1. Dòng sự kiện:
  2. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  3. Xung đột leo thang ở Trung Đông
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Trung Quốc đối mặt nguy cơ thiếu lương thực vì thảm họa lũ lụt

Thành Đạt

(Dân trí) - Thảm họa lũ lụt khiến Trung Quốc đối mặt với rủi ro về an ninh lương thực khi nền kinh tế thứ hai thế giới vẫn đang gặp nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19 và mối quan hệ căng thẳng với Mỹ.

Trung Quốc đối mặt nguy cơ thiếu lương thực vì thảm họa lũ lụt - 1

Những ngôi nhà xung quanh hồ Bà Dương bị ngập trong nước hồi tháng 7. (Ảnh: Nikkei)

Vào thời điểm này trong năm, lúa trên cánh đồng nhà Bao Wentao lẽ ra đã sẵn sàng để thu hoạch.

Tuy nhiên năm nay, lũ lụt nhấn chìm nhiều khu vực rộng lớn ở miền nam Trung Quốc, bao gồm gần 15 ha ruộng lúa của Bao và cha anh ở ngôi làng gần hồ Bà Dương.

“Vụ mùa năm nay thất bát hoàn toàn. Trước khi lũ về, lúa đã gần chín và sẵn sàng thu hoạch. Nhưng bây giờ mọi thứ đã mất hết”, Bao, 19 tuổi, nói với CNN Business.

Bao cũng cho biết gia đình anh thiệt hại gần 200.000 Nhân dân tệ (28.000 USD).

Nước lũ dâng cao làm vỡ đê bao quanh hồ Bà Dương vào tháng trước, tàn phá hàng nghìn ha đất nông nghiệp ở nơi được coi là “vùng đất của cá và lúa”. Lưu vực sông Dương Tử mở rộng hơn, bao gồm hồ Bà Dương, trải dài gần 6.300 km từ Thượng Hải ở phía đông đến gần biên giới Tây Tạng ở phía tây, chiếm tới 70% sản lượng gạo của Trung Quốc.

Đối với những nông dân như cha con Bao, thiệt hại do mưa lũ rất nặng nề. Mưa lũ không chỉ tàn phá mùa màng mà họ sắp thu hoạch, quy mô của lũ lụt còn khiến không thể cứu vãn được bất kỳ vụ mùa nào trong năm nay.

“Đất vẫn đang ngập trong nước. Điều đó đồng nghĩa với việc chúng tôi sẽ không có thêm bất kỳ đợt thu hoạch nào trong cả năm nay”, Bao nói.

Lũ lụt nhấn chìm ruộng lúa của Bao và hơn 5 triệu ha đất trồng trọt, tương đương diện tích bang West Virginia (Mỹ), là trận lụt tồi tệ nhất mà Trung Quốc phải hứng chịu trong nhiều năm. Bộ Quản lý Tình trạng Khẩn cấp Trung Quốc ước tính tổn thất về kinh tế trực tiếp của thảm họa lũ lụt năm nay vào khoảng 21 tỷ USD, bao gồm đồng ruộng, đường sá và các tài sản bị phá hủy. Khoảng 55 triệu người, bao gồm những nông dân như Bao, bị ảnh hưởng bởi thiên tai.

Thảm họa này là tin xấu cho Trung Quốc khi nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới vốn đã ở trong tình trạng mong manh vì đại dịch Covid-19. Bắc Kinh cho đến nay vẫn phải đảm bảo nguồn cung lương thực bằng việc nhập khẩu số lượng lớn sản phẩm từ các nước khác và giải phóng hàng chục triệu tấn từ các kho dự trữ chiến lược.

Tuy nhiên, mối quan hệ căng thẳng giữa Trung Quốc và phần lớn các nước phương Tây, cùng đại dịch Covid-19, khiến việc nhập khẩu lương thực trở nên khó khăn hơn trong tương lai. Trong khi đó, tình hình lũ lụt tại Trung Quốc có thể sớm diễn biến xấu hơn: Mưa lớn được dự đoán sẽ tiếp tục trút xuống trong hầu hết tháng này và giới chức Trung Quốc cảnh báo, lũ lụt có thể mở rộng hơn về phía bắc, đe dọa các vụ lúa mì và ngô của nước này.

“Đây là trận lụt tồi tệ nhất kể từ năm 1998 và có thể sẽ còn tệ hơn trong những tuần sắp tới”, các nhà phân tích tại Nomura nhận định hồi tháng trước.

