1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Tránh "đổ máu", Taliban muốn đạt thỏa thuận với lực lượng kháng chiến

Thành Đạt

(Dân trí) - Đại sứ Nga cho biết Taliban muốn nhờ các nhà ngoại giao Nga chuyển lời đến lực lượng kháng chiến Afghanistan về việc thiết lập một thỏa thuận chính trị.

Tránh

Tay súng của Taliban tuần tra trên đường phố Kabul (Ảnh: Reuters).

Đại sứ Nga tại Afghanistan Dmitry Zhirnov ngày 21/8 cho biết không có cuộc biểu tình nào chống lại Taliban ở thủ đô Kabul và cuộc sống đang dần trở lại bình thường, kể từ khi lực lượng này giành quyền kiểm soát thủ đô và phần lớn lãnh thổ Afghanistan.

"Không có cuộc biểu tình nào chống lại Taliban", Đại sứ Zhirnov phát biểu trên kênh Soloviev Live.

Nhà ngoại giao Nga nói thêm rằng tình hình ở Kabul vẫn "ổn định" trong ngày thứ 8 liên tiếp. Các cửa hàng vẫn mở cửa và Taliban nắm quyền kiểm soát an ninh trong thành phố Kabul.

Đại sứ Zhirnov cho biết ông đã gặp một quan chức cấp cao của Taliban và lực lượng này thể hiện sự quan tâm đến một giải pháp chính trị hòa bình cho cuộc khủng hoảng hiện nay ở Afghanistan.

Theo đại sứ Nga, đại diện của Taliban đã đề nghị các nhà ngoại giao Nga chuyển lời cho các lực lượng kháng chiến tại Panjshir, do Phó Tổng thống Afghanistan Amrullah Saleh dẫn đầu, rằng Taliban muốn tránh đổ máu và muốn đạt được một thỏa thuận chính trị với họ.

Taliban tiến vào Kabul vào ngày 15/8, kết thúc chiến dịch phản công kéo dài nhiều tuần và dẫn đến sự sụp đổ của chính phủ do Mỹ hậu thuẫn. Tổng thống Ashraf Ghani đã từ chức và rời khỏi đất nước. Việc Taliban nắm chính quyền đã khiến hàng nghìn người Afghanistan phải tìm cách trốn khỏi đất nước vì lo sợ bị trả thù.

Hiện tại, Panjshir là tâm điểm trong cuộc kháng chiến chống Taliban của người Afghanistan. Phó Tổng thống Saleh và Mặt trận Kháng chiến Quốc gia Afghanistan được cho là đang tập trung lực lượng tại Panjshir để đánh bại Taliban. Lực lượng kháng chiến đã chiếm lại khu vực Charikar ở tỉnh Parwan, phía bắc của Kabul.

Ông Saleh, người tự xưng là tổng thống lâm thời của Afghanistan, nói rằng ông đang liên lạc với các lãnh đạo để tìm kiếm sự ủng hộ và sự đồng thuận của họ trong cuộc "kháng chiến" chống lại Taliban.

Thủ lĩnh của Mặt trận Kháng chiến Quốc gia Afghanistan, Ahmad Massoud, đã đăng một bài viết trên Washington Post kêu gọi sự ủng hộ và vũ khí của phương Tây để đánh trả lực lượng Taliban.

Washington Post dẫn tuyên bố của các chỉ huy lãnh đạo lực lượng kháng chiến cho biết, 30 tay súng Taliban đã bị tiêu diệt và 20 người khác bị bắt giữ. Cuộc nổi dậy của lực lượng kháng chiến Afghanistan dường như là nỗ lực vũ trang đầu tiên chống lại sự cầm quyền của Taliban kể từ khi nhóm này giành quyền kiểm soát Kabul.

Các cường quốc trong khu vực như Nga, Trung Quốc được cho là sẽ gia tăng ảnh hưởng ở Afghanistan khi liên quân phương Tây do Mỹ dẫn đầu triển khai cuộc rút quân vội vã và hỗn loạn khỏi nước này. Đại sứ quán Nga vẫn mở cửa và duy trì liên lạc với Taliban khi nhóm chiến binh này lần đầu tiên nắm quyền kiểm soát ở Afghanistan kể từ năm 2001.

Phát ngôn viên truyền thông của Taliban Suhail Shaheen ngày 17/8 cho biết, nhóm này đang nhận được sự "ủng hộ về chính trị từ Nga và Trung Quốc", 2 nước thừa nhận Taliban là "lực lượng quân sự và chính trị lớn". Đại diện của Taliban nói rằng, họ chưa nhận được bất kỳ sự ủng hộ tài chính nào từ Pakistan, Nga và Trung Quốc, nhưng "có mối quan hệ tốt với các nước này".

Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 20/8 tuyên bố rằng thế giới cần chấp nhận thực tế tình hình tại Afghanistan và cùng nhau ngăn chặn sự sụp đổ của toàn bộ nhà nước này. Ông Putin hy vọng Taliban sẽ "đảm bảo an ninh cho người dân địa phương và các nhà ngoại giao nước ngoài" và đất nước sẽ không tan rã sau khi các lực lượng do Mỹ dẫn đầu rút khỏi Afghanistan.