1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Tổng thống Putin lý giải chưa thể đàm phán hòa bình với Ukraine

Minh Phương

(Dân trí) - Tổng thống Vladimir Putin nói rằng, khi Nga rút quân khỏi Kiev, chính phủ Ukraine dường như không còn hào hứng với đàm phán hòa bình.

Tổng thống Putin lý giải chưa thể đàm phán hòa bình với Ukraine - 1

Tổng thống Vladimir Putin (Ảnh: Reuters).

Chưa thể hòa đàm với Ukraine

Khi được hỏi về khả năng đàm phán chấm dứt xung đột với Ukraine, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng, chính Ukraine liên tục từ chối hòa đàm.

"Chính quyền Kiev từng nói rằng họ muốn có các cuộc đàm phán và bề ngoài là đã đề nghị đàm phán, nhưng bây giờ họ lại ra một quyết định cấm điều đó", Tổng thống Putin phát biểu trong một cuộc họp báo ở Astana, Kazakhstan ngày 14/10.

Đầu tháng này, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã ký sắc lệnh bác bỏ đàm phán với người đồng cấp Nga Putin, tuyên bố chỉ đối thoại khi Nga có lãnh đạo khác. Tuy nhiên, ông Putin nhấn mạnh, nếu Kiev thay đổi lập trường, khi đó, các cuộc hòa đàm giữa hai bên cần có vai trò trung gian của một số nước, trong đó có Thổ Nhĩ Kỳ.

Ông nhắc lại việc Nga và Ukraine từng đạt được thỏa thuận ban đầu có thể chấm dứt xung đột trong cuộc hòa đàm do Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian hồi cuối tháng 3. "Những thỏa thuận này gần đạt được, nhưng ngay khi Nga rút quân khỏi Kiev, lãnh đạo Ukraine cũng không còn thiết tha đàm phán".

Tổng thống Putin lý giải chưa thể đàm phán hòa bình với Ukraine - 2

Phái đoàn Nga và Ukraine hòa đàm tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ hôm 29/3 (Ảnh: Reuters).

Bộ Quốc phòng Nga thông báo rút quân khỏi Kiev hồi tháng 3 sau khi có thông tin các nhà đàm phán ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ đã đi đến một dự thảo hiệp ước. Theo đó, Ukraine phải cam kết duy trì vị thế trung lập, không cho phép nước ngoài đặt căn cứ hoặc đồn trú binh sĩ trên lãnh thổ, để đổi lấy cam kết an ninh từ các nước, trong đó có Nga.

Giới ngoại giao Nga cũng cho biết, Moscow đã gửi dự thảo thỏa thuận hòa bình dựa trên đề xuất của Ukraine và gửi cho Kiev, nhưng không nhận được bất cứ hồi âm nào.

Trong khi đó, chính quyền Ukraine nhiều lần khẳng định quan điểm chỉ đàm phán khi Nga rút hết quân khỏi nước này và Ukraine giành lại quyền kiểm soát toàn bộ lãnh thổ.

Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine hồi cuối tháng 2 với tuyên bố "phi quân sự hóa" và "phi phát xít hóa" quốc gia láng giềng. Chiến sự sắp bước sang tháng thứ 9 nhưng chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, trong khi triển vọng đàm phán vẫn mong manh.

Ông Putin nói rằng, ông không hề hối tiếc về chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine. Ông cho biết thêm: "Hiện giờ không cần các đợt tập kích quy mô lớn (vào Ukraine). Chúng tôi có những nhiệm vụ khác bởi tôi tin rằng trong số 29 mục tiêu mà Bộ Quốc phòng đặt ra, chỉ có 7 mục tiêu không trúng, nhưng dần dần chúng tôi sẽ đạt được. Không cần tập kích quy mô lớn vào lúc này, còn trong tương lai, chúng tôi còn phải chờ xem".

Không cần thiết hội đàm với Tổng thống Mỹ Joe Biden

Tổng thống Putin lý giải chưa thể đàm phán hòa bình với Ukraine - 3

Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin (Ảnh: Getty).

Trong cuộc họp báo, chủ nhân Điện Kremlin cũng đề cập đến việc ông cảm thấy không cần thiết" phải hội đàm với người đồng cấp Mỹ Joe Biden vào lúc này. Ông nói vẫn chưa quyết định liệu có dự hội nghị thượng đỉnh G20 ở Bali, Indonesia vào tháng tới hay không.

"Tôi thấy không cần thiết tổ chức một cuộc đàm phán (với Tổng thống Biden). Tôi vẫn chưa chốt kế hoạch dự hội nghị G20", ông nói.

Trước đó, Tổng thống Biden cho biết, ông "không có ý định" gặp người đồng cấp Nga, trừ khi Tổng thống Putin tiếp cận trước. "Tôi không có ý định gặp ông ấy. Nhưng giả sử, nếu ông ấy đến gặp tôi tại G20 và nói tôi muốn bàn về việc thả (công dân Mỹ) Griner, tôi sẽ gặp".

"Xung đột Nga - NATO sẽ là thảm họa toàn cầu"

Ông Putin cảnh báo, nếu NATO đưa binh sĩ đối đầu trực tiếp với quân đội Nga ở Ukraine, đó sẽ là một bước đi "rất nguy hiểm có thể dẫn đến thảm họa toàn cầu". "Tôi hy vọng rằng họ đủ tỉnh táo để tránh những bước đi đó", nhà lãnh đạo Nga nói.

Trong bối cảnh NATO và Mỹ cam kết tiếp tục viện trợ vũ khí cho Ukraine, Bộ Ngoại giao Nga hôm 11/10 cảnh báo: "Moscow sẽ không do dự trong việc thực hiện các biện pháp đáp trả sự can thiệp của phương Tây với chiến dịch đặc biệt. Chúng tôi cảnh báo và hi vọng Washington cùng với NATO nhận ra nguy cơ leo thang căng thẳng không kiểm soát".

Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov cho biết, việc phương Tây tăng cường hỗ trợ Ukraine sẽ làm tăng nguy cơ về một cuộc đụng độ giữa Nga và NATO.

Nga sắp hoàn tất động viên lực lượng dự bị

Tổng thống Putin cho biết, lệnh động viên một phần của Nga sẽ kết thúc trong vòng 2 tuần tới và ông không có kế hoạch điều động thêm.

Hôm 21/9, ông đã ký sắc lệnh huy động một phần lực lượng dự bị, với mục tiêu huy động 300.000 quân dự bị. Hiện tại, quân đội Nga đã gọi nhập ngũ 222.000 người, trong đó 33.000 người đã được điều động cho các đơn vị quân đội, 16.000 người đã tham gia chiến đấu.

Theo Guardian, RT
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine