1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột Israel - Hezbollah
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Tổng thống Séc lý giải nhận định về kết cục xung đột Nga - Ukraine

Minh Phương

(Dân trí) - Tổng thống Séc Petr Pavel lên tiếng giải thích sau khi nhận định của ông về kết cục xung đột Nga - Ukraine vấp phải phản ứng của Kiev.

Tổng thống Séc lý giải nhận định về kết cục xung đột Nga - Ukraine - 1

Tổng thống Séc Petr Pavel (Ảnh: Reuters).

Trả lời phỏng vấn truyền thông hôm 24/9, Tổng thống Séc Petr Pavel đã "cảnh báo về những kỳ vọng không thực tế" tại hội nghị Munich năm ngoái về xung đột Ukraine.

Tổng thống Pavel cho rằng hy vọng chiến tranh sẽ kết thúc sau vài tuần hoặc vài tháng với sự thành công rõ ràng của Ukraine có thể là ý nghĩ nguy hiểm. Đó là lý do tại sao, ông nói thêm, vấn đề này cần được xem xét trên cơ sở những gì thực sự có thể xảy ra.

"Tôi chưa bao giờ đặt câu hỏi rằng chúng ta có nên hỗ trợ Ukraine khôi phục toàn vẹn lãnh thổ hay không, đây là mục tiêu cuối cùng. Chúng ta chỉ cần thực tế về thời gian và cái giá phải trả để đạt được mục tiêu đó. Đánh bại Nga ở Ukraine bằng cái giá phải trả là sinh mạng của người dân Ukraine có lẽ không phải là một chiến thắng", ông nói.

Bình luận trên được đưa ra chỉ một ngày sau khi ông bình luận với New York Times rằng Ukraine nên chấp nhận khả năng một số lãnh thổ của mình có thể "tạm thời" nằm dưới sự kiểm soát của Nga sau khi xung đột kết thúc.

"Việc Ukraine hay Nga thất bại hoàn toàn không bao giờ xảy ra. Vì vậy, kết cục sẽ đâu đó ở giữa. Kết quả xung đột nhiều khả năng nhất là một phần lãnh thổ Ukraine sẽ nằm dưới sự kiểm soát của Nga, một cách tạm thời", Tổng thống Pavel nói. Nhà lãnh đạo Séc cũng dự đoán "tình trạng tạm thời" như vậy có thể kéo dài hàng năm.

Bộ Ngoại giao Ukraine sau đó đã chỉ trích ý tưởng bị cho là đổi lãnh thổ lấy hòa bình này. Kiev bác bỏ kịch bản tạm thời để một phần lãnh thổ Ukraine bị Nga kiểm soát và những "giải pháp nửa vời" tương tự.

Chính quyền của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky từ lâu khẳng định rõ quan điểm không nhượng bộ về lãnh thổ để đổi lấy hòa bình với Nga.

Thay vào đó, Ukraine đã phác thảo một "kế hoạch chiến thắng" với nhiều điểm khác nhau, trong đó có việc tấn công sâu vào lãnh thổ Nga nhằm gây sức ép, đồng thời hối thúc NATO kết nạp Ukraine, kêu gọi phương Tây tăng cường trừng phạt Nga.

Tổng thống Zelensky được cho là sẽ chia sẻ về kế hoạch trên với Tổng thống Mỹ Joe Biden và các lãnh đạo quốc tế khác tới New York dự phiên họp của Liên hợp quốc.

Mặc dù vậy, một số quan chức phương Tây cảnh báo không nên kỳ vọng quá nhiều vào kế hoạch chiến thắng đó của Ukraine. Các nước phương Tây cũng bắt đầu lo lắng về an ninh của chính mình khi Nga tiếp tục sản xuất vũ khí có thể gây ảnh hưởng ra ngoài Ukraine.

Về phần mình, Tổng thống Joe Biden tuyên bố, Mỹ sẽ tiếp tục hỗ trợ cho đến khi Ukraine đạt được một nền hòa bình bền vững.

Theo Pravda
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine