1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Triều Tiên thử bom nhiệt hạch: Khi Bình Nhưỡng "vỗ mặt" Bắc Kinh

(Dân trí) - Triều Tiên thực hiện 4 vụ thử hạt nhân kể từ năm 2006. Điều này khiến các nhà ngoại giao của Liên hợp quốc đặt ra câu hỏi: Trung Quốc sẽ chịu đựng bao lâu nữa trước khi tìm cách kiềm chế người hàng xóm sắp sở hữu vũ khí hạt nhân?.


Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (Ảnh minh họa: AFP)

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (Ảnh minh họa: AFP)

Câu trả lời, ít nhất là ở thời điểm này, đó là Bắc Kinh chưa thể tiến xa trong vấn đề hạt nhân của Triều Tiên như những gì mà Liên hợp quốc và các nước phương Tây mong muốn. Sau cuộc họp kín của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ), Đại sứ Mỹ tại LHQ, bà Samantha Power cho biết Washington muốn có "những lệnh trừng phạt mới, nghiêm khắc, toàn diện và đủ sức răn đe" để trừng phạt lần thử hạt nhân thứ 2 của Triều Tiên dưới thời nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-un.

Có thể nói vụ thử bom nhiệt hạch hôm 6/1 của Bình Nhưỡng đã tạo ra một làn sóng chỉ trích của quốc tế. Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon đã lên án vụ thử nghiệm này đồng thời cảnh báo những hành động khiêu khích như vậy đe doạ tới tình hình an ninh khu vực, cũng như các nỗ lực ngăn chặn phổ biến vũ khí hạt nhân trên toàn cầu.

Nếu bỏ qua một bên những tuyên bố "cứng rắn", rõ ràng bất cứ nỗ lực thúc đẩy các lệnh trừng phạt mới nhằm vào Triều Tiên cũng sẽ cần sự thông qua của Trung Quốc, quốc gia thành viên thường trực của HĐBA và có quyền phủ quyết. Hiện chưa rõ liệu Trung Quốc có "làm tới" sau lần thử bom nhiệt hạch của Triều Tiên hay không.

Ngay sau khi Bình Nhưỡng xác nhận về vụ thử, các nhà ngoại giao tin rằng Trung Quốc sẽ nhất trí về một số lệnh trừng phạt nhằm vào Bình Nhưỡng.

Trong phiên họp hôm qua 6/1, Trung Quốc cùng với các thành viên còn lại của HĐBA LHQ đã ra một thông báo "lên án mạnh mẽ" vụ thử của Triều Tiên và nhất trí tiến hành một cuộc thảo luận ngay lập tức về nghị quyết mới nhằm vào quốc gia Đông Bắc Á, bao gồm cả các biện pháp trừng phạt mạnh tay. Tuy nhiên, theo một nhà ngoại giao tham dự cuộc họp, Phó Đại sứ Trung Quốc ở LHQ, ông Wang Min đã ám chỉ rằng Trung Quốc sẽ chỉ đồng ý với các biện pháp đáp trả Triều Tiên ở "mức thích hợp".

"Trung Quốc cho biết họ sẵn sàng cân nhắc các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Triều Tiên. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra lúc này là những biện pháp đó sẽ mạnh như thế nào. Đến nay, chúng tôi vẫn chưa thảo luận tới các nội dung đó", một nhà ngoại giao giấu tên cho hay.

Vụ thử bom nhiệt hạch của Triều Tiên diễn ra trong thời điểm quan hệ Trung Quốc - Triều Tiên cũng có những căng thẳng. Ngay khi mới lên nhậm chức, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã "bỏ qua" Triều Tiên khi chọn điểm dừng chân đầu tiên trên bán đảo Triều Tiên là Hàn Quốc. Vài tháng sau đó, Trung Quốc cùng với Mỹ và một số cường quốc khác đã đồng ý gia tăng các lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên vì vụ thử hạt nhân hồi năm 2013.

Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn có những biện pháp ngoại giao nhằm xoa dịu mối quan hệ song phương với Triều Tiên. Hồi tháng 12 vừa qua, Bắc Kinh đã ngăn cản Mỹ và các nước khác thông qua nghị quyết lên án Triều Tiên về vấn đề nhân quyền. Hai tháng trước đó, Trung Quốc cũng cử một thành viên cấp cao trong Bộ Chính trị tới tham dự lễ diễu binh kỷ niệm 70 năm thành lập Đảng Lao động Triều Tiên. Tại Bình Nhưỡng, ông Lưu Vân Sơn, Uỷ viên thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc, đã trao thư tay của ông Tập Cận Bình cho nhà lãnh đạo Kim Jong-un.

Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng động thái trên có thể đã “phản” lại Trung Quốc. “Cơn ác mộng lớn nhất của Trung Quốc đó là họ có thể mời ông Kim Jong-un tới Bắc Kinh, ông ấy nhận lời và sau đó về nước và tiến hành một vụ thử nghiệm hạt nhân. Khi đó, Trung Quốc rất bẽ mặt và mọi việc diễn ra như thể Bắc Kinh đồng ý để Bình Nhưỡng tiến hành", Joel Wit, chuyên gia phân tích tại Viện Mỹ - Hàn thuộc Đại học Johns Hopkins, nhận định.

Chuyên gia Wit cũng cho rằng khó có khả năng giới lãnh đạo Trung Quốc sẽ "thay đổi ngay cách tiếp cận" Triều Tiên sau vụ thử bom nhiệt hạch, nhưng ông khẳng định "Bắc Kinh sẽ rất không hài lòng". Và đây có thể là cơ hội để Mỹ gây sức ép buộc Trung Quốc đồng ý áp đặt các lệnh trừng phạt mạnh tay với Triều Tiên.

"Rõ ràng, tôi nghĩ đây là lúc Mỹ cần gia tăng sức ép với Trung Quốc. Chúng ta cần nói với họ rằng đây là vụ thử không thể chấp nhận được và Trung Quốc cần phải hợp tác để áp đặt thêm các lệnh trừng phạt nhằm vào Triều Tiên hoặc Mỹ sẽ có các biện pháp mới để bảo vệ lợi ích trong khu vực và đồng minh", ông Wit khẳng định.

Trong quá khứ, Trung Quốc đã chấp nhận cùng với Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc áp đặt các lệnh trừng phạt có giới hạn nhằm vào Triều Tiên để ngăn cản chương trình phát triển tên lửa đạn đạo và hạt nhân của nước này. Tuy nhiên, Bắc Kinh cũng thường phản đối các kế hoạch của Washington và đồng minh nhằm áp đặt thêm các lệnh trừng phạt kinh tế và ngoại giao đối với Bình Nhưỡng.

Theo ông Jonathan Pollack, chuyên gia về châu Á tại Viện Brookings, Trung Quốc đang ngày càng lo ngại về "cái giá phải trả" sau những vụ thử hạt nhân của Triều Tiên, đặc biệt là trong thời điểm quan hệ thương mại giữa nước này với Hàn Quốc và Nhật Bản đang đóng vai trò quan trọng. Ông cho rằng: "Trung Quốc nhận thức rõ việc Triều Tiên tiếp tục có các hành động khiêu khích sẽ đe doạ tới lợi ích sống còn của nước này trong thời gian tới".

Ngọc Anh

Theo Foreign Policy