏa thuận tồi.
“Tôi nghĩ việc không ký một thỏa thuận tồi rốt cuộc lại là điều tốt cho cả ông Trump và ông Kim Jong-un. Điều này sẽ cho phép ông Kim suy nghĩ kỹ hơn về việc “vượt qua” ông Trump. Và nếu đúng như ông Trump nói, rằng những gì ông Kim muốn là dỡ bỏ hoàn toàn lệnh trừng phạt thì việc ông Trump quay lưng bước đi lại là điều tốt”, chuyên gia David Kim nhận định.
Chuyên gia Victor Gao không loại trừ khả năng Tổng thống Trump và Chủ tịch Kim có thể tiếp tục gặp mặt, song chưa có gì đảm bảo rằng kết quả của cuộc gặp tiếp theo sẽ khả quan hơn cuộc gặp trong tuần này. Theo chuyên gia này, chỉ riêng Mỹ và Triều Tiên không thể đạt được hòa bình và phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên bởi điều này cần đến sự tham gia của nhiều nước, chẳng hạn Nga và Trung Quốc.
Tuy vậy, Brian Becker, một thành viên của tổ chức phản đối chiến tranh ANSWER, tin rằng việc Mỹ và Triều Tiên không đạt được thỏa thuận “ngay tức thời” cũng không phải là “thảm họa”.
“Tôi không nghĩ rằng điều này có nghĩa là tiến trình đàm phán đã kết thúc. Đàm phán về vũ khí giữa Mỹ và Liên Xô phải mất nhiều năm trước khi các thỏa thuận được đưa ra”, ông Becker nói.
Thành Đạt
Theo Vox, ABC