1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Tổng thống Putin nói Nga "hưởng lợi" từ lệnh cấm vận của phương Tây

Thành Đạt

(Dân trí) - Tổng thống Vladimir Putin cho rằng các biện pháp trừng phạt của phương Tây là cơ hội để Nga củng cố sự độc lập về công nghệ và kinh tế của mình.

Tổng thống Putin nói Nga hưởng lợi từ lệnh cấm vận của phương Tây - 1

Tổng thống Nga Vladimir Putin (Ảnh: Bloomberg).

"Thực tế những năm gần đây cho thấy khi phương Tây áp đặt các biện pháp hạn chế đối với chúng tôi, chúng tôi lại đạt được năng lực mới và khôi phục năng lực cũ ở cấp độ công nghệ mới", Tổng thống Putin nói trong cuộc gặp với nhà lãnh đạo Belarus Alexander Lukashenko tại Moscow hôm 11/3.

"Đây là cơ hội để Nga tiến tới củng cố sự độc lập về công nghệ và kinh tế", ông Putin nói thêm.

Tổng thống Putin tin rằng Nga và Belarus sẽ vượt qua được những khó khăn này, thậm chí sẽ "đạt được nhiều năng lực hơn, có nhiều cơ hội hơn để đảm bảo sự độc lập, tự lực cánh sinh và cuối cùng là hưởng lợi (từ các lệnh trừng phạt) như những năm trước đây".

Tổng thống Lukashenko cũng đồng tình với quan điểm của Tổng thống Putin, khẳng định Belarus có mọi thứ cần thiết để khôi phục nền kinh tế bất chấp các lệnh trừng phạt.

"Chúng tôi cần phải tái thiết nền kinh tế của mình. Chúng tôi có tất cả những gì chúng tôi cần để khôi phục nền kinh tế của mình, chúng tôi vẫn có thể làm được mà không cần đến họ. Chúng tôi có mọi thứ để tiếp tục cuộc sống và công việc bình thường", Tổng thống Belarus nói.

Mỹ và các đồng minh châu Âu gần đây đã áp đặt các biện pháp trừng phạt mà trước đó họ cho rằng "khó xảy ra" hoặc "phương án cuối cùng" như cấm vận dầu mỏ, khí đốt hay loại Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT, sau khi Moscow mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.

Theo Bloomberg, Nga trở thành quốc gia hứng nhiều lệnh trừng phạt nhất thế giới, với 2.778 lệnh mới chỉ trong 2 tuần, nâng tổng cộng số lệnh trừng phạt nhằm vào nước này lên 5.530.

Tổng thống Joe Biden ngày 11/3 tuyên bố Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và G7 (gồm Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản, Mỹ, Anh và Canada) sẽ bãi bỏ quy chế tối huệ quốc với Nga, gọi đây là "đòn giáng mạnh tiếp theo vào nền kinh tế Nga". Động thái này cho phép Mỹ và các đồng minh áp đặt thuế quan đối với nhiều loại hàng hóa của Nga.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen ngày 11/3 đã liệt kê những thiệt hại về kinh tế và tài chính do các lệnh trừng phạt mà Mỹ và các đồng minh áp đặt lên Nga trong những tuần gần đây.

"Chúng ta đã cô lập Nga về tài chính. Đồng rúp rơi tự do. Thị trường chứng khoán Nga đóng cửa. Nga đã bị loại khỏi hệ thống tài chính quốc tế", Bộ trưởng Yellen nói.

Phản ứng về lệnh trừng phạt của Mỹ, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói rằng Mỹ đã "tuyên chiến kinh tế" với Nga, vì vậy Washington có thể sẽ phải đối mặt với các động thái đáp trả của Moscow.

Ông Peskov cho biết "nền kinh tế Nga đang phải hứng chịu một cú sốc" với những "hậu quả tiêu cực". Ông cho rằng đây là "điều chưa từng có tiền lệ, chưa từng có một cuộc chiến kinh tế nào như vậy nhằm vào Nga".

Tổng thống Vladimir Putin ngày 10/3 cho biết Nga không phải là quốc gia có thể chấp nhận thỏa hiệp chủ quyền của mình vì một số lợi ích kinh tế ngắn hạn. Ông tuyên bố Nga sẽ "vượt qua" các thách thức của phương Tây.

Ông Putin cho biết Nga - nhà sản xuất năng lượng lớn cung cấp 1/3 khí đốt cho châu Âu - sẽ tiếp tục thực hiện các nghĩa vụ theo hợp đồng đã ký kết, mặc dù Moscow bị áp đặt các biện pháp trừng phạt toàn diện, bao gồm lệnh cấm vận của Mỹ đối với dầu mỏ và khí đốt Nga.

Tổng thống Putin thừa nhận các lệnh trừng phạt của phương Tây có thể tác động tới Nga. Tuy nhiên, ông Putin tuyên bố Nga sẽ "bình tĩnh giải quyết mọi vấn đề".

Theo Guardian
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine