1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Trump, Clinton và tương lai quan hệ Việt - Mỹ

(Dân trí) - Quan hệ song phương Việt - Mỹ đã trải qua một chặng đường dài và gặt hái được nhiều thành công, đặc biệt sau chuyến thăm của tổng thống Mỹ Barack Obama tới Việt Nam hồi tháng 5. Việc ai trong hai ứng viên, ông Donald Trump và bà Hillary Clinton, trở thành Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ tới cũng sẽ ảnh hưởng tới quan hệ giữa Washington với Hà Nội cũng như khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Ông Donald Trump (trái) và bà Hillary Clinton (Ảnh: Politicususa)
Ông Donald Trump (trái) và bà Hillary Clinton (Ảnh: Politicususa)

Đó là nhận định của Roncevert Ganan Almond, cựu cố vấn của bà Hillary Clinton trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2008, hiện là thành viên của nhóm The Wicks Group chuyên nghiên cứu về luật quốc tế có trụ sở tại Washington D.C (Mỹ), trong một bài viết đăng trên tạp chí Diplomat ngày 11/6.

Tính đến thời điểm hiện tại, tỷ phú Donald Trump và cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton gần như chắc chắn sẽ trở thành đại diện của hai đảng Cộng hòa và Dân chủ ra tranh cử tổng thống vào tháng 11 năm nay. Do vậy, việc dự báo mối quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ sẽ thay đổi như thế nào dưới chính quyền của ông Donald Trump hay bà Hillary Clinton không chỉ mang ý nghĩa quan trọng đối với Hà Nội và Washington, mà còn đối với cả cộng đồng quốc tế, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang ngày càng khẳng định vai trò then chốt trong các vấn đề toàn cầu liên quan tới tranh chấp lãnh thổ và an ninh hàng hải trên Biển Đông.

Xây dựng quan hệ đối tác toàn diện Việt - Mỹ


Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch nước Trần Đại Quang bắt tay chuyến thăm tới Việt Nam hồi tháng 5 (Ảnh: AFP)

Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch nước Trần Đại Quang bắt tay chuyến thăm tới Việt Nam hồi tháng 5 (Ảnh: AFP)

Trước khi đưa ra dự báo về quan hệ giữa hai nước trong tương lai sau khi Tổng thống Obama rời nhiệm sở, tác giả Roncevert Ganan Almond nhìn nhận lại lịch sử hình thành mối quan hệ đối tác toàn diện Việt - Mỹ theo ba giai đoạn từ sau năm 1975.

Trong giai đoạn đầu tiên, Việt Nam và Mỹ nỗ lực xoa dịu căng thẳng và tìm cách xây dựng lòng tin. Sự kiện nổi bật đánh dấu quá trình này là tuyên bố dỡ bỏ lệnh cấm vận thương mại đối với Việt Nam năm 1994 của Tổng thống Bill Clinton và chuyến thăm lịch sử của ông tới Hà Nội vào năm 2000.

Trong giai đoạn thứ hai, gắn với nhiệm kỳ của cựu Tổng thống George W. Bush, hai nước bắt tay xây dựng nền tảng quan hệ đối tác. Quan hệ Việt - Mỹ được tăng cường trên nhiều lĩnh vực như kinh tế, quân sự, an ninh. Năm 2007, Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và được hưởng Quy chế quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn với Mỹ.

Giai đoạn thứ ba là thời kỳ phát triển quan hệ đối tác đầy đủ và sâu sắc hơn dưới nhiệm kỳ của Tổng thống Barack Obama, đặc biệt sau khi Tổng thống Obama chuyển hướng chính sách, xoay trục sang châu Á - Thái Bình Dương. Theo đó, Mỹ đã thúc đẩy vai trò của Việt Nam trong quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), một hiệp định thương mại với sự tham gia của 12 nước, chiếm tới 40% GDP của thế giới. Ngoài ra, Việt Nam cũng đóng vai trò quan trọng trong chiến lược “tái cân bằng” của Tổng thống Obama tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đặc biệt trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng có những động thái bành trướng và hung hăng khi theo đuổi những yêu sách phi lý trên Biển Đông.

