Trung Đông 2015 – bức tranh toàn cảnh tối màu
Sự trỗi dậy và bành trướng của IS chính là gam nền chủ đạo trong bức tranh toàn cảnh tối màu của Trung Đông năm 2015.
Cũng như nhiều năm qua, năm 2015, thế giới tiếp tục phải chứng kiến một khu vực Trung Đông - Bắc Phi đầy rẫy chiến sự, bạo lực và khủng hoảng. Những gam màu tươi mới xuất hiện quá ít và yếu ớt, chưa đủ để làm sáng lên bức tranh toàn cảnh ảm đạm và tối màu của vùng đất đang là tâm điểm nỗi đau của nhân loại.
Con bạch tuộc IS vươn vòi từ Trung Đông
Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đang tàn phá Trung Đông- Châu Phi (Ảnh: Telegraph)
Không hề quá lời khi nói rằng, sự trỗi dậy và bành trướng của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), chính là gam nền chủ đạo trong bức tranh toàn cảnh tối màu của Trung Đông năm 2015. Không chỉ gây tội ác và bành trướng vùng ảnh hưởng ở hai quốc gia được coi là nơi “lập quốc” của IS là Syria và Iraq, nhóm khủng bố này còn vươn vòi bạch tuộc sang nhiều quốc gia khu vực như Libya, Ai Cập, Yemen, Tunisia và thậm chí cả châu Âu.
Tại Syria, IS chính là nhân tố khiến cho cục diện cuộc nội chiến kéo dài gần 5 năm qua leo thang cực kỳ phức tạp, khi đã lôi kéo thêm hàng loạt quốc gia ngoài khu vực trực tiếp can dự sâu vào cuộc nội chiến, đứng đầu là Nga và một số nước châu Âu như Pháp và Anh.
Trong đó, sự can thiệp của Nga bắt đầu ngày 30/9 vừa qua được coi là diễn biến đáng chú ý nhất. Sự kiện này được coi là hành động dẫn dắt tới nhiều sự vụ gây chấn động dư luận khu vực và thế giới sau đó như vụ IS nhận trách nhiệm làm chiếc rơi máy bay chở khách của Nga trên bán đảo Sinai của Ai Cập ngày 31/10 khiến 224 người thiệt mạng; hay vụ Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay chiến đấu SU-24 của Nga hồi tháng 11, dẫn đến cuộc khủng hoảng quan hệ trầm trọng chưa từng có giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ.
Những tội ác mà IS gây ra tại Syria đến nay chưa có một thông tin thống kê nào thực sự đầy đủ, song cả thế giới không bao giờ có thể quên được những cảnh hành quyết man rợ mà tổ chức khủng bố này đã tiến hành và công khai loan báo, trong đó có hàng chục vụ hành quyết các con tin người nước ngoài, các vụ xử tử tù nhân, các cuộc thảm sát những người chống đối hay vụ thiêu sống viên phi công người Jordan hồi đầu tháng 2 làm chấn động dư luận thế giới.
Còn ở Iraq, IS vẫn tiếp tục chiếm giữ nhiều vùng lãnh thổ rộng lớn ở khu vực miền tây và phía bắc quốc gia Vùng Vịnh, đồng thời liên tiếp tiến hành hàng trăm cuộc tấn công mở rộng lãnh thổ khác để thực hiện tham vọng tội ác của mình. Tổn thất mà IS gây ra cho các lực lượng an ninh và dân thường Iraq có lẽ cũng không ít hơn những thiệt hại mà chúng gây ra tại Syria.
