1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Đòn không kích "nắn gân" Iran của chính quyền Biden

Minh Phương

(Dân trí) - Trong đòn không kích đầu tiên dưới thời chính quyền Tổng thống Joe Biden, quân đội Mỹ đã tấn công các mục tiêu nghi do Iran hậu thuẫn ở Syria nhằm phát đi một thông điệp cứng rắn.

Đòn không kích nắn gân Iran của chính quyền Biden - 1
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ra lệnh tiến hành không kích các lực lượng nghi do Iran hậu thuẫn ở Syria hôm 25/2 để đáp trả các vụ tấn công bằng rocket nhằm vào lực lượng Mỹ ở Iraq. (Ảnh: Getty)

Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 25/2 đã ra mệnh lệnh tiến hành không kích vào các mục tiêu lực lượng vũ trang do Iran hậu thuẫn ở Syria. Cuộc không kích được cho là nhằm đáp trả các vụ tấn công gần đây nhằm vào các lực lượng của Mỹ ở Iraq, trong đó có vụ tấn công bằng rocket tuần trước khiến một số binh sĩ Mỹ bị thương, một nhà thầu Philippines thiệt mạng.

Lầu Năm Góc cho biết, cuộc không kích được thực hiện dựa trên sự tham vấn các đối tác trong liên minh. Theo Politico, Tổng thống Biden đã lựa chọn "phương án vừa phải" trong các lựa chọn được trình lên, song hiện chưa rõ những phương án còn lại được ông cân nhắc là gì. Sau vài ngày thảo luận và lên kế hoạch, Tổng thống Biden ra mệnh lệnh tiến hành không kích các mục tiêu ở Syria lúc 18h ngày 25/2.

Trong cuộc không kích, các máy bay của Mỹ đã thả 7 quả bom vào 7 mục tiêu của lực lượng vũ trang do Iran hậu thuẫn ở Syria. Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria (SOHR) cho biết, cuộc không kích đã phá hủy ít nhất 3 xe chở đạn, khiến ít nhất 17 người thiệt mạng và nhiều người bị thương.

Hãng tin Vox dẫn lời một quan chức Mỹ giấu tên cho biết, mục đích của chính quyền Tổng thống Biden đằng sau vụ không kích này là "phát đi thông điệp rằng Mỹ sẽ không làm ngơ trước các cuộc tấn công của các lực lượng do Iran hậu thuẫn nhằm vào lực lượng của Mỹ". Người phát ngôn Lầu Năm Góc John Kirby cũng nhấn mạnh, Tổng thống Biden đã ra lệnh "phản ứng quân sự tương xứng" để gửi đi thông điệp rõ ràng rằng: "Tổng thống sẽ hành động để bảo vệ lực lượng của Mỹ và liên minh. Đồng thời chúng tôi hành động quyết đoán nhằm hạ nhiệt tình hình ở đông Syria và Iraq".

Một số chuyên gia đã đánh giá cao quyết định của Tổng thống Biden. "Đây là một bước đi quan trọng của chính quyền Tổng thống Biden", Phillip Smyth, một chuyên gia về lực lượng vũ trang dòng Shia tại Viện nghiên cứu chính sách Washington, nhận định. Theo chuyên gia Smyth, cuộc không kích đã phát đi thông điệp rằng chính quyền mới của Mỹ sẵn sàng đáp trả mục tiêu nào do Iran hậu thuẫn ở bất cứ đâu Trung Đông.

Ông Smyth cho rằng, đây cũng là một cách gửi thông điệp đến Iran mà không làm phật lòng Iraq. Iraq vốn không hài lòng với các cuộc không kích của quân đội Mỹ nhằm vào các lực lượng ủy nhiệm của Iran ở Iraq dưới thời chính quyền cựu tổng thống Mỹ Donald Trump vì cho rằng những hành động đó vi phạm chủ quyền của Iraq.

Căng thẳng Mỹ - Iran leo thang

Trong khi đó, ông Phyllis Bennis, một chuyên gia về Trung Đông của Viện nghiên cứu chính sách Mỹ, cho rằng đó là một quyết định "nguy hiểm" có thể khiến căng thẳng Mỹ - Iran leo thang. Câu hỏi đặt ra là cuộc không kích sẽ ảnh hưởng thế nào đến nỗ lực của chính quyền Tổng thống Joe Biden nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân với Iran.

Thỏa thuận hạt nhân Iran được ký kết năm 2015 giữa Iran và Mỹ, Trung Quốc, Nga, Đức, Pháp, Anh sau các vòng đàm phán kéo dài nhằm ngăn Tehran phát triển vũ khí hạt nhân. Năm 2018, cựu tổng thống Donald Trump đã rút khỏi thỏa thuận và áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt Iran. Tuy nhiên, sau khi nhậm chức, ông Biden bày tỏ sẵn sàng đưa Mỹ tham gia trở lại thỏa thuận với điều kiện Tehran trước tiên phải tuân thủ cam kết trong thỏa thuận.

Washington đã đồng ý tham dự cuộc họp không chính thức với Iran do Liên minh châu Âu làm trung gian, nhưng Iran tuyên bố vẫn đang "xem xét" đề nghị và cũng ra điều kiện Mỹ phải dỡ bỏ toàn bộ lệnh trừng phạt với Tehran. Sau vụ không kích hôm 25/2, Iran rất có thể sẽ từ chối các đề nghị đàm phán trong tương lai với Mỹ.

Cho dù vậy, có vẻ như ông Biden đã tính toán rằng việc bảo vệ quân đội Mỹ ở Trung Đông khỏi các cuộc tấn công của lực lượng ủy nhiệm của Iran là ưu tiên cao hơn so với tiến trình ngoại giao. Với quan điểm đó, ông Biden trở thành tổng thống mới nhất của Mỹ ra mệnh lệnh chiến dịch quân sự ở Trung Đông.