1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Trung Quốc thay đổi cách tiếp cận về xung đột Nga - Ukraine?

Minh Phương

(Dân trí) - Việc Trung Quốc tham gia vào hội nghị hòa bình ở Ả Rập Xê Út nhằm tìm giải pháp cho cuộc xung đột Nga - Ukraine có thể là dấu hiệu về những thay đổi trong cách tiếp cận của Bắc Kinh.

Trung Quốc thay đổi cách tiếp cận về xung đột Nga - Ukraine? - 1

Đặc phái viên Trung Quốc Li Hui (Ảnh: Reuters).

Reuters dẫn phân tích của giới chuyên gia chỉ ra, mặc dù Trung Quốc từ chối tham gia cuộc đối thoại về Ukraine diễn ra tại Đan Mạch, một thành viên của NATO, hồi cuối tháng 6, nhưng Bắc Kinh dường như đã thoải mái hơn nhiều khi tham gia hội nghị ở Ả Rập Xê Út cuối tuần qua kể cả khi không có đại diện của Nga.

"Bắc Kinh đang hướng nhiều hơn đến các nỗ lực hòa bình nhưng họ cũng biết rằng sáng kiến hòa bình do Trung Quốc đưa ra khó có thể được phương Tây chấp nhận vào thời điểm này", Yun Sun, giám đốc chương trình Trung Quốc tại tổ chức tư vấn Trung tâm Stimson, nhận định.

Chuyên gia Yun Sun chỉ ra: "Trung Quốc sẽ không muốn vắng mặt trong các sáng kiến hòa bình đáng tin cậy khác do các quốc gia không phải phương Tây dẫn đầu".

Tuần trước, đặc phái viên Li Hui của Trung Quốc đã dự hội nghị hòa bình ở Jeddah, Ả Rập Xê Út, cùng với đại diện của khoảng 40 quốc gia khác. Đây là cuộc họp mà Ukraine và phương Tây hy vọng sẽ tạo ra các nguyên tắc chính cho một giải pháp cuối cùng nhằm chấm dứt xung đột.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm nay cho biết cuộc họp giúp "củng cố sự đồng thuận quốc tế" trong việc tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng Ukraine.

Thông cáo nêu rõ: "Đặc phái viên Li Hui đã tiếp xúc và liên lạc rộng rãi với tất cả các bên về giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Ukraine, lắng nghe ý kiến, đề xuất của các bên".

Thông cáo nhấn mạnh Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng cường đối thoại dựa trên sáng kiến 12 điểm mà Bắc Kinh đưa ra.

Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba coi sự tham dự của đặc phái viên Trung Quốc vào hội nghị lần này là "bước đột phá lớn".

"Bắc Kinh đang hành động. Động thái tham dự đối thoại hòa bình quốc tế tại Ả Rập Xê Út tốt cho hình ảnh của Trung Quốc và cũng giúp Bắc Kinh hiểu rõ hơn lập trường của các bên", chuyên gia Li Mingjiang tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore, nhận định.

Theo chuyên gia này, Trung Quốc "dường như cũng đang nỗ lực khám phá khả năng thích ứng, khả năng linh hoạt của mình".

Một số nhà phân tích cho rằng, Trung Quốc điều chỉnh cách tiếp cận cuộc xung đột ở Ukraine trong bối cảnh cuộc chiến kéo dài và căng thẳng ngoài dự đoán. Đặc biệt, những diễn biến gần đây ở Biển Đen khi Nga và Ukraine gia tăng tập kích cảng của nhau, ảnh hưởng đến hoạt động vận chuyển ngũ cốc.

Phó Đại diện thường trực của Trung Quốc tại Liên hợp quốc, hôm 26/7 nói rằng Bắc Kinh quan ngại sâu sắc khi chiến sự Ukraine chưa có dấu hiệu kết thúc.

"Hiện tại, tình hình ngày càng phức tạp để Bắc Kinh linh hoạt, vì sự leo thang của xung đột ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích kinh tế và chính trị của Trung Quốc", Moritz Rudolf, học giả tại Trung tâm Trung Quốc Paul Tsai tại Trường Luật Yale, bình luận.

Theo Reuters
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine