1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Triều Tiên muốn gì với tuyên bố thử bom nhiệt hạch?

(Dân trí) - Kể từ khi lên nắm quyền, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un được cho là đã tăng cường củng cố năng lực hạt nhân của quốc gia này. Với vụ thử hạt nhân lần 4, một số chuyên gia cho rằng, Bình Nhưỡng có thể đang tìm cách để đạt được một thỏa thuận với phương Tây tương tự như Iran.

Triều Tiên thông báo thử nghiệm thành công bom nhiệt hạch đầu tiên trên truyền hình quốc gia. (Ảnh: AP)
Triều Tiên thông báo thử nghiệm thành công bom nhiệt hạch đầu tiên trên truyền hình quốc gia. (Ảnh: AP)

Triều Tiên đưa phát thanh viên 73 tuổi trở lại loan tin thử bom

Sáng qua 6/1, cả thế giới như "giật mình tỉnh giấc" bởi thông điệp từ Triều Tiên. Vẫn là những lời đe dọa nhưng lần này thực sự đáng ngại hơn. Triều Tiên bất ngờ tuyên bố đã thử nghiệm thành công bom nhiệt hạch đầu tiên với mục đích chính đáng là tự vệ trước Mỹ.

Triều Tiên từng nhiều lần cảnh báo phương Tây và các nước láng giềng, nhưng với tuyên bố thử thành công bom nhiệt hạch lần này, chính quyền của nhà lãnh đạo Kim Jong-un thực sự muốn gì và tại sao?

Ông Kim Jong-un được cho là đã không ngừng củng cố năng lực hạt nhân của nước này kể từ khi lên kế nhiệm cha để lãnh đạo Triều Tiên từ tháng 12/2011.

Sue Mi Terry, chuyên gia phân tích của CIA về vấn đề Triều Tiên cho biết, bà không ngạc nhiên về các tuyên bố thử nghiệm vũ khí hạt nhân của Triều Tiên, nhưng bà thực sự ngạc nhiên khi Bình Nhưỡng tuyên bố thử nghiệm thành công bom nhiệt hạch. “Triều Tiên luôn muốn trở thành một quốc gia hạt nhân như Pakistan. Nếu tuyên bố thử bom nhiệt hạch là đúng, thì cộng đồng tình báo đã sai lầm về Triều Tiên. Triều Tiên là một trong những quốc gia khó đoán định nhất. Có nhiều điều (về Triều Tiên) mà chúng ta không biết. Chúng ta không thể khẳng định điều này không thể xảy ra”, bà Terry nói.

Một thỏa thuận hạt nhân tương tự của Iran

(Ảnh: Getty)
(Ảnh: Getty)

Theo bà Terry, khả năng thỏa thuận hạt nhân Iran có tác động đến chính quyền của ông Kim Jong-un.

Nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc, Mỹ và Đức) và Iran năm 2015 đã đạt được thỏa thuận hạt nhân theo đó Iran sẽ chấp nhận một số điều khoản như giảm lượng uranium làm giàu, cho thanh sát viên quốc tế tiếp cận các cơ sở hạt nhân… Đổi lại, quốc tế sẽ từng bước dỡ bỏ trừng phạt đối với quốc gia Hồi giáo này. Đây là thỏa thuận được cho là sẽ mang lại cho Iran những thành quả đáng kể về lĩnh vực tài chính.

Bà Terry cho rằng, thỏa thuận hạt nhân Iran do đó khiến chính quyền của ông Kim Jong-un tin rằng Triều Tiên cũng có thể đàm phán một thỏa thuận tương tự.

Không đàm phán với vị thế của kẻ yếu

Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân Triều Tiên Kim Gye Gwan. (Ảnh: Getty)
Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân Triều Tiên Kim Gye Gwan. (Ảnh: Getty)

Phương Tây từ lâu đã tìm cách để ngăn chặn chương trình hạt nhân của Triều Tiên. Gần đây nhất, hồi tháng 2 /2015, tại cuộc họp 3 bên giữa quan chức Mỹ, Trung Quốc và Triều Tiên tại Bắc Kinh, Washington và Bắc Kinh đã hối thúc Bình Nhưỡng ngừng hoạt động tại một cơ sở làm giàu uranium.

