1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Tới Việt Nam dự thượng đỉnh, ông Kim Jong-un mang khát vọng về hiệp ước hòa bình

(Dân trí) - Giới phân tích nhận định điều mong mỏi nhất của nhà lãnh đạo Kim Jong-un khi tới Việt Nam gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump là một hiệp ước hòa bình chính thức chấm dứt chiến tranh Triều Tiên

Tới Việt Nam dự thượng đỉnh, ông Kim Jong-un mang khát vọng về hiệp ước hòa bình - 1

Ông Kim Jong-un ăn mừng khi vụ thử tên lửa đạn đạo liên lục địa Hwasong-14 diễn ra thành công vào ngày 3/7/2017.

 

Khi hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai sắp diễn ra tại Việt Nam, ngày càng có nhiều đồn đoán rằng Tổng thống Donald Trump có thể thuyết phục nhà lãnh đạo Kim Jong-un cam kết phi hạt nhân hóa. Đổi lại, ông chủ Nhà Trắng có thể trao cho ông Kim Jong-un điều mà nhà lãnh đạo Triều Tiên mong muốn nhất, đó là một hiệp ước hòa bình và chính thức chấm dứt chiến tranh Triều Tiên.

Một hiệp ước hòa bình có thể làm nên lịch sử. Điều này cũng phù hợp với lập trường phản đối “chiến tranh kéo dài” của Tổng thống Donald Trump. Hơn nữa, gần 70 năm sau khi chiến tranh Triều Tiên kết thúc, việc các bên đạt được một hiệp ước hòa bình cũng là điều cần thiết và phù hợp với xu thế. Tuy nhiên, nếu không hành động cẩn trọng, điều này có thể dẫn tới một loạt vấn đề mới với Washington.

Hãng thông tấn AP đã nêu ra những lý do để chứng minh rằng việc chuyển trọng tâm của các cuộc đàm phán hạt nhân giữa Mỹ và Triều Tiên từ phi hạt nhân hóa sang hiệp ước hòa bình là động thái “rủi ro” và tại sao nhà lãnh đạo Kim Jong-un thực sự muốn đạt được một hiệp ước hòa bình khi gặp Tổng thống Trump tại Hà Nội vào ngày 27-28/2.

Sự chia cắt

Tới Việt Nam dự thượng đỉnh, ông Kim Jong-un mang khát vọng về hiệp ước hòa bình - 2

Tướng Mỹ W. K. Harrison (trái), đại diện của Bộ Tư lệnh Liên Hợp Quốc và Tướng Triều Tiên Nam Il ký hiệp định đình chiến chấm dứt chiến tranh Triều Tiên tại Panmunjom vào tháng 7/1953. (Ảnh: Getty)

 

Sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, bán đảo Triều Tiên bị chia cắt tại vĩ tuyến 38. Mỹ và Liên Xô lần lượt thiết lập ảnh hưởng tại Hàn Quốc và Triều Tiên. Chỉ trong vòng 5 năm, hai miền Triều Tiên nổ ra chiến tranh.

Vào năm 1953, chiến tranh Triều Tiên kết thúc bằng một hiệp định đình chiến. Thực chất đây là một thỏa thuận ngừng bắn được ký bởi Triều Tiên, Trung Quốc và Bộ Tư lệnh Liên Hợp Quốc do Mỹ dẫn đầu gồm 17 quốc gia.

Theo kế hoạch, hiệp định đình chiến này sẽ được thay thế bằng một hiệp ước hòa bình. Tuy nhiên, cả Hàn Quốc và Triều Tiên sau đó đều lún sâu hơn vào bối cảnh “thù địch” của chiến tranh Lạnh. Trên danh nghĩa, cuộc xung đột tại bán đảo Triều Tiên là cuộc chiến kéo dài nhất của Mỹ cho đến nay.

Triều Tiên, quốc gia với hầu hết thành phố lớn và cơ sở hạ tầng bị máy bay ném bom Mỹ tàn phá trong chiến tranh, vẫn đổ lỗi cho sự thù địch dai dẳng của Mỹ trong hơn 70 năm qua là lý do khiến họ phải phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa tầm xa. Triều Tiên khẳng định chương trình vũ khí của nước này chỉ đơn thuần nhằm mục đích phòng vệ.

Trong khi đó, Mỹ vẫn duy trì hiện diện quân sự mạnh mẽ tại Hàn Quốc để đối phó với cái mà Washington gọi là ý đồ của Triều Tiên nhằm xâm chiếm và đồng hóa Hàn Quốc. Mỹ cũng theo đuổi chính sách tẩy chay Triều Tiên và ủng hộ các lệnh trừng phạt kinh tế nhằm vào Bình Nhưỡng.

