1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Quan hệ Việt-Mỹ và cục diện địa chính trị khu vực

Cục diện địa chính trị khu vực Đông Nam Á (ĐNA) và rộng hơn là khu vực Tây Thái Bình Dương (TBD) sẽ thay đổi khi quan hệ hợp tác Việt-Mỹ được nâng lên tầm cao mới.

Xây dựng và phát triển mối quan hệ song phương giữa hai quốc gia là một quá trình. Với Việt Nam và Mỹ, 2 nước từng đã đối đầu khốc liệt với nhau trong cuộc chiến tranh thì để có chuyến thăm của Tổng bí thư ĐCS Việt Nam đến Mỹ và của Tổng thống Mỹ đến Việt Nam không phải là dễ dàng.

Nếu như chuyến thăm của TBT Đảng CSVN đến Mỹ năm 2015 là bước đột phá ngoạn mục thì chuyến thăm của TT Mỹ đến Việt Nam sắp tới lại là công đoạn khánh thành công trình “quan hệ hợp tác Việt-Mỹ” đi vào sử dụng và phát huy hiệu quả cao nhất như mong muốn.

Tuy nhiên, đó là mới chỉ là mặt logic của các tiền đề, đó mới chỉ là thời cơ xuất hiện, còn nắm bắt thời cơ để hành động phù hợp hay để thời cơ trôi đi là phụ thuộc vào ý chí chủ quan của Việt Nam và Mỹ.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Mỹ năm 2015
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Mỹ năm 2015

Thời cơ phát triển quan hệ Việt-Mỹ đã xuất hiện

Có thể nói, cuộc chiến địa chính trị trên khu vực ĐNA giữa Mỹ và Trung Quốc đã vào giai đoạn quyết liệt với trọng tâm là ASEAN.

Cục diện địa chính trị khu vực ĐNA sẽ “không có cửa” để Mỹ nhảy vào khu vực, để thay đổi tư thế quân sự, để thực hiện chiến lược “xoay trục” sang Châu Á-Thái Bình dương…tranh giành với lợi thế của Trung Quốc đang trỗi dậy…nếu như Trung Quốc không tham lam: bành trướng.

Trung Quốc lấn chiếm Biển Đông là xâm hại đến chủ quyền Việt Nam buộc Việt Nam không thể ngồi nhìn. Việt Nam tăng cường tiềm lực quốc phòng, mở rộng quan hệ, tìm các đối tác để xây dựng những cơ chế an ninh phù hợp để phòng thủ bảo vệ tổ quốc.

Trung Quốc lấn chiếm Biển Đông là uy hiếp an ninh hàng hải quốc tế…thách thức vị thế nước Mỹ và lợi ích quốc gia Mỹ.

Như vậy, với Việt Nam, Mỹ là một cường quốc quân sự, kinh tế đứng đầu thế giới, là một cường quốc châu Á-TBD, Mỹ có đủ khả năng để giữ vững ổn định ở Biển Đông. Do đó, Việt Nam ủng hộ sự hiện diện của Mỹ trên Biển Đông trên cơ sở Mỹ tôn trọng luật pháp quốc tế và đương nhiên, Việt Nam sẽ “cùng với Mỹ” phấn đấu cho mục tiêu này.

Với Mỹ, Việt Nam có một vị trí chiến lược quan trọng trên khu vực ĐNA và Tây TBD; là quốc gia duy nhất chỉ dưới sự lãnh đạo của Đảng CSVN là có khả năng, có đủ bản lĩnh, trí tuệ (và truyền thống) để ngăn chặn quyết liệt âm mưu biến Biển Đông thành “ao nhà” của bất kỳ thế lực nào.

Khi điều kiện đã chín, khi lý do là xác đáng, thì đó chính là thời cơ để hành động: Mỹ và Việt Nam phải hợp tác với nhau.

Sự hợp tác Việt-Mỹ không chỉ đơn giản là trên Biển Đông mà phải là một sự hợp tác toàn diện, có chiều sâu và đặc biệt là có độ tin cậy cao mà như người ta nói là có lòng tin chiến lược. Chuyến thăm của TT Mỹ Obama đến Việt Nam chính là thời cơ, thời điểm cho Việt-Mỹ tạo ta mối quan hệ hợp tác theo tinh thần đó.

Cần hiểu và thống nhất cao để khẳng định một cách chắc chắn rằng, hợp tác Việt-Mỹ là nhu cầu chiến lược của đôi bên, không bên nào ỷ lại, thiếu trách nhiệm xây dựng để vuột mất thời cơ.

Mỹ thừa hiểu, Việt Nam là một quốc gia có năng lực quân sự mạnh và thiện chiến nhất khu vực, là có tiếng nói và vị thế nhất định trong khối ASEAN. Vì thế, quan hệ đối tác Mỹ-Việt Nam có một ý nghĩa và tính chất đặc biệt và rất khác với Nhật Bản, Philipines, nó sẽ tạo ra một cục diện địa chính trị khu vực rất khác.

Nếu như quan hệ hợp tác Việt-Mỹ theo tinh thần đó thì nói rằng, đây là một cú chấn động địa chính trị khu vực là không quá.

Được biết Trung Quốc “chăm chú theo dõi” chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Obama.

Trung Quốc uy hiếp Việt Nam đang sử dụng vũ khí Nga đầy uy lực trên Biển Đông đã không thể, thì nếu có thêm “vũ khí Mỹ” (hàm ý là Trung Quốc đụng chạm với lợi ích Mỹ chứ chưa phải Việt Nam sử dụng vũ khí Mỹ), chắc chắn lại càng khó khăn hơn cho Trung Quốc.

Nếu như cho rằng, với việc bồi lấp quân sự hóa mấy đảo giữa Biển Đông là Trung Quốc tạo ra một thế bố trí chiến lược khống chế hoàn toàn Biển Đông là đánh giá quá thấp việc bố trí lực lượng của Mỹ tại Philipines và đặc biệt vị trí vai trò của căn cứ Cam Ranh.

Hơn ai hết, Trung Quốc quá hiểu sự thật đằng sau thuật ngữ “tuần tra bảo vệ an ninh hàng hải” là cái gì. Hơn nữa sự tuần tra của Mỹ trên Biển Đông không phải vì Việt Nam.

Người Mỹ xoay trục sang Châu Á-Thái Bình dương lấy ASEAN làm trọng tâm và Việt Nam là trọng điểm. Người Nga cũng đang rất chú ý tới ASEAN khi đã có Việt Nam, trong khi Trung Quốc thiếu tôn trọng ASEAN, coi đề xuất của ASEAN về DOC và COC như trò đùa.

Tình thế và thế trận trên Biển Đông hiện nay đã khiến Trung Quốc không thể thực hiện ý đồ tham vọng của mình. Vì thế, đã đến lúc Trung Quốc phải thay đổi chính sách đối ngoại, nên “hiền lành” hơn trên Biển Đông.

Biện pháp tốt nhất hiện nay là đàm phán với ASEAN để thực thi DOC và COC trên cơ sở UNCLOS, tức “đóng băng” tình hình Biển Đông để giải quyết tranh chấp bằng đàm phán hòa bình, không dùng vũ lực.

Theo Lê Ngọc Thống

Đất Việt