1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Những câu hỏi xoay quanh vụ thử bom nhiệt hạch của Triều Tiên

(Dân trí) - Việc Triều Tiên thông báo tiến hành thành công vụ thử nghiệm bom nhiệt hạch đã khiến cả thế giới bất ngờ và gây ra một loạt những câu hỏi xung quanh động thái mới này.

Mặt đất rung lên khi Triều Tiên thử hạt nhân (Video: CCTV)

 


Truyền hình Hàn Quốc đưa tin về vụ thử nghiệm gây sốc của Triều Tiên (Ảnh: AFP)

Truyền hình Hàn Quốc đưa tin về vụ thử nghiệm gây sốc của Triều Tiên (Ảnh: AFP)

Bom nhiệt hạch và bom hạt nhân khác nhau thế nào?

Bom nhiệt hạch (còn gọi là bom H) mạnh hơn rất nhiều - mạnh hơn bất kỳ thứ gì Triều Tiên từng thử nghiệm trước đó.

Các vụ thử nghiệm mà Triều Tiên tiến hành trước đó sử dụng vũ khí hạt nhân. Bom hạt nhân là sự phân rã các nguyên tử lớn như uranium hay plutonium để tạo thành các nguyên tử nhỏ hơn. Vũ khí này có thể gây thiệt hại rất lớn. Hãy nhớ lại các quả bom hạt nhân mà Mỹ thả xuống 2 thành phố Hiroshima và Nagasaki vào năm 1945.

Còn bom nhiệt hạch là sự tổng hợp các nguyên tử thấp hơn, như Hydro, thành nguyên tử cao hơn. Kết quả là một quả bom nhiệt hạch mạnh hơn cả trăm lần so với bom nguyên tử.

Để kết hợp các nguyên tử thấp hơn và khởi động phản ứng tổng hợp, một quả bom nhiệt hạch cần một lượng năng lượng lớn. Và năng lượng đó sản sinh từ một quả bom nguyên tử bên trong một quả bom nhiệt hạch. Vì vậy, một quả bom H tạo ra 2 vụ nổ riêng rẽ.

Vì sao Triều Tiên muốn thử bom nhiệt hạch?

Tăng cường khả năng hạt nhân là một trong những điểm nổi bật dưới thời lãnh đạo của ông Kim Jong-un. Triều Tiên muốn một lần nữa gửi đi thông điệp rằng nước này là một cường quốc và họ muốn thế giới không được coi thường họ.

Điều mà Bình Nhưỡng muốn là được công nhận, tính hợp pháp và một thỏa thuận hòa bình với Mỹ. Triều Tiên muốn những điều đó theo cách của riêng mình, và họ đã nói với Mỹ rằng: Chúng tôi có sẵn sàng đàm phán với các ông nhưng chúng tôi sẽ không làm điều đó với các điều kiện tiên quyết.

Đáp lại, Mỹ tuyên bố cơ sở duy nhất để đàm phán là thảo luận cách thức từ bỏ khả năng hạt nhân của Triều Tiên.


Dư chấn được ghi nhận sau vụ thử hạt nhân của Triều Tiên ngày 6/1 (Ảnh: AP)

Dư chấn được ghi nhận sau vụ thử hạt nhân của Triều Tiên ngày 6/1 (Ảnh: AP)

Tại sao lại thử lúc này?

Trong một lá thư được đăng tải trên truyền thông Triều Tiên mới đây, nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-un viết rằng ông muốn bắt đầu năm 2016 với một tiếng vang.

“Vì một năm 2016 thắng lợi và vinh quang khi đại hội lần thứ 7 của đảng Lao động Triều Tiên được tổ chức, hãy khiến thế giới phải chú ý tới quốc gia hạt nhân hùng mạnh của chúng ta và đảng Lao động bằng cách mở màn năm với âm thanh vang dội của quả bom nhiệt hạch đầu tiên”, lá thư viết.

Triều Tiên có thực sự sở hữu bom nhiệt hạch?

Một số nhà phân tích nói rằng câu trả lời có thể là không.

Hồi tháng 12 năm ngoái, ông Kim Jong-un khẳng định rằng đất nước ông đã trở thành “một cường quốc vũ khí hạt nhân, sẵn sàng kích hoạt một quả bom nhiệt hạch”.

Nhưng Bruce Bennett, một nhà phân tích quốc phòng cấp cao tại Rand Corp, đã hoài nghi về điều đó. “Có thể những tuyên bố của ông Kim không phải là sự thật. Điều này không có gì bất ngờ với những người đã quen với giọng điệu đe dọa của Bình Nhưỡng”.

Trong khi đó, Mỹ nói phải mất vài ngày để xác nhận liệu Triều Tiên có thực sự thực hiện thành công một vụ thử bom nhiệt hạch hay không.


Ảnh vệ tinh cho thấy các hoạt động đáng ngờ tại bãi thử Punggye-ri hồi tháng trước (Ảnh: 38 North)

Ảnh vệ tinh cho thấy các hoạt động đáng ngờ tại bãi thử Punggye-ri hồi tháng trước (Ảnh: 38 North)

Nếu không phải bom nhiệt hạch thì là bom gì?

Nếu không phải bom H thì Triều Tiên có thể sở hữu bom “đẩy” - loại bom sử dụng một lượng nhỏ sự tổng hợp để thúc đẩy quá trình phân hạch, nhưng không phải bom H. Dù là một vũ khí đẩy cũng gây ra sức hủy diệt cực lớn.

Nếu Bình Nhưỡng thực sự có một vũ khí hạt nhân đẩy loại 50 kiloton, nó có thể gây thiệt hại lớn cho một thành phố đông dân như Seoul (Hàn Quốc): khoảng 250.000 người có thể thiệt mạng chỉ trong một cuộc tấn công.

Và nếu Triều Tiên có thể sản xuất một quả bom H thực sự, loại 1 megaton, nó có thể gây hủy diệt lớn hơn nhiều. 1 megaton tương đương 1 triệu tấn thuốc nổ TNT.


Triều Tiên đã thực hiện 4 vụ hạt nhân kể từ năm 2006 (Đồ họa: BBC)

Triều Tiên đã thực hiện 4 vụ hạt nhân kể từ năm 2006 (Đồ họa: BBC)

Các láng giềng của Triều Tiên bị đe dọa như thế nào?

Các nhà phân tích nói rằng Triều Tiên có thể trang bị đầu đạn hạt nhân cho các tên lửa có khả năng vươn tới Hàn Quốc và Nhật Bản.

David Albright, một cựu thanh sát viên vũ khí của Liên hợp quốc, hồi năm ngoái nói rằng Bình Nhưỡng có thể có từ 10-15 vũ khí hạt nhân và con số đó có thể gia tăng vài vũ khí mỗi năm.

Ông Albright cho rằng Bình Nhưỡng có thể trang bị đầu đạn hạt nhân cho tên lửa tầm ngắn, nhưng chưa đạt tới trình độ trang bị cho tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM).

Điều gì có thể xảy ra tiếp theo?

Một vụ thử nghiệm bom H đặt ra một tình hình nghiêm trọng cho các lãnh đạo thế giới.

Vụ thử nghiệm cho thấy các lệnh trừng phạt, vốn được áp dụng đối với Triều Tiên nhiều năm qua, không có ảnh hưởng gì đối với nước này, dù có làm tổn thương Triều Tiên về mặt kinh tế ở một mức độ nào đó. Vì vậy, việc gia tăng các lệnh trừng phạt nhiều khả năng không mang lại kết quả như mong muốn.

Việc khơi mào một cuộc chiến là đặc biệt nguy hiểm. Vì vậy chỉ còn khả năng đàm phán với Triều Tiên, viễn cảnh mà mà Bình Nhưỡng rõ ràng hài lòng.  Và vụ thử nghiệm có thể khiến Triều Tiên có cảm giác được yên tâm hơn khi tham gia đàm phán trên trường quốc tế.

An Bình