“Tổng thống Hillary Clinton”: Kế thừa và tăng cường hợp tác

Ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Hillary Clinton (Ảnh: AP)
Ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Hillary Clinton (Ảnh: AP)

Nếu trở thành Tổng thống tiếp theo của nước Mỹ, bà Hillary Clinton nhiều khả năng sẽ kế thừa cách tiếp cận của Tổng thống Obama với Việt Nam và thậm chí có thể sẽ tăng cường hơn nữa mối quan hệ hợp tác giữa Washington và Hà Nội. Bà Clinton từng đảm trách cương vị người đứng đầu Bộ Ngoại giao Mỹ. Không chỉ có vậy, bà còn là một chính trị gia lão luyện với bề dày kinh nghiệm về chính sách đối ngoại của Mỹ, đặc biệt trong mối quan hệ với Việt Nam. Bà đã từng có chuyến thăm tới Việt Nam năm 2000 với tư cách là Đệ nhất Phu nhân của Tổng thống Bill Clinton.

Về kinh tế, bà Clinton nhiều khả năng sẽ tìm cách mở rộng các thỏa thuận thương mại của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Trong thời gian là Ngoại trưởng Mỹ, bà đã nhiều lần ủng hộ các cuộc đàm phán TPP. Trong bài phát biểu tại Singapore năm 2012, bà Clinton nhấn mạnh những tiềm năng của Hiệp định TPP như hạ thấp hàng rào thuế quan, nâng cao tiêu chuẩn và đẩy mạnh tăng trưởng lâu dài trong khu vực. Sau khi Hiệp định TPP được ký kết vào đầu năm 2016, bà có lên tiếng phản đối một số chi tiết trong TPP, tuy nhiên nhiều khả năng đây chỉ là hành động mang tính chiến thuật trong quá trình tranh cử của bà trong bối cảnh chính trị Mỹ hiện đang phản đối tự do thương mại.

Trong giai đoạn đảm đương chức vụ Ngoại trưởng, bà Hillary Clinton được coi là một thành viên nội các thuộc phe “diều hâu” khi bà vận động để Mỹ can thiệp quân sự vào Libya và tăng cường can dự tại Syria. Do vậy, bà Clinton được cho là có thể sẽ còn cứng rắn hơn Tổng thống Obama trong việc khẳng định các chính sách của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương.

Trong chiến dịch tranh cử tổng thống, bà Clinton cam kết sẽ buộc Trung Quốc “phải chịu trách nhiệm” về những hành động hung hăng trong khu vực, từ đó tái khẳng định vị thế cường quốc của Mỹ ở Thái Bình Dương. Trong bài phát biểu về các vấn đề an ninh quốc gia ngày 2/6/2016, bà Clinton cũng nhấn mạnh vai trò quan trọng của mạng lưới đồng minh Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương.

Ứng viên tổng thống đảng Dân chủ cũng là người hiểu rõ những tranh chấp ở Biển Đông. Trong Hội nghị Ngoại trưởng các nước ASEAN tổ chức tại Hà Nội hồi tháng 7/2010, cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã tuyên bố rằng tự do hàng hải là một “lợi ích quốc gia” của Mỹ và Mỹ phản đối việc sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực của bất kỳ bên tranh chấp nào tại Biển Đông, đồng thời yêu cầu các bên liên quan tôn trọng luật pháp quốc tế.

Như vậy, căn cứ theo quan điểm trong chiến dịch tranh cử và kinh nghiệm chính trị của cựu Ngoại trưởng Mỹ, nhiều khả năng một Tổng thống Hillary Clinton sẽ tiếp tục mở rộng quan hệ thương mại với Việt Nam, thúc đẩy đàm phán các tranh chấp trên Biển Đông tại các cơ chế đa phương như ASEAN, tăng cường năng lực hàng hải và quân sự cho các đối tác quan trọng như Việt Nam, thách thức Trung Quốc trong việc tuân thủ luật pháp quốc tế và mạnh mẽ duy trì quyền tự do hàng hải và hàng không tại Biển Đông.

