Tình hình Syria: Nga có được đồng thuận lớn ở Trung Đông
Hiệu quả từ các cuộc không kích của Nga với lực lượng Nhà nước Hồi giáo IS tự xưng sẽ từng bước lấy được lòng tin từ các nước Trung Đông trong việc đồng thuận cho một giải pháp Syria.
Hôm 25/12, Nga và các nước Arab như Qatar đã đồng ý hối thúc phe đối lập Syria ngồi vào bàn đàm phán với chính quyền Tổng thống Bashar Al-Assad.
Phát biểu trong cuộc họp báo sau hội đàm với người đồng cấp Qatar, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nhấn mạnh, điều cần thiết là phải đảm bảo số lượng đông đảo nhất có thể các thành viên phe đối lập tham gia vào các cuộc đối thoại trong tương lai để chấm dứt tình hình Syria hiện nay.
Ông Lavrov khẳng định, Nga và Qatar đã hiểu nhau hơn, rằng 2 nước cần phải hợp tác để đóng góp cho tiến trình thành lập một danh sách các phe đối lập Syria sẽ tham gia các cuộc đàm phán về hòa bình cho quốc gia Trung Đông này trong tương lai.
Tuy vậy, phía Qatar vẫn chưa đồng ý với Nga về số phận và tương lai ông Assad.
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov (phải) và người đồng cấp Qatar Khalid bin Mohammad Attiyah (trái).
"Tôi đã nói về điều này trước đây. Đất nước chúng ta xem xét Bashar Assad một tổng thống bất hợp pháp, đặc biệt là sau khi ông đã sử dụng vũ khí hóa học và vũ khí không thể chấp nhận khác chống lại người dân của mình," Ngoại trưởng Qatar, Khalid bin Mohammad Attiyah cho biết, "Chúng tôi tin rằng ông không thể dẫn Syria trong tương lai".
Nga đã dần lấy lòng được các nước Trung Đông bằng việc ký kết hàng loạt các thỏa thuận kinh tế cũng như quân sự. Hôm 23/12, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cùng người đồng cấp Armenia Seyran Ohanyan đã ký thỏa thuận thành lập hệ thống phòng không chung trong khu vực ở Caucasus, bên cạnh thỏa thuận hợp tác quốc phòng năm 2016.
Theo Tổng Tư lệnh Lực lượng Không gian vũ trụ Nga, Trung tướng Pavel Kurachenko, ước tính hệ thống phòng không khu vực nêu trên bao gồm 19 đơn vị hàng không, 47 đơn vị tên lửa phòng không, 19 đơn vị kỹ thuật vô tuyến điện và 3 tiểu đoàn tác chiến điện tử riêng biệt.
“Moscow đang muốn theo dõi sát sao biên giới phía Nam trong khi đẩy mạnh can dự vào cuộc chiến ở Syria. Sự hiện diện quân sự ở Armenia, quốc gia kề cận khu vực Trung Đông, rất thích hợp để Nga đạt được mục đích này”, Công ty tình báo toàn cầu Stratfor (Mỹ) nhận định.
Cùng ngày, các thỏa thuận hợp tác về kinh tế với Iran của Nga cũng bắt đầu thực hiện. Theo báo Vzglyad, Phó Thủ tướng thứ nhất Nga Igor Shuvalov cho biết Tổng thống Vladimir Putin đã ra lệnh thành lập nhóm nghiên cứu hình thành khu vực thương mại tự do giữa Cộng đồng Kinh tế Á - Âu với Iran. Ủy ban này cũng quyết định xem xét giảm thuế suất cho nông sản nhập từ Iran và sẽ bắt đầu áp dụng trong tháng 1/2016.
Ngoài Armenia, theo trang Sputnik, Nga còn đang hợp tác với Kyrgyzstan và Tajikistan để thành lập các hệ thống phòng không tương tự.
Nga đã đạt được nhiều thỏa thuận về kinh tế đối với nhóm "Tứ cường Trung Đông" bao gồm Saudi Arabia, Iran, Israel trừ Thổ Nhĩ Kỳ.