Và không chỉ thực hiện tội ác bên trong biên giới địa đồ sơ khởi của mình là Syria và Iraq, IS còn gây ra hàng loạt vụ tấn công khủng bố và thảm sát kinh hoàng tại các quốc gia khu vực và tới cả châu Âu. Tại khu vực, IS thực hiện vụ thảm sát dã man hơn 20 công dân người Ai Cập ở Libya hồi tháng 2; thực hiện một loạt các vụ đánh bom đẫm máu gây nhiều thương vong ở Saudi Arabia, Tunisia, Lebanon, Libya, Yemen…
Đặc biệt, IS đã nhận trách nhiệm thực hiện vụ đánh bom làm rơi chiếc máy bay chở khách của Nga trên bán đảo Sinai của Ai Cập hồi cuối tháng 10 khiến 224 người chết và sau đó là loạt vụ khủng bố gây chấn động châu Âu ngay giữa thủ đô Paris của Pháp hồi tháng 11 khiến gần 130 người thiệt mạng. Hơn thế, IS còn được coi là nhân tố chủ chốt tạo ra làn sóng di cư chưa từng có từ Trung Đông sang châu Âu trong năm 2015, kéo theo nhiều hệ lụy nghiêm trọng về an ninh và xã hội đối với nhiều quốc gia liên quan.
Nội chiến Yemen, khủng hoảng ở Libya, Lebanon
Nội chiến đang tàn phá đất nước Yemen. (Ảnh: AP)
Bức tranh chết chóc của Trung Đông năm qua còn phải kể đến cuộc nội chiến đang diễn biến hết sức phức tạp ở Yemen. Theo thống kê mới nhất của tổ chức Giám sát nhân quyền quốc tế, chiến sự trong năm 2015 này đã cướp đi sinh mạng của hơn 28.000 người, trong đó dân thường chiếm một tỷ lệ lớn.
Đáng nói hơn, cuộc nội chiến đã lôi kéo sự tham gia của Liên quân gồm 5/6 quốc gia Vùng Vịnh do Saudi Arabia đứng đầu, vào chiến dịch không kích phe nổi dậy ở Yemen. Trong khi đó, Nhà nước Hồi giáo Iran cũng được cho là đứng về phía đối địch trong cuộc chiến này. Nhưng nghiêm trọng hơn, cuộc chiến Yemen còn là bước leo thang mới trong cuộc đối đầu căng thẳng giữa hai dòng Hồi giáo Shiite và Sunny mà Iran và Saudi Arabia là hai đại diện lãnh đạo. Theo đánh giá của nhiều nhà phân tích, cuộc đối đầu này đã, đang và sẽ còn có tác động tiêu cực đến tình hình tại Trung Đông.
Góp lửa cho lò nhiệt Trung Đông năm 2015 còn phải kể đến Libya, quốc gia Bắc Phi vẫn đang vùng vẫy trong cuộc khủng hoảng tồi tệ khởi phát từ cuộc cách mạng Mùa xuân Arab dẫn đến sự sụp đổ của chế độ Kadahfi năm 2011. Bất chấp nhiều nỗ lực dàn xếp quốc tế, các bên trong cuộc xung đột tranh giành quyền lực thời kỳ hậu Mùa xuân Arab, vẫn chưa thể đạt được thỏa thuận hòa bình để thành lập Chính phủ mới, hòa giải dân tộc và chấm dứt chiến sự.
Hiện tại, quốc gia Bắc Phi này vẫn bị “chia năm xẻ bảy” bởi các nhóm vũ trang cát cứ và nổi lên sau cuộc Cách mạng, mà biểu hiện rõ nét nhất là sự song song tồn tại của hai Chính phủ và hai Quốc hội của hai phe đối địch nhau trong cuộc xung đột. Hậu quả của tình trạng vô Chính phủ này là nền kinh tế Libya ngày càng suy kiệt và tình trạng an ninh bất ổn gia tăng.
Một điểm nóng khác cũng cần phải kể tên trong bức tranh khủng hoảng Trung Đông là Lebanon, quốc gia láng giềng và đang chịu sự tác động mạnh mẽ từ cuộc nội chiến ở Syria. Không chỉ liên tiếp phải hứng chịu làn sóng tấn công khủng bố trong năm 2015, Lebanon còn đối mặt với nguy cơ bị lôi cuốn sâu hơn vào cuộc nội chiến ở Syria khi mà Phong trào Hồi giáo vũ trang Hezbollah của nước này đang ngày càng can dự sâu hơn vào cuộc nội chiến ở quốc gia láng giềng.