Trong năm đầu nắm quyền, Tổng thống Trump đã tăng cường nỗ lực “bóp nghẹt” Triều Tiên bằng chiến lược “gây sức ép tối đa” mà cho đến nay vẫn còn hiệu lực. Sự kết hợp của chiến lược này với các vụ thử tên lửa, loại vũ khí có khả năng mang đầu đạn hạt nhân tấn công lục địa Mỹ, liên tiếp của Bình Nhưỡng đã đưa hai nước tới bàn đàm phán.

Mong muốn của Triều Tiên

Tới Việt Nam dự thượng đỉnh, ông Kim Jong-un mang khát vọng về hiệp ước hòa bình - 3

Nhà lãnh đạo Kim Jong-il nâng ly với  cựu Ngoại trưởng Mỹ Madeleine Albright vào ngày 24/10/2000. Cả hai đã thảo luận về việc chấm dứt chương trình tên lửa của Triều Tiên và chuyến thăm của Tổng thống Bill Clinton tới Triều Tiên, song chuyến thăm này không được thực hiện. (Ảnh: AFP)

 

Việc đạt được hiệp ước hòa bình chính thức luôn nằm ở vị trí ưu tiên trong danh sách những điều kỳ vọng của các thế hệ lãnh đạo Triều Tiên, bắt đầu từ cố lãnh đạo Kim Nhật Thành - ông nội nhà lãnh đạo Kim Jong-un.

Một hiệp ước hòa bình sẽ mang lại sự thừa nhận của cộng đồng quốc tế với Triều Tiên, ít nhất cũng góp phần nới lỏng các lệnh trừng phạt thương mại, thậm chí có thể dẫn tới việc giảm bớt số lượng binh sĩ Mỹ ở phía nam khu phi quân sự liên Triều.

Một hiệp ước hòa bình sẽ là “cú hích” lớn với danh tiếng của ông Kim Jong-un cả ở trong nước và trên trường quốc tế. Đây cũng là văn kiện mang ý nghĩa quan trọng với nền hòa bình trên bán đảo Triều Tiên đúng vào thời điểm Bình Nhưỡng đang tìm cách nâng cao mức sống của người dân và hiện đại hóa nền kinh tế bằng việc tập trung nhiều hơn vào khoa học và công nghệ.

Trong khi đó, Mỹ cũng giành được nhiều lợi ích. Tổng thống Trump từng nói ông hoan nghênh một đất nước Triều Tiên tập trung nhiều hơn vào tăng trưởng kinh tế và thương mại. Sự ổn định trên bán đảo Triều Tiên là tín hiệu tốt cho cả nền kinh tế Hàn Quốc lẫn Nhật Bản.

Sự khởi đầu

Tới Việt Nam dự thượng đỉnh, ông Kim Jong-un mang khát vọng về hiệp ước hòa bình - 4

Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un gặp nhau tại Singapore năm 2018. (Ảnh: Reuters)

 

Nếu muốn, Tổng thống Trump có thể đơn phương tuyên bố kết thúc chiến tranh Triều Tiên. Tuy vậy, động thái này thực sự không mang nhiều ý nghĩa.

Ông Trump không thể tự mình ký kết một hiệp ước hòa bình thực sự. Trung Quốc và có thể cả một đại diện của Bộ Tư lệnh Liên Hợp Quốc cũng phải tham gia vào việc ký kết hiệp ước hòa bình này. Hàn Quốc đương nhiên muốn ngồi vào bàn và đặt bút ký. Trong khi đó, Thượng viện Mỹ có thể sẽ xem xét phê chuẩn.

Kịch bản trên có thể xảy ra trong tương lai. Tuy nhiên, những gì từng xảy ra trong quá khứ đã đặt ra nhiều nghi vấn về một kết quả thực sự.

Năm 1993, chính quyền cựu Tổng thống Bill Clinton từng ký một thỏa thuận gây tiếng vang với Triều Tiên nhằm “đạt được hòa bình và an ninh trên bán đảo Triều Tiên phi hạt nhân hóa”.

Một năm sau đó, hai bên đã cam kết giảm bớt các hàng rào thương mại và đầu tư, mở một văn phòng liên lạc tại thủ đô của nhau và đạt được tiến triển trong việc nâng cấp quan hệ song phương lên cấp đại sứ. Đến năm 2000, cựu Tổng thống Clinton và cố lãnh đạo Kim Jong-il còn bổ sung thêm cam kết “về việc tôn trọng chủ quyền và không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau”.

Tuy nhiên đến năm 2002, cựu Tổng thống George W. Bush đã đưa bầu không khí thù địch quay trở lại khi xếp Triều Tiên vào nhóm “trục ma quỷ”. Năm 2006, Triều Tiên thử quả bom hạt nhân đầu tiên.

Theo AP, bài học rút ra là, dù cho các bên tuyên bố “đao to búa lớn” đến đâu, việc thiết lập một nền hòa bình thực sự sẽ đòi hỏi nhiều hơn một cuộc gặp thượng đỉnh đơn thuần của hai nhà lãnh đạo. Tuy nhiên, ít nhất cuộc gặp này cũng đánh dấu một sự khởi đầu.

Thành Đạt

Tổng hợp