Những thỏa thuận đạt được với các quốc gia này ngày càng đẩy tới sự cô lập của Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời từng bước lấy lòng tin về sự lãnh đạo của Tổng thống Syria Assad trước nguy cơ bị lật đổ.
Trong khi đó, sức mạnh của vũ khí Nga mang tới cuộc chiến ở Trung Đông và những kết quả của quân đội nước này thu được khi tiêu diệt lực lượng Hồi giáo IS đã làm cho quân đội Mỹ mất hẳn ưu thế ở Trung Đông và thậm chí sốc về sức mạnh quân sự Nga.
Rossiiskaya Gazeta ngày 24/12 dẫn lời lãnh đạo Ủy ban đối ngoại Duma Quốc gia Nga (tức Hạ viện Nga), ông Aleksey Pushkov nhận định Mỹ và NATO đã “sốc” về sức mạnh quân sự của Không quân Nga trong chiến dịch chống khủng bố tại Syria.
"Tôi tin tưởng rằng sức mạnh và khả năng tác chiến của quân đội Nga khiến Mỹ sốc thực sự. Họ đã từng cho rằng chỉ có Mỹ và NATO mới có thể phát động các cuộc không kích quy mô lớn như vậy”, ông Pushkov nhận định.
Thậm chí, không cần nói về việc Mỹ có sốc hay không song rõ ràng những cuộc không kích không mang lại kết quả gì trong cả năm trời dội bom xuống Trung Đông không thể có được sự ủng hộ và đồng thuận của các quốc gia khu vực này như đối với Nga.
Trong một diễn biến có liên quan, theo Reuters, ngày 26/12, người phát ngôn quân đội Iraq, Chuẩn tướng Yahya Rasool cho biết quân đội nước này đã tiến sâu vào trung tâm quận Hoz, bị nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng chiếm giữ, ở thành phố Ramadi, thủ phủ tỉnh Anbar, miền Tây Iraq.
Ông Rasool cho hay, "các lực lượng chống khủng bố chỉ còn cách khu nhà chính quyền khoảng 800 mét," sau khi tiến được khoảng 1km trong ngày 25/12.
Một trạm radar ở quận Marj al-Sultan ở đông nam Damascus đã được tái chiếm bởi quân đội Chính phủ. (Ảnh: Sputnik)
Trong khi đó, Quân đội Chính phủ Syria đang thu được những thắng lợi lớn. Một số khu vực chiến lược ở tỉnh tây bắc Syria của Latakia đã được giải phóng, hãng tin Fars của Iran cho hay.
Đặc biệt, quân đội và Lực lượng Phòng vệ Quốc gia đã giải phóng Jabal al-Naom ở vùng nông thôn phía Bắc của tỉnh này. Các hoạt động chỉ kéo dài 12 giờ, với nhiều tay súng chạy trốn đến các thị trấn lân cận của Salmi và Rabia.
Hôm 25/12, quân đội Chính phủ cũng đã đánh tan một trong những tuyến đường tiếp tế cho khủng bố IS nằm giữa hai vùng ngoại ô bao quanh Damacus là Daraya và al-Moadamyeh. Đây được coi là tuyến đường tiếp tế quan trọng nhất đối với các chiến binh IS ở khu vực.
Những cuộc không kích của Quân đội Chính phủ Syria ở Latakia và một số tỉnh khác đều có được sự hỗ trợ của Quân đội Nga.
Hôm 25/12, vị thủ lĩnh nhóm đối lập phong trào Jaish al-Islam (Đội quân Hồi giáo) có tên là Zahran Allous được biết đã chết do "máy bay Nga", theo lời của phía Quân đội Chính phủ. Tuy thông tin này chưa được phía Nga lên tiếng xác minh.
Alloush được cho là một trong những thủ lĩnh nổi dậy quyền lực nhất ở Syria. Alloush thiệt mạng chỉ một tháng trước khi chính phủ Syria và các nhóm nổi dậy tham gia đàm phán hòa bình ở Geneva, Thụy Sĩ.
Theo Vũ Vũ (Tổng hợp)
Đất Việt