Còn trên chính trường, đất nước Lebanon tiếp tục chứng kiến khoảng trống quyền lực nghiêm trọng khi vẫn chưa thể bầu ra được Tổng thống mới. Cuộc tranh giành quyền lực và mâu thuẫn nghiêm trọng giữa các phe phái chính trị, khiến cho 33 phiên họp của Quốc hội nhằm bầu Tổng thống mới trong hơn 2 năm qua, đều bị thất bại.
Thổ Nhĩ Kỳ và scandal bắn hạ máy bay Nga
Vụ Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ máy bay Su-24 của Nga đang khiến quan hệ hai nước căng thẳng. (Ảnh: CBS News)
Nói đến bất ổn Trung Đông năm qua, chúng ta cũng không thể không nói đến một cường quốc khu vực là Thổ Nhĩ Kỳ với khá nhiều diễn biến khiến cả thế giới phải chú ý. Quốc gia Hồi giáo này không chỉ chịu tác động trực tiếp từ cuộc nội chiến Syria, mà còn là nạn nhân của chủ nghĩa khủng bố. Người dân và đất nước Thổ Nhĩ Kỳ chắc chắn còn chưa hết bàng hoàng về vụ đánh bom khủng bố đẫm máu ngay giữa thủ đô Ankara hồi giữa tháng 10 vừa qua, khiến hơn 100 người thiệt mạng và hàng trăm người khác bị thương.
Song đáng nói hơn về Thổ Nhĩ Kỳ trong bức tranh khủng hoảng Trung Đông 2015, đó là hành động bắn rơi chiếc máy bay chiến đấu SU-24 của Nga tại khu vực biên giới Syria, khi chiếc máy bay này vừa thực hiện một cuộc tấn công tiêu diệt tổ chức khủng bố IS. Sự kiện này đã dẫn tới cuộc khủng hoảng quan hệ nghiêm trọng chưa từng có giữa Ankara và Moscow từ nhiều thập kỷ qua. Nguy hại hơn, Thổ Nhỹ Kỳ còn bị cáo buộc hợp tác với IS, cụ thể là việc mua dầu thô giá rẻ từ tổ chức khủng bố đang khiến cả thế giới căm hận.
Không dừng lại ở đó, chỉ ít ngày sau, Thổ Nhỹ Kỳ lại khiến dư luận khu vực đổ dồn sự chú ý khi bị Chính phủ Iraq cáo buộc đưa quân vào đồn trú bên trong lãnh thổ Iraq mà không xin phép Chính quyền Baghdad. Iraq đã lên án mạnh mẽ hành động của Thổ Nhỹ Kỳ, coi đó là sự vi phạm trắng trợn chủ quyền lãnh thổ của Iraq, đồng thời đe dọa đưa vụ việc lên Hội đồng bảo an Liên hợp quốc.
Tiến trình hòa bình Palestine – Israel
Quan hệ Israel-Palestine tiếp tục rơi vào vòng xoáy căng thẳng.
Sẽ là thiếu sót lớn nếu trong bức tranh toàn cảnh về sự bất ổn của Trung Đông năm qua mà không đề cập đến tiến trình hòa bình Trung Đông với tâm điểm là cuộc xung đột Palestine – Israel. Cũng như hàng thập kỷ trước, cuộc xung đột Palestine – Israel luôn là điểm nóng nhức nhối của khu vực và thế giới.
Năm 2015, tiến trình này tiếp tục dậm chân tại chỗ, hòa đàm chưa thể được khôi phục. Nhưng tệ hại hơn, một làn sóng bạo lực mới đã bùng phát giữa người Palestine và quân đội Israel hồi tháng 9 và 10 vừa qua, cướp đi mạng sống của hàng chục người thuộc cả hai phía. Biến cố này đã dập tắt hoàn toàn hy vọng sớm có thể nối lại hòa đàm giữa hai bên.
