1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Tranh cãi thẩm quyền của ông Biden khi bất ngờ phát lệnh không kích Syria

Minh Phương

(Dân trí) - Tổng thống Mỹ Joe Biden đã vấp phải tranh cãi khi bất ngờ phát lệnh không kích lực lượng dân quân do Iran hậu thuẫn ở Syria.

Tranh cãi thẩm quyền của ông Biden khi bất ngờ phát lệnh không kích Syria - 1
Tổng thống Mỹ Joe Biden (Ảnh: AFP)

Ông Biden lên tiếng

"Các vị không thể hành động mà không bị trừng phạt. Hãy cẩn thận", Tổng thống Mỹ Biden cho biết khi phóng viên đặt câu hỏi liệu ông muốn gửi gắm thông điệp gì khi phát lệnh tấn công ở Syria hôm 25/2.

Đây là những bình luận đầu tiên của chủ nhân Nhà Trắng sau khi ông phát lệnh không kích các mục tiêu của lực lượng dân quân do Iran hậu thuẫn ở Syria tối 25/2 khiến ít nhất 22 người thiệt mạng. Lầu Năm Góc cho biết, vụ không kích nhằm đáp trả các vụ tấn công bằng rocket nhằm vào các tài sản của Mỹ ở Iraq hồi đầu tháng 2.

Người phát ngôn Lầu Năm Góc John Kirby nhấn mạnh, cuộc tấn công phát đi một thông điệp rõ ràng rằng: "Tổng thống sẽ hành động để bảo vệ lực lượng của Mỹ và liên minh. Đồng thời chúng tôi hành động quyết đoán nhằm hạ nhiệt tình hình ở đông Syria và Iraq".

Cuộc không kích là hành động quân sự đầu tiên của chính quyền Tổng thống Joe Biden. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin xác nhận đã tham mưu cho Tổng thống Biden về kế hoạch không kích và vụ tấn công được thực hiện dựa trên sự hỗ trợ của các thông tin tình báo Iraq.

Tranh cãi về thẩm quyền của Tổng thống

Quyết định không kích ở Syria của ông Biden đã vấp phải những ý kiến trái chiều. Nga, Iran và Syria đã chỉ trích gay gắt động thái này của chính quyền Biden, cho rằng đây là hành động "xâm phạm chủ quyền Syria" và có thể khiến tình hình khu vực leo thang căng thẳng.

Trong nước, một số nghị sĩ Dân chủ cũng chỉ trích quyết định này của ông Biden, đồng thời đặt ra câu hỏi về thẩm quyền phát lệnh tấn công của ông Biden. Họ nói rằng quốc hội Mỹ chưa phê chuẩn cho phép sử dụng các lực lượng quân sự đặc biệt ở Syria, các nghị quyết thông qua năm 2001 và 2002 chỉ nhằm cho phép tấn công những kẻ chịu trách nhiệm về vụ khủng bố 11/9 và tham gia vào cuộc chiến với Iraq. Quốc hội Mỹ đã không tuyên bố chiến tranh kể từ năm 1942.

"Mệnh lệnh này khiến ông Biden trở thành tổng thống thứ 7 của Mỹ phát lệnh tấn công ở Trung Đông. Một tổng thống không có thẩm quyền ra lệnh một cuộc tấn công quân sự không nhằm mục đích tự vệ trước một mối đe dọa sắp xảy ra mà không có sự cho phép của quốc hội", hạ nghị sĩ Dân chủ của California Ro Khanna bình luận.

Nghị sĩ Dân chủ Chris Murphy, thành viên Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, cho rằng các vụ tấn công nhằm vào căn cứ của Mỹ ở Iraq là "không thể chấp nhận được", nhưng mặt khác ông cho rằng việc không kích đáp trả là không cần thiết và đòi hỏi phải có sự phê chuẩn của quốc hội.

Trong khi đó, một phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ nói rằng, chính quyền đã thực hiện một quy trình nghiêm ngặt bao gồm việc xem xét pháp lý cho các cuộc tấn công, đồng thời nhấn mạnh vụ không kích hôm 25/2 là cần thiết để đối phó các mối đe dọa và đáp trả các cuộc tấn công trước đó nhằm vào lực lượng của Mỹ.

Các nghị sĩ Cộng hòa phần lớn ủng hộ quyết định không kích của ông Biden. Nghị sĩ Texas Michael McCaul, thành viên cơ quan đối ngoại Hạ viện, nhận định cuộc không kích là đòn răn đe cần thiết để nhắc nhở Iran và các lực lượng ủy nhiệm của họ rằng các hành động tấn công vào lợi ích của Mỹ "sẽ không được dung thứ".

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm