1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Sự trở lại ngoạn mục của Tổng thống Putin

(Dân trí) - Vào tháng 12/2014, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã đặt một câu hỏi về nước Nga trong khi phát biểu trước một nhóm lãnh đạo doanh nghiệp ở Washington. Ông Obama nói rằng sự can thiệp của Nga tại Ukraine và các chính sách “tụt hậu” của Moscow đang “cô lập hoàn toàn nước Nga trên trường quốc tế”.

Sự trở lại ngoạn mục của Putin (Video: RT)


Tổng thống Nga Putin (Ảnh: AP)

Tổng thống Nga Putin (Ảnh: AP)

Nước Nga bị cô lập là một trong những cụm từ được giới chức Mỹ và NATO nhắc tới nhiều nhất trong năm 2014, nửa đầu năm 2015 khi đề cập tới nước Nga. Quan hệ giữa Nga và phương Tây đã rơi vào trạng thái băng giá do sự can dự của Moscow vào tình hình ở đông Ukraine và việc sáp nhập bán đảo Crimea.

Còn nhớ tại thượng đỉnh G20 ở Brisbane (Úc), ông Putin đã đối mặt với những chỉ trích mạnh mẽ vì cuộc khủng hoảng tại Ukraine. Nhà lãnh đạo Nga dường như cô đơn tại sự kiện này khi bị các lãnh đạo phương Tây đồng loạt công kích. Thủ tướng Úc Tony Abbott khi đó đã tuyên bố sẽ “nói chuyện” thẳng thắn với ông Putin về vụ rơi máy bay Malaysia tại Ukraine, mà Kiev và phương Tây cáo buộc là do phe đòi độc lập thân Nga ở miền đông Ukraine là chủ mưu. Thủ tướng Canada Stephen Harper cũng nói với ông Putin với giọng điệu cứng rắn khó nghe. Kết quả là ông Putin đã bất ngờ rời thượng đỉnh G20 sớm khi hội nghị này chưa kết thúc và vụ việc đã gây xôn xao báo chí thế giới khi đó.

Tuy nhiên, thái độ của các lãnh đạo thế giới đối với ông Putin đã thay đổi rõ rệt tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Antalya (Thổ Nhĩ Kỳ) tháng 11/2015. Sự lạnh nhạt và giọng điệu đối đầu dường như đã thay đổi, mà thay vào đó là các cuộc gặp song phương giữa ông chủ điện Kremlin và các lãnh đạo thế giới. Tổng thống Nga và Mỹ đã được nhìn thấy có cuộc thảo luận riêng đáng chú ý bên lề G20. Cũng tại hội nghị, Nga và phương Tây dường như đã tiến lại gần một thỏa thuận về cách thức chấm dứt cuộc nội chiến tại Syria.

Nếu sự mở rộng của Nga trong năm 2014 gây ra sự cô lập đối với Moscow thì chính sách ngoại giao mở rộng của Nga trong năm 2015 đã đưa ông Putin trở lại một cách đầy mạnh mẽ trên vũ đài chính trị toàn cầu. Từ sự can thiệp quân sự của Nga tại Syria tới việc thúc đẩy một liên minh chống khủng bố sau các vụ tấn công khủng bố ở Paris và vụ gài bom máy bay Nga tại Ai Câp, ông Putin đã chứng tỏ vị thế của Nga trên chính trường.

“Thành công chính của ông Putin trong năm 2015 là ông đã trở lại. Ông ấy ít nhiều được thừa nhận như một người mà chúng ta phải trò chuyện, người thậm chí có thể giúp chúng ta trong các cuộc khủng hoảng”, chuyên gia Stefan Meister, từ trung tâm Robert Bosch tại Berlin chuyên về Trung Á, Nga, Trung và Đông Âu nhận định.


