1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Tổng thống Putin "bật đèn xanh" đàm phán giữa lúc "nước sôi lửa bỏng"

Thành Đạt

(Dân trí) - Điện Kremlin cho biết Tổng thống Nga Vladimir Putin "sẵn sàng đàm phán" khi cuộc khủng hoảng Ukraine ngày càng tăng nhiệt.

Tổng thống Putin bật đèn xanh đàm phán giữa lúc nước sôi lửa bỏng - 1

Tổng thống Nga Vladimir Putin (Ảnh: Reuters).

"Trước tiên, Tổng thống Putin luôn đề xuất đàm phán và ngoại giao", người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với CNN hôm 14/2.

"Trên thực tế, Tổng thống đã khởi xướng vấn đề đảm bảo an ninh cho Nga. Ukraine chỉ là một phần của vấn đề, đó là một phần của vấn đề lớn hơn về đảm bảo an ninh cho Nga và tất nhiên Tổng thống Putin sẵn sàng đàm phán", ông Peskov cho biết thêm.

Reuters ngày 14/2 đưa tin, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã nói với Tổng thống Putin rằng Điện Kremlin nên tìm kiếm một con đường ngoại giao để đạt được các đảm bảo về an ninh mà Moscow yêu cầu trong bối cảnh căng thẳng leo thang với Ukraine.

Ông Lavrov cho biết Nga vẫn tiếp tục chờ đợi câu trả lời từ phương Tây về việc đảm bảo an ninh cho Moscow.

"Chúng tôi đang xúc tiến một cuộc đối thoại về một số vấn đề quan trọng hiện nay, với các đồng nghiệp phương Tây, chủ yếu là phía Mỹ. Chúng tôi cũng sẽ tìm kiếm câu trả lời của họ cho những câu hỏi chính đáng mà chúng tôi đã nêu ra", ông Lavrov nói.

Theo Ngoại trưởng Nga, cách tiếp cận đối với các vấn đề an ninh ưu tiên của Moscow vẫn nên nằm trong chương trình nghị sự, bao gồm yêu cầu NATO không mở rộng lực lượng về phía Nga và không triển khai vũ khí tấn công.

Việc Ukraine mong muốn gia nhập NATO là một trong những vấn đề quan ngại của Nga. Cuối năm ngoái, Nga đã đưa ra một loạt đề xuất an ninh với Mỹ và NATO, trong đó có đề xuất NATO cam kết không mở rộng về phía đông, không kết nạp Ukraine. Nga coi đây là những vấn đề "sống còn" có thể tác động nghiêm trọng đến an ninh quốc gia.

Trong nỗ lực ngoại giao nhằm hạ nhiệt căng thẳng, Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 12/2 đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Nga Vladimir Putin. Một quan chức cấp cao của Mỹ cho biết, hai nhà lãnh đạo đã nhất trí tiếp tục đối thoại trong những ngày tới, song Washington lo ngại "Nga có thể vẫn quyết định hành động quân sự với Ukraine".

Theo thông cáo của Nhà Trắng, ông Biden đã nói rõ với ông Putin rằng, Mỹ tiếp tục theo đuổi con đường ngoại giao trên cơ sở hợp tác với các đồng minh và đối tác, song cũng sẵn sàng cho các kịch bản khác.

Phương Tây vẫn đang nỗ lực "ngoại giao con thoi" nhằm ngăn chặn một cuộc xung đột nổ ra. Thủ tướng Đức Olaf Scholz tuần này sẽ có chuyến thăm tới Kiev và Moscow để hội đàm với các nhà lãnh đạo Ukraine và Nga. Tuy nhiên, một quan chức Đức nhận định các cuộc gặp này sẽ không mang lại kết quả khả quan.

Ông Scholz dự kiến sẽ gặp ông Putin tại Moscow hôm 15/2, một tuần sau khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron có chuyến công du đến Nga. Ông Macron hy vọng tìm kiếm "giải pháp lịch sử" cho nguy cơ xung đột giữa Nga và Ukraine. Tuy nhiên, sau 5 giờ hội đàm, ông Macron không nhận được bất kỳ sự nhượng bộ công khai nào từ ông Putin. 

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky vẫn khẳng định chính phủ Ukraine "nhận thức được nguy cơ leo thang tình hình từ phía Nga, chuẩn bị cho bất kỳ diễn biến nào và thường xuyên tham vấn các đối tác quốc tế để giải quyết xung đột thông qua các biện pháp chính trị và ngoại giao". Tổng thống Zelensky nói thêm rằng các cuộc đàm phán đang được tiến hành ở cấp độ quốc tế để ngăn chặn xung đột leo thang.

Theo www.theguardian.com