1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

“Căng mình” chiến đấu với nước lũ tại hồ nước ngọt lớn nhất Trung Quốc

Đức Hoàng

(Dân trí) - Nhiều người dân sống quanh Hồ Bà Dương - hồ nước ngọt lớn nhất Trung Quốc và là lưu vực sông Dương Tử - đã phải “căng mình” chống lại lũ lụt nghiêm trọng những ngày qua.

“Căng mình” chiến đấu với nước lũ tại hồ nước ngọt lớn nhất Trung Quốc - 1

Hộ đê ở hồ Bà Dương (Ảnh: Tân Hoa Xã)

Yu Zhongdai vác trên vai một bao cát nặng, đặt xuống bờ kè Đông Thắng để ngăn nước lũ tràn qua. Sóng lớn ập tới và rõ ràng là cần thêm nhiều bao cát nữa.

“Tôi đã chiến đấu với lũ ở đây trong hơn 2 tuần qua”, anh Yu, 33 tuổi, nói.

Yu là phó lãnh đạo của thị trấn Xingang, Cửu Giang, Giang Tây, tỉnh phía đông Trung Quốc. Xingang nằm giữa hồ Bà Dương, hồ nước ngọt lớn nhất Trung Quốc và sông Dương Tử, sông dài nhất nước này.

Trung Quốc đã bước vào mùa mưa. Từ tháng 6, mưa lớn không ngừng nghỉ đã làm ngập úng một phần rộng lớn ở phía nam nước này và mực nước trên nhiều sông ở các khu vực bị ảnh hưởng đã vượt mốc cảnh báo.

Phía bắc Giang Tây đã hứng chịu mưa lớn từ ngày 6/7, nước dâng cao ở các sông hồ ở khu vực.

“Ngày 12/7, nước ở hồ Bà dương vọt qua ngưỡng bảo đảm, 22,43 mét, gây ra mối đe dọa trầm trọng tới người dân làng Yangjiachang ở vùng lân cận”, Yu cho biết.

Trong tình hình đó, Yu đã đứng ra lãnh đạo người dân “căng mình” nhằm kiểm soát lũ lụt ở bờ kè Đông Thắng.

Hồ Bà Dương nhận nước từ một vài con sông trong Giang Tây và nước này chảy ra sông Dương Tử. Dòng nước này sau đó sẽ chảy về hướng đông ra biển. Hồ có chức năng điều chỉnh mực nước sông trong mùa hạn hán và cả mùa lũ lụt.

“Khi sông Dương Tử gặp lũ, nước lũ chảy vào hồ Bà Dương. Điều chúng tôi cần làm là đảm bảo bờ đê an toàn và ngăn nước lũ dâng cao chảy vào làng”, Yu nói.

Bờ kè Đông Thắng dài 3km. Yu tuần tra từ sáng tới đêm để ngăn nước rò rỉ.

“Nếu chúng tôi phát hiện ra nước có bùn chảy ra phía sau bờ kè, chúng tôi sẽ dùng vật liệu chống thấm nước để che lại, và đảo các dường dẫn nước nhỏ để nước chảy đi”, Yu nói.

Những rò rỉ nhỏ là thứ vẫn thường gặp, vì cấu trúc này có bùn ở phía dưới và nước có thể chảy qua. “Tuy nhiên, nếu vết hở có đường kính dưới 5cm, chúng tôi sẽ xử lý chúng, nếu không chúng tôi sẽ nhờ các chuyên gia ngay lập tức”, Yu cho hay.

“Căng mình” chiến đấu với nước lũ tại hồ nước ngọt lớn nhất Trung Quốc - 2

Vỡ đê tại Giang Tây (Ảnh: China News)

Tuần tra hộ đê đồng nghĩa với việc phải liên tục di chuyển dưới cái nóng gay gắt hoặc gió mạnh, nhưng Yu nói rằng điều này quan trọng vì nó giúp mọi người an toàn.

Với Yu, ngày đáng nhớ nhất là đêm 12/7, khi nước từ hồ dâng lên nhanh chóng, tạo ra những con sóng lớn và đánh thẳng vào đê.

“Có 700-800 người thâu đêm ở bờ đê để đắp bao cát lên cấu trúc. Chúng tôi thấy rất đau khi nước táp vào mặt”, Yu kể lại.

Những người hộ đê đã làm việc không ngừng nghỉ từ chiều hôm trước tới sáng hôm sau. Yu cũng cho biết rằng hiện anh đang bị thiếu nhân lực chống lũ, nhưng khi nghe tin nhiều công nhân nhập cư sẽ trở về quê nhà hỗ trợ hộ đê, anh yên tâm phần nào.

Yu thừa nhận rằng việc sơ tán người dân là rất khó khăn vì nhiều người không muốn di chuyển dù nước lũ đã dâng vượt mức báo động.

“Tại làng Yangjiachang, hầu hết người dân cao tuổi, là phụ nữ và trẻ em. Nhiều người lớn tuổi không muốn đi vì họ muốn ở lại trông coi tài sản, hoặc vì họ không có bạn bè hoặc người thân tại nơi sơ tán.

Yu thừa nhận trận chiến với lũ năm nay là khó khăn nhất trong nhiều năm qua vì mực nước tại hồ Bà Dương đạt tới ngưỡng kỷ lục.