Triều Tiên đã mời các thanh sát viên của Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) tới giám sát hoạt động của họ và tuyên bố sẽ ngừng các vụ thử hạt nhân và tên lửa tầm xa. Những cam kết đổ vỡ chỉ vài tháng sau đó, Triều Tiên liên tục thử nghiệm tên lửa cảnh báo phương Tây và các nước láng giềng như Hàn Quốc.

Mike Chinoy, một chuyên gia về Triều Tiên, tác giả cuốn "Meltdown: The Inside Story of the North Korean Nuclear Crisis" (Sự sụp đổ: Câu chuyện bí mật của khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên), cho rằng, tăng cường khả năng tấn công hạt nhân là một trong chủ trương lớn của Triều Tiên dưới thời ông Kim Jong-un.

Ông Chinoy cũng cho rằng, ông Kim Jong-un không muốn đàm phán ở vị thế của kẻ yếu, đặc biệt là trong bối cảnh Mỹ tuyên bố nền tảng duy nhất cho các cuộc đàm phán đó là Triều Tiên phải ngừng toàn bộ chương trình vũ khí hạt nhân.

Tạo dựng hình ảnh một lãnh đạo quyền lực

(Ảnh: AFP)
(Ảnh: AFP)

Trong khi đó, một số chuyên gia cho rằng, với tuyên bố thử bom nhiệt hạch, ông Kim ít quan tâm tới dư luận quốc tế hơn là việc tạo hình ảnh của một nhà lãnh đạo quyền lực ở trong nước.

Trả  lời phỏng vấn CNN hôm qua, bà Balbina Hwang, cựu cố vấn Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng, nhà lãnh đạo Triều Tiên chủ yếu bị chi phối bởi các lý do trong nước. Kể từ khi lập quốc năm 1948, chính quyền Triều Tiên luôn cảm thấy bất an, bà Hwang nhận định.

Chuyên gia Terry cũng cho rằng, động thái tuyên bố thử nghiệm thành công bom nhiệt hạch của nhà lãnh đạo Kim Jong-un cũng là để tuyên bố rằng ông sẽ vẫn đứng vững bất chấp điều gì xảy ra.

"Đón năm mới bằng tiếng nổ"

Bức thư của ông Kim Jong-un. (Ảnh: ABC News)
Bức thư của ông Kim Jong-un. (Ảnh: ABC News)

Một hình ảnh trên truyền hình Triều Tiên sau đó được tiết lộ bởi hãng tin Yonhap của Hàn Quốc hôm 6/1cho thấy bức thư của ông Kim Jong-un đề cập đến vụ thử hạt nhân.

Bức thư viết: “Hãy bắt đầu năm 2016 - một năm thắng lợi, vẻ vang khi Đại hội đảng Lao động lần thứ 7 sắp diễn ra bằng một âm thanh vang dội của một vụ nổ bom nhiệt hạch đầu tiên, để thế giới phải ngước nhìn đất nước và đảng Lao động”, bức thư ký tên ông Kim Jong-un đề ngày 15/12/2015.

Dù là lý do nào, tuyên bố thử hạt nhân của Triều Tiên ngày 6/1 đã gây quan ngại lớn trong cộng đồng quốc tế. Liên Hợp Quốc tại phiên họp khẩn diễn ra hôm qua tuyên bố nhất trí tăng cường trừng phạt Triều Tiên và yêu cầu Bình Nhưỡng ngừng ngay các hoạt động gây ảnh hưởng tới an ninh và hòa bình thế giới.

Trung Quốc, một đồng minh lớn của Triều Tiên, cũng lên tiếng phản đối mạnh mẽ và dự kiến sẽ triệu tập đại sứ Triều Tiên để phản ánh vấn đề này. Hàn Quốc cũng tuyên bố Triều Tiên sẽ phải trả giá cho vụ thử hạt nhân của mình trong khi quân đội Hàn Quốc cũng được tăng cường cảnh giác tại các khu vực giáp biên giới Triều Tiên.

Minh Phương

Tổng hợp