Tổng thống Obama và Tổng thống Putin thảo luận bên lề ghị thượng đỉnh G20 tháng 11/2015 (Ảnh: AP)

Tổng thống Obama và Tổng thống Putin thảo luận bên lề ghị thượng đỉnh G20 tháng 11/2015 (Ảnh: AP)

Sự can thiệp của Nga tại Syria đã đưa Moscow trở lại vai trò “người chơi chính” trong các vấn đề chính trị của Trung Đông, nhắc nhở thế giới về vị thế của Nga và cũng tạo ảnh hưởng lớn ở trong nước.

Các quan chức cấp cao của Mỹ đã thể hiện sự thay đổi về thái độ đối với Nga. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry hồi tháng 5/2015 đã gặp ông Putin tại Sochi - chuyến đi đầu tiên của ông tới Nga kể từ khi cuộc khủng hoảng nổ ra ở đông Ukraine, và họ gặp lại gần nữa hồi tháng 12 ở Moscow.

Sau cuộc gặp với ông Putin hồi tháng trước, Ngoại trưởng Kerry đã trả lời một câu hỏi về bình luận của Tổng thống Obama 1 năm trước về sự cô lập của Nga rằng: “Chúng tôi không theo đuổi chính sách cô lập Nga. Chúng tôi luôn nói rằng thế giới sẽ tốt đẹp hơn khi Nga và Mỹ tìm được tiếng nói chung và hợp tác cùng nhau”.

Còn Tổng thống Pháp Francois Hollande đã nhanh chóng có chuyến thăm chớp nhoáng tới Moscow sau vụ khủng bố tại Paris và hối thúc Nga và Mỹ hợp tác để đánh bại IS tại Syria. Tại cuộc hội đàm, lần đầu tiên nhà lãnh đạo Pháp đã chỉ ra sự cần thiết của việc tạo ra một liên minh toàn cầu chống chủ nghĩa khủng bố với sự tham gia của Nga.

Những thách thức trong năm 2016

Tuy nhiên, nỗ lực của ông Putin nhằm đưa nước Nga trở thành một bên không thể thiếu trong việc giải quyết cuộc nội chiến tại Syria và đi đầu trong cuộc chiến chống khủng bố cũng tiềm ẩn những nguy cơ.

Nga đã phát động chiến dịch không kích khủng bố tại Syria theo đề nghị của Tổng thống Bashar al-Assad từ ngày 30/9/2015. Tuy nhiên, chiến dịch này đã khiến các quốc gia phương Tây và Ả-rập nổi giận vì cho rằng các cuộc không kích nhằm vào cả các phần tử đối lập ôn hòa ở Syria.

Chiến dịch quân sự cũng đe dọa thu hút các nguồn lực tài chính từ một nền kinh tế Nga đang đi xuống, làm “phật lòng” cộng đồng thiểu số Hồi giáo Sunni và gây ra mối đe dọa khủng bố ở trong nước. Các vụ việc bất ngờ, như việc Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi một máy bay chiến đấu Su-24 tại biên giới Syria-Thổ Nhĩ Kỳ, có thể gây ra những tổn thất về địa chính trị, như căng thẳng lâu nay giữa Ankara và Moscow.

Mặc dù ông Putin ít bị cô lập hơn khi ông trở lại đầy mạnh mẽ vào năm 2015 nhưng người dân Nga có thể bị cô lập hơn. Cả Mỹ và Liên minh châu Âu vào cuối năm 2015 đều đã tuyên bố kéo dài các lệnh trừng phạt lên Nga vì cuộc khủng hoảng tại Ukraine.

Trong năm 2016, nhà lãnh đạo Nga đối mặt với những khó khăn không nhỏ. Ông Putin bước vào năm 2016 với các lệnh trừng phạt của phương Tây và giá dầu liên tục phá đáy, những thách thức đối với chính sách ngoại giao năng lượng ngày càng gia tăng và kết quả chưa rõ ràng từ chiến dịch không kích tại Syria. Thế giới sẽ chờ đợi và quan sát xem ông chủ điện Kremlin giải quyết những thách thức này như thế nào trong năm mới.

An Bình