1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

"Trận đồ bát quái" của Nga làm khó tham vọng của Ukraine

Nguyễn Bình

(Dân trí) - Nhiều người đặt hy vọng cao vào cuộc phản công mùa hè năm 2023 của Ukraine nhưng kết quả không như mong đợi.

Trận đồ bát quái của Nga làm khó tham vọng của Ukraine - 1

Các xe bồn nhiên liệu của quân đội Nga bị Ukraine tập kích ở Makiivka tháng 5/2022 (Ảnh minh họa: Militarnyi).

"Trận đồ bát quái" của tướng Nga khó bị đánh bại

Theo Foreign Affairs, những thành công trước đây của Ukraine tại Kiev, Kharkov và Kherson đã mở ra triển vọng rằng với một nỗ lực mới, được tăng cường với thiết bị và huấn luyện mới của phương Tây, họ có thể sẽ tiếp tục phá vỡ hệ thống phòng thủ của Moscow trên quy mô lớn hơn và cắt đứt cây cầu đất liền của Nga tới Crimea.

Nếu điều đó xảy ra, có người nhận định, mối đe dọa nghiêm trọng đối với Crimea có thể thuyết phục Tổng thống Nga Vladimir Putin chấm dứt xung đột.

Nhưng kết quả không như mong đợi. Mặc dù chiến dịch tổng phản công hồi mùa hè 2023 đã mang lại một số thành công cho Ukraine, đặc biệt là phá hủy nhiều tàu chiến và đẩy lùi hạm đội Nga ở Biển Đen, nhưng Kiev không có bước đột phá nào trên đất liền.

Những kết quả hạn chế mà Ukraine giành được đã phải trả giá rất đắt. Đổi lại, Nga trụ vững và lật ngược thế cờ để giành được những tiến bộ ở những nơi khác trên chiến trường. Bây giờ rõ ràng là cuộc tấn công của Ukraine đã thất bại.

Tại sao? Và điều này có ý nghĩa gì đối với tương lai của xung đột Ukraine và tương lai của chiến tranh nói chung?

Câu trả lời chắc chắn sẽ yêu cầu dữ liệu và bằng chứng chưa được công bố rộng rãi. Nhưng câu trả lời tốt nhất lúc này nằm ở cách hai bên, nhất là quân phòng thủ Nga, sử dụng lực lượng sẵn có của mình.

Vào cuối mùa xuân 2023, dựa trên kinh nghiệm chiến đấu từ thế kỷ trước, dưới sự chỉ huy của tướng Surovikin, người Nga đã áp dụng chiến lược phòng thủ có chiều sâu bằng "trận đồ bát quái" với các tuyến chiến hào kiên cố được chuẩn bị sẵn khiến bên tấn công rất khó xuyên thủng.

Đột phá đã và vẫn có thể xảy ra trong chiến tranh trên bộ. Điều đó đúng với Ukraine khi họ đánh bật lực lượng Moscow ở Kiev, Kharkov và Kherson vào năm 2022 do Nga thiếu chuẩn bị và hậu cần kém cỏi. Tuy nhiên, tình hình nay đã khác, bởi Nga đã rút được kinh nghiệm, thay đổi chiến thuật hợp lý.

Những tác động của điều này đối với Ukraine là rất nghiệt ngã. Nếu không có đột phá trong tấn công, giao tranh trên bộ sẽ trở thành một cuộc chiến tiêu hao.

Trận đồ bát quái của Nga làm khó tham vọng của Ukraine - 2

Xe tăng thiết giáp, bao gồm cả Leopard 2A6 hiện đại của Ukraine bị Nga phá hủy ở mặt trận Zaporizhia hồi tháng 6 (Ảnh: Reuters).

Vũ khí, công nghệ không thể "thay đổi cuộc chơi"

Một kết quả thuận lợi cho Ukraine trong một cuộc chiến tiêu hao không phải là không thể, nhưng đòi hỏi lực lượng của Kiev phải vượt trội hơn đối phương về tiềm lực và số lượng.

Một số người đổ lỗi cho Mỹ về cuộc tấn công thất bại của Ukraine. Không phải tất cả các đề nghị hỗ trợ của Kiev đều được chấp nhận. Ví dụ, nếu Mỹ cung cấp máy bay chiến đấu F-16, tên lửa tầm xa ATACMS hoặc xe tăng Abrams sớm hơn và với số lượng lớn hơn, họ lập luận rằng Ukraine có thể đã chiến thắng.

Trang bị ngày càng tốt hơn luôn hữu ích, vì vậy chắc chắn cuộc tấn công sẽ đạt được nhiều tiến bộ hơn nhờ vũ khí tối tân hơn. Nhưng công nghệ hiếm khi có vai trò quyết định trong chiến tranh trên bộ và không loại vũ khí nào trong số này có khả năng thay đổi kết quả cuộc phản công năm 2023.

