Chuyên gia lý giải nguyên nhân ông Trump và ông Kim không đạt được thỏa thuận
(Dân trí) - Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 kết thúc do cả hai phía không thể thống nhất được về vấn đề lệnh trừng phạt. Nhiều chuyên gia cho rằng 2 bên chưa đạt được thỏa thuận dường như vì đã vội vàng trong việc tổ chức sự kiện lần này.
Tại buổi họp báo chiều ngày 28/2 sau cuộc gặp với Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết 2 bên đã không thể đạt được thỏa thuận trong lần gặp thứ 2 do bất đồng quan điểm về vấn đề lệnh trừng phạt. Trong khi Bình Nhưỡng muốn Washington gỡ bỏ hoàn toàn lệnh trừng phạt, thì Mỹ lại không đồng tình với yêu cầu này.
Cuộc gặp khép lại mà không có tuyên bố chung, cũng như chưa rõ thời điểm ông Trump và ông Kim sẽ gặp nhau kế tiếp. Điều này khiến giới quan sát đặt câu hỏi về tương lai của chương trình hạt nhân Triều Tiên.
Ông Trump cho biết 2 phía đã có khoảng thời gian làm việc hiệu quả và có thể đã ký kết thỏa thuận nếu muốn, tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng ông muốn làm gì đó đúng đắn hơn là vội vã.
Chuyên gia Victor Cha, từ trung tâm Chiến lược và Quan hệ quốc tế cho rằng kết quả cuộc gặp thượng đỉnh không có kết quả như kỳ vọng, tuy nhiên ông Trump đã có lựa chọn đúng đắn khi không thỏa hiệp với những tiến triển quá nhỏ bé.
Trong khi đó, chuyên gia Akira Kawasaki đến từ Ủy ban Quốc tế về Xóa bỏ Vũ khí hạt nhân cho rằng Washington dường như đã hơi vội vàng khi tổ chức thượng đỉnh lần này khi chưa có nền tảng vững chắc. “Chúng ta cần một kế hoạch thật sự xuất phát từ cộng đồng quốc tế và các hiệp định như Hiệp định Cấm Phổ biến Vũ khí hạt nhân để Triều Tiên có thể tham gia và bắt đầu quá trình giải trừ vũ khí hạt nhân một cách hợp pháp”.
Ông Van Jackson, tác giả của cuốn sách "On the Brink: Trump, Kim, and the Threat of Nuclear War”, cho rằng Mỹ lẽ ra nên đợi tới khi có tiển triển thật sự trong quá trình đàm phán để tổ chức hội nghị thượng đỉnh. Theo ông Jackson, trong nhiều tháng qua, các bên dường như không đề cập tới kho vũ khí hạt nhân của Triều Tiên và quá trình đàm phán chưa có nhiều tiến triển so với lần đầu tiên.
Ông Kevin Martin, chuyên gia người Mỹ, cho rằng dù kết quả hội nghị không được như kỳ vọng nhưng đó là chuyện bình thường vì công cuộc ngoại giao cần nhiều thời gian và nỗ lực từ nhiều phía, không đơn thuần chỉ là một cuộc trao đổi giữa lệnh trừng phạt kinh tế và kho vũ khí hạt nhân. Ông cho rằng các bên nên bắt đầu chậm rãi bằng việc tìm cách kết thúc Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953 để có thể làm tiền đề cho tiến trình phi hạt nhân hóa.
Đức Hoàng
Tổng hợp