An ninh lương thực

Trung Quốc đối mặt nguy cơ thiếu lương thực vì thảm họa lũ lụt - 2

Đội cứu hộ chuyển người dân bằng xuồng cao su khi lũ quét tại tỉnh Giang Tây. (Ảnh: Xinhua)

Hiện chưa rõ nguồn cung thực phẩm của Trung Quốc sẽ đối mặt với rủi ro như thế nào, vì chính phủ vẫn chưa công bố số liệu cụ thể về tình trạng sản xuất hiện tại.

Theo các nhà phân tích tại Nomura, nếu lũ lụt được kiểm soát vào cuối tháng 8, tăng trưởng GDP nông nghiệp của Trung Quốc có thể giảm xuống gần 1% trong quý 3 năm nay, tương đương hơn 1,7 tỷ USD sản lượng nông nghiệp bị mất. Con số này được đưa ra dựa trên những thiệt hại được ghi nhận vào giữa tháng 7 tại 7 tỉnh phía nam bị ảnh hưởng nặng nề bởi lũ lụt.

Các nhà phân tích tại hãng môi giới Trung Quốc Shenwan Hongyuan gần đây ước tính Trung Quốc có thể mất 11,2 triệu tấn lương thực so với năm ngoái, do diện tích đất nông nghiệp bị thiệt hại bởi lũ lụt cho tới giữa tháng 7. Con số này tương đương 5% lượng gạo do Trung Quốc sản xuất.

Tuy nhiên thiệt hại có thể còn nặng nề hơn. Phân tích của Nomura được đưa ra dựa trên dữ liệu về diện tích đồng ruộng bị ngập lụt do chính phủ Trung Quốc công bố hồi tháng 7. Kể từ đó, theo Bộ Ứng phó Khẩn cấp Trung Quốc, diện tích đất trồng bị lũ lụt tàn phá tăng gần gấp đôi. Các con số về thiệt hại do các nhà phân tích đưa ra cũng chưa tính đến những thiệt hại có thể xảy ra liên quan tới sản lượng lúa mì, ngô và các loại hoa màu khác nếu lũ lụt lan rộng.

Các nhà phân tích chỉ ra rằng giá ngô tại Trung Quốc trong tháng 7 đã tăng 20% so với năm trước đó. Đây là mức tăng cao nhất trong 5 năm. Ngô được sử dụng làm thức ăn chăn nuôi lợn ở Trung Quốc và ngành này đang hồi phục sau khi Trung Quốc kiểm soát được dịch tả lợn châu Phi vào năm ngoái. Ngay cả trước khi lũ lụt xảy ra, nguồn cung ngô đã bị siết chặt do lo ngại về loài sâu bọ đang lan rộng ở Trung Quốc.

Trong khi đó, giá đậu nành cũng tăng lên. Theo dữ liệu của Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc, trong nửa đầu năm 2020, giá đậu nành trong nước tăng 30% so với cuối năm ngoái. Các nhà phân tích cho rằng việc tăng giá đậu nành chủ yếu do lo ngại về tình trạng thời tiết cực đoan tại các khu vực sản xuất đậu nành và tình trạng bất ổn của quan hệ thương mại Mỹ - Trung.

Rõ ràng chính quyền Trung Quốc đang lo ngại. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gần đây khiến các nông dân ở tỉnh Cát Lâm bất ngờ khi có chuyến thăm tới khu vực này.

“Tôi đến đây chủ yếu để kiểm tra mùa màng. Có khá nhiều thảm họa trong năm nay. Tôi lo ngại mùa màng sẽ phát triển như thế nào ở vùng đông bắc này”, ông Tập nói.

Ông Tập có lý do để tới thăm Cát Lâm. Khu vực đông bắc sản xuất hơn 40% sản lượng đậu nành và 1/3 sản lượng ngô của Trung Quốc. Cả hai nông sản này đều đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng lương thực vì chúng là thức ăn cho gia súc và gia cầm.

Trung Quốc tiêu thụ nhiều đậu nành hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới và chỉ đứng sau Mỹ về tiêu thụ ngô. Khu vực này cho đến nay vẫn chưa có lũ lụt lớn, nhưng tình hình vẫn có thể diễn biến xấu đi trong những tuần tới.

Trong suốt chuyến thăm, Chủ tịch Tập Cận Bình tiếp tục nhấn mạnh rằng an ninh lương thực là vấn đề hàng đầu để đảm bảo an toàn về kinh tế. Phó thủ tướng Trung Quốc Hồ Xuân Hoa, người phụ trách các vấn đề nông nghiệp quốc gia, tuần trước đã kêu gọi các quan chức cấp cao địa phương gánh vác trách nhiệm bảo vệ an ninh lương thực và đảm bảo hoạt động sản xuất không bị suy giảm.