Những điểm sáng hiếm hoi
Trung Đông năm 2015 thực sự là một bức tranh toàn cảnh u ám, đầy ắp bạo lực và khủng hoảng. Nhưng điều đó không có nghĩa là trong bức tranh đại cảnh tối màu ấy không có những điểm sáng, thậm chí là chói sáng. Và điểm chói sáng hiếm hoi đó chính là việc đạt được thỏa thuận hạt nhân lịch sử giữa Iran và nhóm P5+1 gồm Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc và Đức, ngày 14/7/2015 tại Vienna (Áo), sau nhiều năm ròng bền bỉ đàm phán.
Thỏa thuận đạt được không chỉ hóa giải một trong những tâm điểm căng thẳng hàng đầu của khu vực và thế giới, hóa giải mối quan hệ đối đầu kéo dài nhiều thập kỷ giữa Mỹ và Iran, mà còn mở ra hy vọng giải quyết nhiều vấn đề khu vực trọng đại khác, từ cuộc chiến chống IS đến việc giải quyết cuộc nội chiến Syria hay chấm dứt chiến sự ở Yemen.
Đại diện của Iran và nhóm P5+1 đạt được thỏa thuận hạt nhân lịch sử. (Ảnh: AFP)
Bên cạnh đó, những người có cái nhìn lạc quan còn có thể thấy rất nhiều vệt sáng khác, dù không thực sự nổi bật trong bức tranh tổng thể Trung Đông 2015. Đó là quyết tâm tiêu diệt chủ nghĩa khủng bố và cực đoan của cả thế giới.
Sau nhiều năm đứng ngoài cuộc, lần lượt nhiều cường quốc thế giới như Nga, Pháp và Anh, đã trực tiếp tham gia vào cuộc chiến chống IS dù dưới những phương thức và động cơ có thể có sự khác biệt nhau. Và đến những ngày cuối năm, có thêm một Liên minh quốc tế mới chống khủng bố được hình thành với sự tham gia của 34 nước, do Saudi Arabia đứng đầu.
Đó còn là những nỗ lực không mệt mỏi của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là Liên Hợp Quốc và các cường quốc, trong việc thúc đẩy giải quyết hàng loạt các cuộc khủng hoảng khu vực như Syria, Libya, Yemen. Chỉ trong hai tháng cuối năm, hàng loạt hội nghị quốc tế và đàm phán hòa giải do Liên Hợp Quốc bảo trợ, đã được đồng loạt tổ chức.
Dù chặng đường đi đến kết quả cuối cùng cho những nỗ lực này được dự đoán vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức ở phía trước, song đó vẫn có thể coi là những sự khởi đầu đáng ghi nhận.
Còn xét về mặt xã hội, năm 2015 cũng đã chứng kiến sự phát triển vượt bậc về nữ quyền tại một loạt quốc gia Hồi giáo khu vực. Có thể kể ra đây một vài ví dụ nổi bật như việc Iran lần đầu tiên bổ nhiệm một nữ đại sứ kể từ sau cuộc Cách mạng Hồi giáo năm 1979; việc Saudi Arabia lần đầu tiên tổ chức cuộc bầu cử Hội đồng địa phương mà phụ nữ được phép ứng cử và bỏ phiếu; việc Iraq lần đầu tiên tổ chức một cuộc thi sắc đẹp sau hơn 40 năm gián đoạn, vào những ngày cuối cùng của năm 2015.
Có thể những điểm sáng này còn rất mờ nhạt. Song với những người dân của một vùng đất đầy rẫy bạo lực, khủng hoảng và chiến sự như Trung Đông, những điểm sáng đó chính là những hy vọng thực sự về một tương lai tươi sáng hơn cho cộng đồng dân tộc và chính cuộc sống của mỗi người trong đó./.
Theo Bá Thi - VOV/Cairo