Ví dụ, F-16 là tiêm kích đã 46 năm tuổi và sẽ không thể tồn tại được trong môi trường nguy hiểm ở Ukraine. Mỹ và NATO biết nó quá dễ bị tổn thương nên họ đang thay thế bằng các máy bay chiến đấu tàng hình F-35 tiên tiến hơn.

Mặc dù F-16 đã được hiện đại hóa và có tính năng ưu việt hơn so với những chiếc MiG-29 cũ kĩ thời Liên Xô của Ukraine, nhưng một phi đội F-16 sẽ không mang lại cho Kiev ưu thế trên không theo bất kỳ cách nào để có thể tạo bước đột phá trên thực địa.

Tên lửa ATACMS sẽ cho phép Ukraine tấn công các mục tiêu sâu hơn, đặc biệt là ở Crimea và điều này sẽ làm giảm hiệu quả của hệ thống hậu cần của Nga nói riêng. Nhưng tất cả các loại vũ khí đều có biện pháp đối phó và người Nga đã chứng tỏ được khả năng chống lại phương thức dẫn đường GPS mà ATACMS sử dụng để tấn công các mục tiêu chỉ định.

Hệ thống tên lửa tầm ngắn HIMARS có hiệu quả cao ở Ukraine khi lần đầu tiên tham chiến vào năm 2022 nhưng hiện tại hiệu quả kém hơn nhiều, một phần vì Nga đã phân tán các chân hàng thay vì tập trung ở đầu mối cung cấp lớn nằm trong tầm bắn loại vũ khí này, phần khác là vì họ đã tìm ra cách gây nhiễu tín hiệu GPS mà cả hai hệ thống tên lửa sử dụng để dẫn đường.

Xe tăng Abrams của Mỹ vượt trội hơn nhiều so với đội xe tăng T-64 và T-72 từ thời Liên Xô của Ukraine. Nhưng xe tăng Leopard 2 của Đức mà Ukraine sử dụng trong cuộc tấn công mùa hè cũng vậy. Chúng hoạt động tốt nhưng khó có thể là siêu vũ khí bất khả xâm phạm.

Trong số hơn 100 chiếc Leopard 2 đang phục vụ ở Ukraine, ít nhất 26 chiếc đã bị hạ gục, một số khác không thể sử dụng được do vấn đề sửa chữa và bảo trì.

Giống tất cả các xe tăng, Leopard 2 và Abrams phụ thuộc vào sự phối hợp tác chiến chặt chẽ với bộ binh, pháo binh và công binh trên quy mô lớn để tồn tại trên chiến trường và chúng cần có cơ sở hạ tầng hỗ trợ rộng rãi để duy trì hoạt động chiến đấu. Ukraine tỏ ra không thể cung cấp những thứ này vào năm 2023.

Những chiếc Leopard 2 được hỗ trợ yếu đã dẫn đầu các cuộc tấn công đầu tiên vào mùa hè nhưng không đạt được nhiều tiến triển. Nhiều xe tăng tiên tiến hơn sẽ có ích, nhưng cuộc tấn công đưa ra rất ít bằng chứng cho thấy xe tăng tốt hơn sẽ có ý nghĩa quyết định.

Những người khác cho rằng vấn đề là do một cuộc cách mạng quân sự rộng lớn hơn, trong đó công nghệ mới làm cho chiến trường trở nên quá nguy hiểm để thực hiện các cuộc tấn công thành công, bất kể máy bay chiến đấu F-16, tên lửa ATACMS hay xe tăng Abrams.

Máy bay không người lái, vệ tinh giám sát và vũ khí chính xác là những công nghệ được hầu hết các nhà lý luận quân sự hiện nay nhấn mạnh. Tuy nhiên, tất cả đều có mặt trong những đột phá trong cuộc tấn công của Ukraine vào năm 2022 cũng như thất bại trong chiến dịch phản công vào năm 2023.

Khả năng sát thương của những hệ thống mới này trong thực tế không lớn hơn nhiều so với các thế hệ vũ khí trước đó. Kinh nghiệm giao tranh tại chiến trường Ukraine cho thấy công nghệ không phải là yếu tổ quyết định.

Trận đồ bát quái của Nga làm khó tham vọng của Ukraine - 3

Xe tăng M1 Abrams do Mỹ chế tạo (Ảnh: US Army).

Con người mới là yếu tố then chốt

Vẫn còn những người khác nhấn mạnh vào việc đào tạo và ra quyết định chiến lược. Các lữ đoàn mà Ukraine đưa vào cuộc phản công mùa hè hầu hết là những đơn vị thiếu kinh nghiệm, chỉ được phương Tây huấn luyện 5 tuần trước khi nổ súng.

Ngược lại, bộ binh Anh trong Thế chiến thứ hai được huấn luyện 22 tuần, sau đó được trau dồi thêm trong các đơn vị chiến đấu và chỉ sau đó mới được đưa vào đánh trận. Năm tuần không đủ thời gian để hiểu rõ sự phức tạp của chiến tranh hiện đại.

