Trung Quốc lần đầu tham gia các cuộc đàm phán về Ukraine ở Ả Rập Xê Út
(Dân trí) - Chính phủ Trung Quốc cho biết sẽ cử một quan chức cấp cao đến tham gia đàm phán ở Ả Rập Xê Út vào cuối tuần này nhằm tìm kiếm giải pháp hòa bình cho Ukraine.
"Đặc phái viên Trung Quốc về các vấn đề Á - Âu Lý Huy cùng với các nhà lãnh đạo và đại diện từ hơn 40 quốc gia sẽ tham dự một cuộc họp về con đường khả thi dẫn đến hòa bình cho Ukraine tại Jeddah", Bộ Ngoại giao Trung Quốc xác nhận ngày 4/8.
Trong một tuyên bố, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nhấn mạnh thêm, "Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với cộng đồng quốc tế để tiếp tục đóng vai trò xây dựng trong việc thúc đẩy một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng ở Ukraine".
Hàng chục quốc gia, trong đó có Anh, Nam Phi, Ba Lan, Mỹ và EU, đã xác nhận tham dự bàn đàm phán lần này. Tuy nhiên, cuộc đàm phán sẽ không có Nga.
Kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào tháng 2/2022, Trung Quốc đã giữ quan hệ kinh tế và ngoại giao chặt chẽ với Nga và từ chối các lời kêu gọi chỉ trích Moscow.
Hồi cuối tháng 6, Trung Quốc đã được mời tham dự vòng đàm phán trước đó ở Copenhagenm, Đan Mạch nhưng đã không tham dự.
Vì vậy các nhà ngoại giao phương Tây cho biết, Ả Rập Xê Út được chọn để tổ chức vòng đàm phán này một phần với hy vọng thuyết phục Trung Quốc, quốc gia nước có quan hệ chặt chẽ với Riyadh, tham gia.
"Điều quan trọng là những gì Trung Quốc làm. Hầu hết những nước tham gia lần trước đều hối tiếc vì Bắc Kinh đã không đến", một quan chức cấp cao của châu Âu cho biết.
Bất chấp một số quốc gia tỏ ra hoài nghi trước nỗ lực của Trung Quốc trong việc tham gia đối thoại về hòa bình ở Ukraine, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố vẫn sẵn sàng đối thoại với Bắc Kinh.
Nhà lãnh đạo Ukraine bày tỏ hy vọng cuộc đàm phán này sẽ đánh dấu một bước trên con đường hướng tới hội nghị thượng đỉnh hòa bình toàn cầu sẽ được tổ chức vào mùa thu tới để tán thành các nguyên tắc, dựa trên "công thức hòa bình" 10 điểm của riêng ông.
Tổng thống Zelensky đã trình bày công thức hòa bình 10 điểm của Ukraine trước các nhà lãnh đạo thế giới tại Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Bali, Indonesia vào năm ngoái.
Các bước này bao gồm lộ trình dẫn đến an toàn hạt nhân, an ninh lương thực, và một hiệp ước hòa bình cuối cùng với Moscow. Nga coi các điều khoản được Ukraine đề xuất là không thể chấp nhận được, cho rằng chúng là dấu hiệu cho thấy Kiev không nghiêm túc trong các cuộc đàm phán.
Tại Jeddah sắp tới, Nga cho biết sẽ giám sát cuộc gặp, đồng thời nhắc lại lập trường rằng Moscow hiện không thấy có cơ sở nào để đàm phán hòa bình với Kiev.