1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Cuộc gặp thượng đỉnh tại Việt Nam có thể quyết định tương lai Mỹ - Triều

(Dân trí) - Hội nghị thượng đỉnh lần hai giữa Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un sắp tới tại Việt Nam được một số chuyên gia nhìn nhận với sự lạc quan, tuy nhiên đây cũng có thể là thời điểm mang tính quyết định.

Cuộc gặp thượng đỉnh tại Việt Nam có thể quyết định tương lai Mỹ - Triều - 1

Tổng thống Donald Trump gặp nhà lãnh đạo Kim Jong-un tại Singapore. (Ảnh: Getty)

 

Park In-hook, giám đốc Viện nghiên cứu cấp cao Chey, cho biết cuộc họp của cơ quan này về các vấn đề Trung Quốc, Mỹ và Hàn Quốc đã đặt trọng tâm vào cuộc gặp thượng đỉnh Trump - Kim, dự kiến diễn ra vào ngày 27-28/2, vì một số ý kiến lo ngại rằng “đây có thể là cơ hội cuối cùng” cho tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

Theo cựu đặc phái viên Mỹ về Triều Tiên Joseph Yun, cộng đồng quốc tế có quyền kỳ vọng vào kết quả của hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Hà Nội.

“Cuộc gặp đầu tiên (tại Singapore) đã thành công trong việc phá vỡ rào cản, do vậy cuộc gặp thứ hai phải cho thấy những kết quả. Có hai vấn đề cốt lõi, một là phi hạt nhân hóa và hai là xây dựng tiến trình hòa bình”, ông Yun nhận định

Theo cựu đặc phái viên về Triều Tiên, tại Mỹ vẫn tồn tại nỗi lo sợ rằng việc tham gia vào lộ trình hòa bình có thể dẫn tới việc Washington phải chấp nhận sự tồn tại của vũ khí hạt nhân tại Triều Tiên.

“Nhiều người tại Washington vẫn lo ngại về ý tưởng phi hạt nhân hóa thông qua con đường hòa bình, vì đối với hầu hết người Mỹ, điều đó dường như là sự thụt lùi. Họ cho rằng nên phi hạt nhân hóa trước, rồi sau đó mới hòa bình”, ông Yun cho biết thêm.

Gần đây, đặc phái viên Mỹ về Triều Tiên Stephen Biegun đã dành gần 3 ngày để tham gia các cuộc hội đàm với người đồng cấp Triều Tiên Kim Hyok Chol ở thủ đô Bình Nhưỡng. Mặc dù Biegun mô tả các cuộc thảo luận là “hiệu quả”, song ông cũng lưu ý rằng hai bên vẫn còn rất nhiều việc phải làm.

“Tổng thống Trump đã nói rõ với cả Triều Tiên và đội ngũ của chúng tôi rằng ông ấy kỳ vọng đạt được bước tiến đáng kể và có thể xác thực về việc phi hạt nhân hóa, những động thái rõ nét và thực tế từ hội nghị thượng đỉnh sắp tới”, ông Biegun nói.

Robert Einhorn, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện nghiên cứu Brookings, nhận định chính quyền Trump “ngày càng thực tế hơn” trong việc xác định những gì là cần thiết cho cuộc đàm phán nghiêm túc diễn ra ở Hà Nội.

“Chúng ta không thể biết liệu ông Kim Jong-un có thực sự từ bỏ vũ khí hạt nhân của ông ấy không”, ông Einhorn nói.

Nhà nghiên cứu Einhorn cũng “hoài nghi mạnh mẽ” rằng chính quyền Trump có thể nhận được một cam kết từ phía Triều Tiên về việc phi hạt nhân hóa hoàn toàn. Tuy nhiên ông Einhorn cũng cho rằng có một hướng đi khác, thay vì quay trở lại “chiến lược bóp nghẹt Triều Tiên về kinh tế, ngăn chặn các hành vi gây hấn của Triều Tiên và cuối cùng dẫn đến sự chuyển biến cơ bản hoặc sụp đổ”.

“Việc đàm phán một thỏa thuận tạm thời có thể giới hạn, hoặc làm suy giảm, năng lực tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên”, ông Einhorn nói.