Các sĩ quan Mỹ cũng tin rằng Bộ tổng tham mưu Ukraine đã làm suy giảm sức mạnh chiến đấu của đất nước bằng cách chia nỗ lực của mình ra 3 mặt trận thay vì tập trung vào một hướng duy nhất, khiến lực lượng ở mỗi mặt trận quá yếu để có thể tiến lên.

Do phân tán binh lực và việc huấn luyện hạn chế ở các đơn vị chủ chốt, Ukraine không có khả năng sử dụng vũ khí trang bị theo ý mình một cách hiệu quả.

Chiến thuật cơ động tấn công không lụi tàn nhưng chưa bao giờ dễ dàng bởi để thắng lợi, cần phải có sự kết hợp giữa điều kiện cần và đủ, bao gồm kỹ năng tấn công và môi trường thuận lợi là đối phương triển khai phòng thủ hời hợt, không có động lực chiến đấu hoặc không được hỗ trợ về mặt hậu cần hoặc tất cả các yếu tố.

Cuộc tấn công của Israel trong Chiến tranh năm 1967 đã xuyên thủng hệ thống phòng thủ của Ai Cập ở Sinai trong vòng chưa đầy 6 ngày, nhưng điều này được thực hiện nhờ động lực và sự chuẩn bị chiến đấu kém của Ai Cập.

Cuộc tấn công của Mỹ trong Chiến dịch Bão táp Sa mạc năm 1991 đã tái chiếm Kuwait sau 100 giờ, nhưng điều này được thực hiện nhờ các vị trí chiến đấu của Iraq có nhiều thiếu sót nghiêm trọng và kỹ năng hạn chế của binh sĩ nước này.

Tương tự như vậy, các cuộc tấn công của Ukraine tại Kiev và Kharkov vào năm 2022 đã xuyên thủng hàng phòng ngự thiếu chiều sâu, dàn trải quá mức của đối phương cũng như cuộc tấn công của Ukraine tại Kherson vào cùng năm đã thắng lợi bởi hệ thống phòng thủ của Moscow không bền vững, bị cô lập ở phía tây sông Dnieper và hậu cần kém.

Tuy nhiên, đến năm 2023, người Nga đã điều chỉnh và triển khai một hệ thống phòng thủ kiên cố hơn, có chiều sâu mà không có lỗ hổng địa lý như tại Kherson, đồng thời trấn giữ những vị trí này là các binh sĩ đã có kinh nghiệm chiến đấu.

Thành tích kém và động lực chiến đấu yếu kém của Nga vào năm 2022 đã khuyến khích nhiều người kỳ vọng Ukraine có thể tiếp tục đột phá trong năm 2023, nhưng người Nga đã rút được đủ bài học kinh nghiệm từ những thất bại của mình để xây dựng được tuyến phòng thủ vững chắc hơn nhiều.

Ukraine đã không thể xuyên thủng "trận đồ Surovikin" vào năm 2023 và không rõ liệu ngay cả quân đội Mỹ hùng mạnh có  thực hiện thành công nhiệm vụ khó khăn như vậy  không.

Khả năng phục hồi của hệ thống phòng thủ có chiều sâu và được chuẩn bị sẵn của Nga trong chiến tranh hiện đại sẽ khiến Ukraine rất khó có thể sớm đạt được bước đột phá mang tính quyết định. Người đứng đầu các lực lượng vũ trang Ukraine - tướng Valery Zaluzhny - đã mô tả cuộc chiến là bế tắc, nhưng tin rằng công nghệ mới có thể tạo ra bước đột phá cho Ukraine.

Ông ấy đúng ở điểm đầu tiên, nhưng có lẽ không đúng ở điểm thứ hai. Việc đơn thuần dùng vũ khí để chiến thắng rất hiếm xảy ra trong chiến tranh trên bộ. Khó có công nghệ mới cấp tiến nào có thể lật ngược được tình thế.

Khả năng thích ứng của đối phương và nhiều khu vực trên đất liền có địa hình địa vật thuận lợi để ẩn nấp, che giấu binh lực đã hạn chế vũ khí mới xuyên thủng hệ thống phòng thủ vững chắc, và hệ thống phòng thủ của Nga hiện khá mạnh mẽ.

Trong tương lai, Ukraine phụ thuộc rất nhiều vào sự hỗ trợ của phương Tây, nhưng ngay cả khi họ tiếp tục được viện trợ, cuộc xung đột có thể vẫn sẽ kéo dài, nếu không có sự sụp đổ trong ý chí chiến đấu của Nga. Do đó, thành công của Ukraine sẽ đòi hỏi sự kiên nhẫn và nỗ lực vượt khó bởi chính Kiev và các đồng minh phương Tây của họ.

Theo Foreign Affairs
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine