1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Tổng thống Biden điều quân tới sát vách Nga

Thành Đạt

(Dân trí) - Tổng thống Joe Biden cho biết Mỹ sẽ sớm điều binh sĩ tới Đông Âu nhằm tăng cường sự hiện diện của NATO tại khu vực này.

Tổng thống Biden điều quân tới sát vách Nga - 1

Binh sĩ Mỹ, Romania tập trận chung năm 2017 (Ảnh: AP).

"Tôi sẽ điều quân đến Đông Âu và các nước NATO trong thời gian tới. Không quá nhiều", Tổng thống Joe Biden nói với các phóng viên tại Căn cứ Liên hợp Andrews khi trở về sau chuyến đi đến Pittsburgh hôm 28/1.

Trước đó, trong cuộc điện đàm với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hôm 27/1, Tổng thống Biden tái khẳng định Mỹ "sẵn sàng cùng với các đồng minh và đối tác phản ứng quyết đoán nếu Nga có hành động quân sự với Ukraine".

Lầu Năm Góc tuần này đã đặt 8.500 binh sĩ trong tình trạng báo động cao, sẵn sàng triển khai quân tới các quốc gia NATO ở Đông Âu.

Thông báo của ông Biden là tín hiệu cho thấy Mỹ sẽ đưa một lượng nhỏ binh sĩ tới đây. Phần lớn binh sĩ dự kiến sẽ tham gia lực lượng phản ứng nhanh của NATO ở Đông Âu.

Phát biểu tại cuộc họp hôm 28/1, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin nói rằng các binh sĩ Mỹ sẽ được điều động để "củng cố an ninh tại sườn phía đông của NATO", đồng thời nói thêm rằng động thái quân sự của Nga sẽ vấp phải phản ứng "thống nhất" từ liên minh do Mỹ dẫn đầu.

Mặc dù Ukraine không phải là thành viên của NATO, song Bộ trưởng Austin vẫn cảnh báo về việc đáp trả Nga trong trường hợp nước này có hành động quân sự với một thành viên của liên minh.

"Một cuộc tấn công nhằm vào một thành viên NATO là một cuộc tấn công chống lại tất cả chúng ta", ông Austin cảnh báo.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cho biết Tổng thống Biden "không có ý định đưa quân vào Ukraine để tham gia các hoạt động tác chiến".

Mỹ là một trong những đối tác viện trợ an ninh lớn cho Ukraine. Năm ngoái, Mỹ viện trợ an ninh hơn 650 triệu USD cho Ukraine và tổng cộng 2,7 tỷ USD kể từ năm 2014.

Ngày 25/1, một máy bay vận tải của Mỹ chở các tên lửa chống tăng Javelin, bệ phóng và một số khí tài khác đã đáp xuống sân bay ở thủ đô Kiev, Ukraine. Đây là đợt vận chuyển vũ khí thứ 3 trong vòng vài ngày trở lại đây trong gói hỗ trợ an ninh trị giá 200 triệu USD mà Mỹ dành cho Ukraine.

Mỹ và phương Tây cho rằng Nga đã điều động hơn 100.000 binh sĩ và khí tài đến khu vực gần biên giới Ukraine trong hai tháng qua. Tuy nhiên, Moscow khẳng định việc triển khai lực lượng trong phạm vi lãnh thổ là hoàn toàn bình thường và Nga không có ý định "động binh" với Ukraine.

Trái với những lời đe dọa và động thái chuẩn bị lực lượng của phương Tây, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho rằng, phương Tây đang thổi phồng nguy cơ xung đột quân sự giữa Ukraine và Nga, gây ra tình trạng "hoảng loạn" và gây bất ổn cho kinh tế nước này.

Nhà lãnh đạo Ukraine cho biết, trong các cuộc điện đàm với các nguyên thủ nước ngoài, như Tổng thống Mỹ Joe Biden, ông đã giải thích rằng mặc dù mối đe dọa từ Nga "liên tục và cận kề" nhưng người Ukraine đã học cách để sống chung với điều đó suốt 8 năm qua.

Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Hanna Malyar nhận định, lực lượng của Nga tập trung ở biên giới Ukraine "không đủ để thực hiện một chiến dịch quân sự toàn diện". Thay vào đó, phía Ukraine cho rằng Nga đang sử dụng việc tăng cường lực lượng "chủ yếu để gây sức ép chính trị với phương Tây và gây sức ép với Ukraine". 

Theo www.rt.com

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm