1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Dấu ấn 2015: Nga trở lại Trung Đông trong thế mạnh

(Dân trí) - Việc Nga quay trở lại Trung Đông là điều rõ ràng nhất. Moskva đã không ngần ngại thực hiện chính sách can thiệp quân sự vào khu vực và tìm cách chiếm lấy khoảng trống mà Mỹ để lại do phải tập trung chống IS.

Dấu ấn 2015: Nga trở lại Trung Đông trong thế mạnh - 1

Tàu chiến Nga phóng tên lửa tiêu diệt mục tiêu. (Nguồn: youtube.com)

Theo giới quan sát, chiến lược can thiệp quân sự của Nga được thực hiện chủ yếu ở Syria. Từ ngày 30/09/2015, nhân danh cuộc chiến chống tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS), không quân Nga đã tấn công vào hàng loạt các tổ chức đối lập với chính quyền Damascus, từ đối lập “ôn hòa” đến các nhóm nổi dậy Hồi giáo cực đoan, các tổ chức "thánh chiến" của Mặt trận Al-Nosra.

Kể từ sau khi Liên bang Xô viết tan rã năm 1991, trên thực tế Moskva đã mất ảnh hưởng tại Trung Đông, nơi Liên Xô từng đầu tư rất nhiều. Năm 1994 Nga đành đứng nhìn Cộng hòa Dân chủ Yemen vốn thân thiết với Moskva, bị phe miền bắc Yemen thâu tóm với sự hỗ trợ của Ả rập Xê út.

Năm 2003, Nga không thể ngăn cản được Mỹ tấn công quân sự Iraq, lật đổ chế độ của ông Saddam Hussein, vốn là đồng minh của Moskva. Năm 2011, việc Nga vắng mặt trong cuộc bỏ phiếu tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã cho phép các nước phương Tây và một số nước Ả rập can thiệp vào Libya, tiêu diệt Tổng thống Mouammar Kadhafi.

AFP dẫn lời một nhà ngoại giao cao cấp của Nga làm việc tại Damascus nói: "Phương Tây đã lừa chúng tôi và chúng tôi sẽ không bao giờ bỏ qua việc họ đơn phương áp dụng Nghị quyết của Liên Hợp Quốc để chiếm Libya. Chúng tôi sẽ không bao giờ để cho họ chiếm Syria".

Từ gần 5 năm qua, khoảng 250.000 người đã thiệt mạng do nội chiến tại Syria, quốc gia cuối cùng tại Trung Đông mà Nga còn có ảnh hưởng mạnh mẽ.

Ông Karim Bitar, Chuyên gia nghiên cứu tại Học việc Quan hệ quốc tế Pháp (IFRI) nhận định rằng có nhiều yếu tố giải thích lập trường cứng rắn của Nga về Syria: Đây là một trong những nhà nước được coi là khách hàng cuối cùng của Moskva tại Trung Đông; Moskva bị ảnh hưởng uy tín vì chính sách của phương Tây đối với Libya; Nga cũng muốn tạo dựng hình ảnh là người bảo vệ các tín đồ Thiên Chúa giáo phương Đông; Nga lo ngại nguy cơ Hồi giáo cực đoan lan rộng sang vùng Kavkaz; Moskva muốn trả đũa những gì đã phải hứng chịu từ năm 1989.

Việc can thiệp quân sự vào Syria cũng giúp nước Nga của Tổng thống Vladimir Putin tìm lại được chỗ đứng của mình như là một trong những cường quốc có vị trí trung tâm trên vũ đài chính trị Trung Đông. Nga đã thiết lập được quan hệ với Ai Cập và được đánh giá là có vai trò ngang hàng với Mỹ trong nỗ lực tìm kiếm một giải pháp cho xung đột trong khu vực.

Ông Ajdar Kourtov, Trưởng Ban biên tập tạp chí "Những vấn đề chiến lược quốc gia" của Nga giải thích rằng: vì lợi ích quốc gia, Nga cần hành động tại Trung Đông để tránh phải đối phó với hiểm họa Hồi giáo cực đoan ở cửa ngõ biên giới. Ngoài ra, "các lãnh đạo Nga cũng khao khát giành lại được vị thế của Nga trên chính trường thế giới, tương xứng với vị thế mà Liên Xô đã có được trước đây".

Cùng với Nga, Nhà nước Hồi giáo Shia Iran trong năm 2015 cũng thành công trong việc duy trì ảnh hưởng tại Trung Đông, qua đó khẳng định được vai trò là cường quốc khu vực, cạnh tranh với Ả rập Xê út, đối thủ Hồi giáo Sunni.

Việc Nga và Iran quay trở lại Trung Đông trong thế mạnh đã làm thay đổi tương quan chính trị trong khu vực, nơi Mỹ vốn hiện diện trong suốt hai thập niên qua.

Tuy nhiên, theo giới phân tích, vấn đề là trong năm 2016, liệu Nga và Iran có thành công trong việc giữ được chiếc ghế Tổng thống Syria cho ông Bachar Al Assad hay lại bị sa lầy như một số cường quốc phương Tây khác tại Trung Đông - một khu vực rất phức tạp.

Quý Cao (theo RFI)