“Tổng thống Donald Trump”: Điều chỉnh và bất ổn

Ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa Donald Trump (Ảnh: Erik Pendzich)
Ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa Donald Trump (Ảnh: Erik Pendzich)

Nếu ông Donald Trump được bầu làm Tổng thống Mỹ, nhiều điều bất ngờ có thể sẽ xảy ra. Ông được xem là một ứng viên khác thường trong chiến dịch tranh cử năm nay và đây cũng là lần đầu tiên ông tham gia vào cuộc đua này. Cuộc vận động tranh cử của ông Trump đã thách thức những nguyên tắc cơ bản trong cuộc bầu cử tổng thống ở Mỹ, cả về nghi thức và các đề xuất chính sách.

Về chính sách đối ngoại, tỷ phú Donald Trump đã tuyên bố theo đuổi chính sách “Người Mỹ là trước hết” (American first). Đường lối này đi ngược lại với những nguyên tắc của chính sách đối ngoại Mỹ. Với Việt Nam và khu vực châu Á - Thái Bình Dương, có ít nhất 4 điểm mà chính quyền của ông Trump sẽ điều chỉnh lại và tạo ra sự bất ổn.

Thứ nhất, về thương mại, ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa luôn phản đối các hiệp định tự do thương mại. Ông Trump kịch liệt phản đối TPP và cho rằng đây là “một thỏa thuận kinh khủng”, chủ yếu mang lại lợi ích cho Trung Quốc, chứ không phải cho Mỹ. Ông cũng nghi ngờ cả WTO và chỉ trích tư cách thành viên của Trung Quốc trong tổ chức này. Cách tiếp cận trên có thể sẽ được ông Trump áp dụng cho tất cả các nước châu Á mà Mỹ có trao đổi thương mại, trong đó có Việt Nam.

Thứ hai, ông Trump chỉ trích vai trò của hệ thống đồng minh Mỹ trên toàn thế giới, từ Khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương NATO tới Thái Bình Dương. Ông Trump cho rằng các đồng minh Mỹ cần gánh vác nhiều hơn. Thậm chí, ông còn đề xuất Mỹ nên hủy bỏ quan hệ đồng minh nếu chi phí quá tốn kém.

Thứ ba, tỷ phú New York tuyên bố sẽ không can thiệp vào các cuộc xung đột mà không đe dọa trực tiếp tới an ninh của Mỹ. Mặc dù ông Trump chưa đưa ra một quan điểm rõ ràng về vấn đề Biển Đông, nhưng với việc Washington không có tuyên bố chủ quyền ở đây thì rất có thể lập trường của ông Trump sẽ là để Việt Nam và Philippines tự tìm cách bảo vệ lợi ích của mình.

Thứ tư, ông Trump nghi ngờ vai trò của Mỹ trong việc bảo đảm trật tự thế giới va can thiệp vào các công việc chung toàn cầu như phát triển các định chế quốc tế, duy trì quyền tự do hàng hải, phát huy các giá trị dân chủ và đóng vai trò trung gian trong các xung đột quốc tế. Với chính sách “Người Mỹ là trước hết”, chưa rõ ông Trump có tiếp tục di sản này của Mỹ hay không, nhưng rất có thể sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới quan hệ quốc tế trong tương lai.

Tóm lại, ngày 8/11 tới đây, nước Mỹ sẽ bầu ra một tổng thống mới. Dù ông Donald Trump hay bà Hillary Clinton là người giành chiến thắng thì lựa chọn này chắc chắn sẽ có tác động tới Việt Nam và khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Thành Đạt

Theo Dilplomat