1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Trở thành "phó tướng" của ông Biden, bà Harris làm nên lịch sử

Đức Hoàng

(Dân trí) - Việc bà Kamala Harris chính thức nhận đề cử ứng viên phó tổng thống liên danh với ông Joe Biden đã đặt một dấu mốc lịch sử cho vai trò của phụ nữ da màu và gốc Á tại Mỹ.

Trở thành phó tướng của ông Biden, bà Harris làm nên lịch sử - 1

Ứng cử viên phó tổng thống đảng Dân chủ Mỹ Kamala Harris. (Ảnh: Reuters)

Theo Guardian, thượng nghị sĩ Kamala Harris - con gái của một cặp vợ chồng người nhập cư - đã phá vỡ từng rào cản sắc tộc trong sự nghiệp chính trị của bà.

Tối ngày 19/8 giờ địa phương, tại đại hội toàn quốc của đảng Dân chủ tổ chức theo hình thức trực tuyến, bà Harris đã chính thức nhận đề cử ứng viên phó tổng thống của đảng Dân chủ liên danh tranh cử cùng ứng viên tổng thống Joe Biden. 

Với quyết định trên, bà Harris đã làm nên lịch sử khi trở thành người phụ nữ da màu đầu tiên và người Mỹ gốc Á đầu tiên chính thức trở thành ứng cử viên phó tổng thống của một chính đảng ở Mỹ. Bà cũng là người phụ nữ thứ 4 được đề cử trở thành ứng viên tổng thống hoặc phó tổng thống trong lịch sử Mỹ.

Trong bài phát biểu về dấu mốc lịch sử này, bà Harris, 55 tuổi, đã thúc giục các cử tri đi bỏ phiếu, cáo buộc Tổng thống đương nhiệm Donald Trump có sự lãnh đạo “gây chia rẽ” và “biến bi kịch thành vũ khí chính trị”.

Bà cho rằng nước Mỹ hiện đang trong trạng thái “đau buồn” dưới sự lãnh đạo của ông Trump. “Đau buồn vì những người qua đời, những người mất việc, những cơ hội bị mất đi, sự bình thường bị biến mất. Và mất đi cả sự chắc chắn”, bà Harris nói.

Trở thành phó tướng của ông Biden, bà Harris làm nên lịch sử - 2

Bà Harris đã chấp nhận đề cử của đảng Dân chủ, chính thức trở thành ứng cử viên "phó tướng" của ông Joe Biden. (Ảnh: Reuters)

Bà Harris sinh năm 1964. Bà là con gái của nhà nghiên cứu ung thư người Mỹ gốc Ấn Độ Shyamala Gopalan và nhà kinh tế học Mỹ gốc Jamaica Donald Harris. 

Bà coi gia đình là nền tảng cho cuộc đời và sự nghiệp của bản thân. Bà Harris cho biết một trong những ký ức sớm nhất của bà khi còn nhỏ là tham gia các cuộc biểu tình về dân quyền.

“Mẹ dạy tôi rằng phục vụ công chúng mang lại mục đích và ý nghĩa cho cuộc sống. Và tôi ước gì mẹ ở đây lúc này, nhưng tôi biết mẹ sẽ luôn dõi theo tôi. Tôi luôn nghĩ về cảnh tượng khi một phụ nữ Ấn Độ 25 tuổi - chỉ cao 1,52 mét - đã sinh ra tôi ở bệnh viện Kaiser ở Oakland, California. Vào ngày đó, có thể mẹ sẽ không bao giờ tưởng tượng được tôi sẽ đứng trước quý vị và nói rằng ‘tôi chấp nhận đề cử thành ứng viên phó tổng thống Mỹ’”, bà phát biểu.

Trở thành phó tướng của ông Biden, bà Harris làm nên lịch sử - 3

Bà Harris (bên phải) chụp ảnh cùng mẹ (giữa) trong lễ tốt nghiệp năm 1989. Bà cho biết gia đình là nền tảng cho cuộc đời và sự nghiệp chính trị của bà. (Ảnh: Mercury News)

Sau khi tốt nghiệp Đại học Howard ở Washington DC, bà Harris theo đuổi sự nghiệp trong lĩnh vực tư pháp hình sự. Năm 2003, bà trở thành luật sư quận San Francisco, trước khi thành tổng chưởng lý California. Sau đó, bà là người phụ nữ da màu thứ 2 trong lịch sử trở thành thượng nghị sĩ Mỹ.

Trước khi được đề cử vào vị trí ứng viên phó tổng thống, bà Harris đã từng là đối thủ trực tiếp với ông Biden trong cuộc đua giành tấm vé ứng viên tổng thống của đảng Dân chủ cho cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2020 trước khi bà tuyên bố rời cuộc đua.

Trở thành phó tướng của ông Biden, bà Harris làm nên lịch sử - 4

Việc bà Harris trở thành ứng viên đảng Dân chủ được xem sẽ thu hút phiếu bầu với nhóm cử tri người Mỹ gốc Phi. (Ảnh: Reuters)