1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Trung Quốc lên tiếng sau khi phương Tây áp giá trần với dầu Nga

Minh Phương

(Dân trí) - Trung Quốc tuyên bố sẽ tiếp tục hợp tác năng lượng với Nga sau khi Liên minh châu Âu (EU), G7 và Australia áp giá trần với dầu mỏ của Nga.

Trung Quốc lên tiếng sau khi phương Tây áp giá trần với dầu Nga - 1

EU áp giá trần với dầu mỏ nhập khẩu từ Nga qua đường biển từ ngày 5/12 (Ảnh minh họa: Wikipedia).

Reuters đưa tin, Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm nay 5/12 cho biết, nước này sẽ tiếp tục hợp tác năng lượng với Nga trên cơ sở tôn trọng, đôi bên cùng có lợi.

Đây là bình luận đầu tiên của Bắc Kinh sau khi EU, nhóm các nước phát triển G7 và Australia đạt được thỏa thuận áp giá trần 60 USD/thùng đối với dầu mỏ nhập khẩu của Nga qua đường biển. Thỏa thuận có hiệu lực từ hôm nay.

Trung Quốc được cho là tăng cường nhập khẩu dầu Nga với giá chiết khấu kể từ đầu năm nay trong bối cảnh phương Tây trừng phạt Moscow, giảm phụ thuộc vào năng lượng của Nga.

Bloomberg tuần trước đưa tin, các nhà máy lọc dầu của Trung Quốc đã bắt đầu mua những lô dầu thô giá rẻ của Nga khi giá dầu giảm mạnh và lệnh áp trần giá dầu của phương Tây sắp có hiệu lực. Nguồn tin cho hay, các nhà máy lọc dầu tư nhân ở Trung Quốc đã mua một số lô dầu thô ESPO của Nga để hàng cập cảng từ tháng 12/2022 đến tháng 1/2023.

Các giao dịch được cho là được thực hiện bằng nhân dân tệ thay vì đô la Mỹ, và được cấp ngân sách thông qua các ngân hàng và tổ chức địa phương.

Về phía Nga, giới chức nước này chỉ trích động thái áp giá trần của phương Tây, đồng thời khẳng định Moscow vẫn có thể tìm được thị trường tiêu thụ. Nga tuyên bố sẽ ngừng bán dầu cho bất cứ nước nào sử dụng cơ chế giá trần.

Quan hệ giữa Nga và phương Tây leo thang căng thẳng đặc biệt sau khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra từ hồi tháng 2. Nga cho biết, một trong những lý do khiến họ phải mở chiến dịch quân sự ở Ukraine là Mỹ và đồng minh đã phớt lờ những quan ngại an ninh của Moscow, tiếp tục mở rộng hiện diện về sát biên giới Nga.

Trong một nỗ lực nhằm hạ nhiệt căng thẳng, Tổng thống Pháp Emmaanuel Macron tuần trước nói rằng, châu Âu cần chuẩn bị cho cấu trúc an ninh tương lai của khu vực, đáp ứng các yêu cầu đảm bảo an ninh cho Nga.

"Điều quan trọng mà chúng ta phải giải quyết, như ông Putin luôn nói, đó là lo ngại NATO sẽ đến ngay trước cửa Nga và việc triển khai vũ khí có thể đe dọa Nga. Đây sẽ là một trong các chủ đề hướng tới hòa bình. Do đó, chúng ta cần chuẩn bị cách bảo vệ đồng minh và nước thành viên, cách đảm bảo an ninh cho Nga khi Moskva trở lại bàn đàm phán", ông Macron bình luận trong một cuộc trả lời phỏng vấn.

Quan điểm này ngay lập tức đã vấp phải chỉ trích của giới chức Ukraine và cựu quan chức một số nước Baltic. Mykhailo Podolyak, trợ lý của Tổng thống Ukraine, nói, thế giới cần đảm bảo an ninh từ Nga, thay vì cho Nga. Cựu ngoại trưởng Litva Linas Linkevicus cho rằng Nga sẽ được đảm bảo an ninh miễn là Moscow không làm những gì tương tự ở Ukraine.

Theo Guardian, RT
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine