Triều Tiên - Bài toán đau đầu nhất của Mỹ trong năm 2018
Vì các nước có lợi ích liên quan không cùng mục tiêu nên Bán đảo Triều Tiên năm 2018 vẫn sẽ đối mặt nguy cơ bùng phát chiến tranh.
Triều Tiên hôm qua (30/12) thông báo sẽ không thay đổi chính sách hạt nhân trong năm 2018. Năm 2017 đã chứng kiến những bước tiến vượt bậc về khả năng tên lửa và hạt nhân của Bình Nhưỡng. Và với tuyên bố sẽ tiếp tục đẩy mạnh chương trình hạt nhân của mình trong năm 2018 cho thấy, đây sẽ là bài toán đau đầu nhất trong chính sách ngoại giao của Mỹ năm 2018.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un bắt đầu năm 2017 với bài phát biểu rằng, quân đội nước này đang bước vào giai đoạn cuối cùng chuẩn bị cho một vụ thử tên lửa đạn đạo liên lục địa. Tổng thống Donald Trump phản ứng lại với dòng trạng thái trên Twitter: “ Điều đó sẽ không xảy ra”.
Nhìn lại 1 năm qua, rõ ràng ông Kim Jong-un là người đã thực hiện các cam kết của mình, với tuyên bố vụ phóng thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa là một “món quà” dành cho Mỹ nhân ngày Quốc khánh hôm 4/7. Cuộc khủng hoảng tiếp tục leo thang với tuyên bố nhấn chìm Triều Tiên trong biển lửa giận dữ của Tổng thống Trump và Triều Tiên đáp trả bằng cảnh báo đặt đảo Guam của Mỹ trong tầm ngắm tên lửa .
Hôm 29/8, Triều Tiên đã thử hạt nhân mà giới chuyên gia nhận định vụ thử này mạnh hơn 10 lần so với vụ thử cách đây 1 năm. Các chuyên gia nhận định, Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un giống như những đô vật chuyên nghiệp đang đuổi nhau lòng vòng nhưng sẽ khó đưa ra cú đánh quyết định.
Tuy nhiên, với tính cách của hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên, trong một điều kiện nào đó, mọi thứ có thể diễn biến theo chiều hướng sai lầm nhanh chóng.
Chuyên gia phân tích tại Trung tâm nghiên cứu các vấn đề chiến lược quốc tế tại Mỹ Rebecca Hersman nhận định: “Chúng ta cần phải sẵn sàng cho mọi thứ có thể xảy ra trong năm 2018 và công nhận rằng đây là thời điểm nguy hiểm. Điều quan trọng là khi tình hình nóng lên, các bên cần kiềm chế tránh đưa ra những tính toán sai lầm”.
Trong một tuyên bố khẳng định quyết tâm theo đuổi chương trình hạt nhân của mình hôm qua (30/12), Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA khẳng định, không nên mong đợi Triều Tiên thay đổi chính sách và không có thế lực nào có thể hủy hoại năng lực hạt nhân của Triều Tiên.
Theo nhận định của các nhà phân tích Hàn Quốc, trong bối cảnh căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, Triều Tiên sẽ tiếp tục tăng cường năng lực hạt nhân và tên lửa đạn đạo tầm xa của nước này trong năm 2018 để làm đòn bẩy buộc Mỹ phải nhượng bộ, trong đó có việc nới lỏng các biện pháp trừng phạt.
Trong năm 2018, Triều Tiên có thể phóng một tên lửa ICBM đầy đủ và thậm chí mang cả một đầu đạn hạt nhân để chứng tỏ sự làm chủ về công nghệ đưa đầu đạn hạt nhân trở lại bầu khí quyển. Nhiều nhà phân tích hạt nhân còn cho rằng, "Vụ thử hạt nhân lần thứ 7 của Triều Tiên có thể không diễn ra dưới lòng đất mà là ở khu vực Thái Bình Dương".
Để giải quyết bài toán đau đầu này, Mỹ có 3 lựa chọn đó là cố gắng làm suy yếu Triều Tiên thông qua các biện pháp trừng phạt và cô lập nước này khỏi cộng đồng quốc tế, giải pháp quân sự hay đối thoại với Bình Nhưỡng.
Chính quyền Mỹ đang cố gắng thực hiện cả 3 cách tiếp cận này khiến nhiều khi chính nội bộ nước Mỹ lại đưa ra các thông điệp trái chiều nhau trong cách tiếp cận về Triều Tiên.
Tuy nhiên các chuyên gia phân tích quốc tế cũng cho rằng, một trong những lí do khiến cuộc khủng hoảng kéo dài đó là Mỹ luôn quan tâm đến khả năng hạt nhân của Triều Tiên thay vì xác định những lí do cơ bản tại sao Triều Tiên phải cần phát triển vũ khí: Đó là một quan hệ thù địch giữa Triều Tiên với Hàn Quốc và Mỹ.
Và như vậy, theo lí thuyết để vượt qua khủng hoảng cần phải chấm dứt sự thù địch này. Quá trình phi hạt nhân hoá dần dần có thể là một sự đo lường thành ý của các bên, nhưng không phải là điều kiện tiên quyết.
Sự hợp tác quốc tế lúc này là vô cùng quan trọng nhưng theo giáo sư John Delury của trường đại học Yonsei ở Hàn Quốc, tất cả 6 quốc gia có lợi ích nhất liên quan đến Triều Tiên đều không có cùng mục tiêu và có nhiều lí do để không thỏa hiệp. Vì vậy, Bán đảo Triều Tiên năm 2018 sẽ vẫn đối mặt nguy cơ bùng phát chiến tranh.
Mặc dù vậy, vẫn có sự lạc quan về triển vọng ngoại giao trên bán đảo Triều Tiên trong năm 2018. Các chuyên gia Hàn Quốc cho rằng, đối mặt với sự trừng phạt và cô lập quốc tế mạnh mẽ buộc Triều Tiên phải tìm kiếm cơ hội đàm phán với Mỹ trong năm 2018 song song với việc làm ấm lại quan hệ liên Triều, trong khi tiếp tục theo đuổi nỗ lực nhằm được công nhận là một nước thực sự sở hữu hạt nhân.
Theo Phạm Hà
VOV