Chuyên gia Einhorn tin rằng một thỏa thuận tạm thời sẽ cho phép Mỹ và Triều Tiên tiếp tục các cuộc đàm phán để đạt được mục tiêu phi hạt nhân hóa hoàn toàn mà không cần đặt ra thời hạn. Thỏa thuận này có thể có một số bất lợi, tuy nhiên có thể góp phần hạn chế tốc độ phát triển vũ khí của Triều Tiên, đồng thời mở ra các kênh liên lạc để tiến hành các biện pháp xây dựng lòng tin, từ đó giảm thiểu căng thẳng và tránh tính toán sai lầm.

Phi hạt nhân hóa từng phần

Mặc dù tâm lý chung trước thềm thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Việt Nam vẫn là sự lạc quan, song Zhang Fangming, chủ tịch Ủy ban chuyên môn thuộc Trung tâm Nghiên cứu chính sách đối ngoại tại Quỹ nghiên cứu chiến lược quốc tế Trung Quốc, cho rằng vẫn có khả năng hai bên tiếp tục “đình trệ” hoặc giữ nguyên hiện trạng.

Một kịch bản khác có thể kéo dài tình trạng bế tắc hiện thời liên quan tới phản ứng của quốc hội Mỹ với hội nghị thượng đỉnh sắp tới. Nếu quốc hội Mỹ vẫn đòi Triều Tiên phải từ bỏ chương trình hạt nhân trước hoặc đưa ra tuyên bố toàn diện rồi mới chấp nhận dỡ bỏ trừng phạt Bình Nhưỡng, đàm phán giữa hai bên có thể sẽ không đạt được kết quả khả quan.

Kim Sung-han, cựu thứ trưởng các vấn đề đối ngoại và thương mại của Hàn Quốc, cho rằng Tổng thống Trump có thể đồng ý với một phần phương án nào đó mà Mỹ cho là ổn thỏa để đổi lấy việc nới lỏng trừng phạt Triều Tiên.

“Tổng thống Trump có thể chỉ chọn một phần trong vấn đề hạt nhân của Triều Tiên, chẳng hạn tên lửa đạn đạo liên lục địa, vì đây là vũ khí đe dọa lớn nhất tới sự an toàn của người dân Mỹ”, ông Kim nhận định.

Việc chấp nhận phi hạt nhân hóa một phần được cho là phương án khả thi ở thời điểm hiện tại khi nhiều chuyên gia cho rằng chính quyền Triều Tiên sẽ không thể đồng ý với phương án từ bỏ hoàn toàn năng lực hạt nhân, đặc biệt trong bối cảnh an ninh hiện nay.

Bình Nhưỡng đã chi hàng tỷ USD trong vòng hơn 1/4 thế kỷ để nghiên cứu, phát triển, chế tạo và nâng cấp các tên lửa đạn đạo và hạt nhân, trong khi chấp nhận bỏ lại mục tiêu phát triển kinh tế. Hơn nữa, xét đến vị trí yếu thế hơn của Triều Tiên so với những những nước láng giềng giàu có và hùng mạnh về quân sự, ông Kim Jong-un có lý do để không đồng ý phi hạt nhân hóa hoàn toàn vào lúc này.

Theo Giáo sư Kim Joonhyung tại Đại học Handong toàn cầu, cả ông Kim Jong-un và ông Donald Trump đều nhận thức được những lời chỉ trích. Giáo sư Kim cho rằng cuộc gặp thượng đỉnh tại Việt Nam sẽ là thời khắc quyết định.

“Nếu hội nghị thượng đỉnh lần này thất bại, tôi không nghĩ là sẽ có các cuộc gặp trong tương lai giữa hai nhà lãnh đạo”, ông Kim nói.

Theo Giáo sư Kim, câu hỏi lớn được đặt ra cho hội nghị thượng đỉnh sắp tới là: “Tổng thống Trump sẵn sàng nới lỏng trừng phạt ở mức nào để đổi lấy việc phi hạt nhân hóa một phần”.

Các chuyên gia cho rằng cuộc gặp Trump - Kim lần hai tại Việt Nam chỉ có thể gặt hái được thành công nếu tổng thống Mỹ giảm bớt sự tập trung vào việc giải giáp kho vũ khí hạt nhân của Triều Tiên. Thay vào đó, ông chủ Nhà Trắng nên đặt trọng tâm vào việc thiết lập môi trường an ninh và cơ chế hòa bình trên bán đảo Triều Tiên.

Thực tế, chỉ cần Tổng thống Trump rời Việt Nam với một cam kết chung về việc lật sang trang sử mới sau 70 năm thù địch với Triều Tiên, ông đã làm được điều mà những người tiền nhiệm chưa bao giờ làm được.

Thành Đạt

Theo Fox News, VOA