1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Tổng thống Ukraine ký sắc lệnh bác khả năng đàm phán với ông Putin

Minh Phương

(Dân trí) - Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ký sắc lệnh chính thức tuyên bố triển vọng đàm phán với người đồng cấp Nga Vladimir Putin là "không thể".

Tổng thống Ukraine ký sắc lệnh bác khả năng đàm phán với ông Putin - 1

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (Ảnh: EPA).

Theo Guardian, sắc lệnh do Hội đồng Quốc phòng và An ninh Ukraine soạn thảo hôm 30/9. Điều khoản đầu tiên của sắc lệnh nêu rõ: "Ukraine quyết định tuyên bố không thể tiến hành các cuộc đàm phán với Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin".

Sắc lệnh được coi là chính thức hóa tuyên bố trước đó của nhà lãnh đạo Ukraine: "Chúng tôi sẵn sàng đối thoại với Nga, nhưng với một tổng thống khác".

Ngoài đánh giá triển vọng đàm phán với Nga, tại cuộc họp hôm 30/9, Hội đồng An ninh và Quốc phòng Ukraine cũng đề cập đến các vấn đề quan trọng khác như: Thông qua thư đề nghị liên minh quân sự NATO nhanh chóng kết nạp Ukraine: Tăng cường năng lực phòng vệ của nước này bằng việc tăng hỗ trợ quân sự, kỹ thuật; Khôi phục toàn vẹn lãnh thổ.

Sắc lệnh của Tổng thống Zelensky được đưa ra trong bối cảnh Nga đang nhanh chóng hoàn tất thủ tục sáp nhập 4 vùng lãnh thổ của Ukraine gồm Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporizhzhia sau cuộc trưng cầu dân ý gây tranh cãi ở đây. Tổng thống Putin đã ký kết với lãnh đạo của các vùng ly khai này hiệp ước sáp nhập. Hiệp ước đã được Hạ viện và Thượng viện Nga phê chuẩn.

Việc Nga sáp nhập những lãnh thổ trên được cho là sẽ khiến căng thẳng giữa Nga với Ukraine nói riêng, với phương Tây nói chung leo thang hơn nữa. Xung đột Nga - Ukraine đã bước sang tháng thứ 8 nhưng chưa có dấu hiệu hạ nhiệt trong khi các cuộc hòa đàm đình trệ từ tháng 3.

Hai bên đều tuyên bố sẵn sàng đối thoại để chấm dứt xung đột, nhưng cũng đưa ra các điều kiện nhất định.

Trả lời phỏng vấn hồi tháng trước, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba cho biết: "Không ai từ chối lựa chọn đàm phán, mọi cuộc chiến đều kết thúc bằng đàm phán, nhưng vị trí của bạn trên bàn đàm phán mới là vấn đề quan trọng. Ngày nay, các cuộc đàm phán với Nga đang được tiến hành trên chiến trường".

Người đứng đầu ngành ngoại giao Ukraine nhấn mạnh: "Tuy vậy, chúng tôi sẵn sàng ngồi vào bàn đàm phán khi khôi phục hoàn toàn toàn vẹn lãnh thổ. Chúng tôi đang nói rõ điều này với tất cả các đối tác, họ cũng không loại trừ khả năng đàm phán".

Kiev nhiều lần cho biết, xung đột chỉ chấm dứt khi Ukraine giành lại toàn bộ lãnh thổ, trong đó có bán đảo Crimea.

Về phía Nga, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, Moscow sẵn sàng đàm phán, nhưng "khi tình hình thay đổi, điều kiện cũng thay đổi". Nga cũng nhấn mạnh, hiện chưa đủ điều kiện để tổ chức hội đàm cấp cao giữa Tổng thống Putin và người đồng cấp Ukraine Zelensky.

Phát biểu với phóng viên ngày 4/10, ông Peskov cho biết, chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine sẽ chưa dừng lại nếu Kiev từ chối đàm phán. "Chúng tôi sẽ chờ tổng thống hiện tại (của Ukraine) thay đổi quan điểm hoặc chờ tổng thống tiếp theo thay đổi quan điểm vì lợi ích của người dân Ukraine". Moscow nhiều lần cáo buộc Kiev đơn phương rút khỏi tiến trình hòa đàm.

Trên chiến trường, Ukraine đang đẩy mạnh phản công ở cả miền Đông và miền Nam, buộc Nga phải tăng cường phòng thủ ở các vùng đã giành quyền kiểm soát. Tổng thống Putin tháng trước đã ký sắc lệnh động viên một phần với mục tiêu huy động khoảng 300.000 lính dự bị để bổ sung cho lực lượng quân đội. Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho hay, sau hơn 2 tuần, quân đội nước này đã huy động được hơn 200.000 lính dự bị.

Theo Reuters, Guardian
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm