Tính toán kỹ lưỡng của ông Putin khi công nhận 2 vùng ly khai Ukraine
(Dân trí) - Quyết định công nhận độc lập của 2 vùng lãnh thổ ly khai tại Đông Ukraine được cho là nằm trong tính toán của Tổng thống Nga Vladimir Putin sau nhiều tháng đưa quân tới gần biên giới nước láng giềng.
Tổng thống Vladimir Putin ngày 21/2 khiến phương Tây "dậy sóng" khi ký sắc lệnh công nhận độc lập của 2 vùng ly khai Donetsk và Lugansk tại Đông Ukraine. Nhà lãnh đạo Nga còn lệnh cho Bộ Quốc phòng đưa lực lượng gìn giữ hòa bình tới 2 khu vực ly khai này, đồng thời ký hiệp ước cho phép Nga xây dựng căn cứ quân sự tại đây.
Sau nhiều tháng triển khai hàng nghìn binh sĩ và khí tài quân sự áp sát biên giới Ukraine khiến phương Tây lo ngại, Nga đến nay vẫn phủ nhận cáo buộc cho rằng nước này đang chuẩn bị cho bất kỳ kế hoạch tấn công nào. Tổng thống Putin cũng khẳng định Nga không tính đến việc sáp nhập khu vực Đông Ukraine.
Tuy nhiên, sắc lệnh công nhận độc lập của 2 vùng ly khai là động thái mới nhất trong chiến dịch kéo dài 20 năm của Tổng thống Putin nhằm khôi phục tầm ảnh hưởng của Nga đối với các nước láng giềng thuộc Liên Xô cũ và ngăn họ thiết lập quan hệ chặt chẽ hơn với phương Tây, theo Bloomberg.
Hai khu vực ly khai Donetsk và Lugansk, được gọi chung là vùng Donbass, đã tách khỏi sự kiểm soát của chính phủ Ukraine vào năm 2014 và tự xưng là "các nước cộng hòa nhân dân" độc lập. Trước khi Nga ký sắc lệnh, không quốc gia nào công nhận độc lập của Donetsk và Lugansk.
Kể từ đó, khoảng 15.000 người đã thiệt mạng và hơn 1,4 triệu người mất nhà cửa trong các cuộc giao tranh giữa quân đội chính phủ Ukraine và lực lượng ly khai. Nga phủ nhận là một bên trong cuộc xung đột tại Đông Ukraine, nhưng Ukraine cáo buộc Moscow đã hậu thuẫn cho phe ly khai bằng nhiều cách, bao gồm hỗ trợ quân sự, viện trợ tài chính, cung cấp vaccine Covid-19 và cấp ít nhất 800.000 hộ chiếu Nga cho người dân ở đây.
Với sắc lệnh của Tổng thống Putin, đây là lần đầu tiên Nga tuyên bố không coi Donbass là một phần của Ukraine. Điều đó có thể mở đường cho Moscow công khai đưa lực lượng quân sự vào các khu vực ly khai với lập luận rằng họ đang can thiệp như một đồng minh để bảo vệ khu vực này.
Thỏa thuận được ký giữa Tổng thống Putin và lãnh đạo phe ly khai tại Đông Ukraine cho phép các bên có quyền "xây dựng, sử dụng và cải thiện hạ tầng, căn cứ quân sự" trên lãnh thổ của nhau. Ngoài ra, thỏa thuận cấm các bên "tham gia vào bất kỳ khối hoặc liên minh nào chống lại bên còn lại" và sẽ không cho phép lãnh thổ của họ được sử dụng để phát động các cuộc tấn công chống lại nhau.
Alexander Borodai, một thành viên của quốc hội Nga và là cựu lãnh đạo chính trị Donetsk, nói với Reuters vào tháng trước rằng, phe ly khai sau đó sẽ tìm đến Nga để giúp họ giành quyền kiểm soát hoàn toàn các khu vực Donetsk và Lugansk vẫn nằm dưới sự kiểm soát của Ukraine. Tuy nhiên, nếu Nga đưa quân vào Ukraine, điều đó có thể dẫn tới xung đột quân sự giữa 2 nước láng giềng.
Ngăn Ukraine gia nhập NATO
Việc Nga công nhận độc lập của 2 khu vực ly khai tại Ukraine đã tác động tiêu cực tới thỏa thuận hòa bình Minsk được công bố vào năm 2014-2015. Bộ Tứ Normandy, gồm Nga, Ukraine, Pháp và Đức đã ký thỏa thuận Minsk nhằm chấm dứt chiến sự đẫm máu ở miền Đông Ukraine. Tuy nhiên, suốt 8 năm qua, thỏa thuận này vẫn không được thực hiện đầy đủ do các bên vẫn vi phạm lệnh ngừng bắn. Mặc dù vậy, cho đến nay, tất cả các bên, bao gồm Moscow, đều coi thỏa thuận này là cơ hội tốt nhất để tìm kiếm giải pháp cho cuộc khủng hoảng Ukraine.
Trước khi công nhận Donbass, Nga từng công nhận nền độc lập của Abkhazia và Nam Ossetia, 2 khu vực ly khai ở Gruzia, sau khi xảy ra một cuộc xung đột ngắn với Gruzia vào năm 2008. Nga đã cung cấp cho các khu vực này sự hỗ trợ ngân sách rộng rãi, cấp quốc tịch Nga cho người dân và đồn trú hàng nghìn quân tại đây.
Trong trường hợp của Gruzia, Nga đã sử dụng việc công nhận độc lập các khu vực ly khai để lý giải cho sự hiện diện quân sự của Nga ở các nước thuộc Liên Xô cũ. Nga cũng muốn dập tắt "giấc mộng" gia nhập NATO của Gruzia bằng cách không để nước này kiểm soát toàn bộ lãnh thổ. Những tính toán tương tự cũng sẽ được Nga áp dụng đối với Ukraine hiện nay.
Việc Ukraine mong muốn gia nhập NATO là một trong những vấn đề quan ngại của Nga. Cuối năm ngoái, Nga đã đưa ra một loạt đề xuất an ninh với Mỹ và NATO, trong đó có đề xuất NATO cam kết không mở rộng về phía đông, không kết nạp Ukraine. Nga coi đây là vấn đề "sống còn" có thể tác động nghiêm trọng đến an ninh quốc gia và là "lằn ranh đỏ" không được phép vượt qua. Tổng thống Putin từng nói rằng, việc Ukraine xích lại gần NATO có thể khiến lãnh thổ nước này trở thành "bệ phóng" cho các tên lửa của NATO nhằm vào Nga.
Dưới thời Tổng thống Volodymyr Zelensky, Ukraine có xu hướng xích lại gần phương Tây để có được sự hỗ trợ kinh tế và vị thế địa chính trị, đặc biệt sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea vào năm 2014. Việc Nga công nhận độc lập của Donetsk và Lugansk có thể càng khiến Ukraine ngả về phương Tây nhiều hơn.
Giới phân tích phương Tây cho rằng, Nga không chỉ đang tìm cách ngăn Ukraine gia nhập NATO mà còn muốn tách quốc gia láng giềng khỏi quỹ đạo ảnh hưởng của phương Tây. Maximilian Hess, học giả tại Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại (Mỹ), nhận định "tư cách thành viên trong NATO có ý nghĩa biểu tượng đặc biệt và Nga sẽ không chấp nhận việc phương Tây mở rộng sự ủng hộ quân sự đáng kể cho Ukraine".
Cùng ngày ký sắc lệnh "gây bão", Tổng thống Putin cho biết nếu Ukraine gia nhập NATO, mối đe dọa mà Nga phải đối mặt sẽ tăng lên "gấp nhiều lần".
"Sau khi Mỹ rút khỏi hiệp ước về tên lửa tầm ngắn và tầm trung, Lầu Năm Góc đang công khai phát triển một loạt vũ khí tấn công trên mặt đất, bao gồm tên lửa đạn đạo có khả năng tiếp cận mục tiêu ở khoảng cách lên đến 5.500 km. Nếu các hệ thống này được triển khai ở Ukraine, chúng có thể tấn công các mục tiêu trên toàn bộ phần lãnh thổ thuộc châu Âu của Nga. Tên lửa Tomahawk sẽ tới Moscow trong 35 phút, tên lửa đạn đạo từ Kharkov sẽ tới trong 7-8 phút và chỉ mất 4-5 phút để các vũ khí tấn công siêu âm thực hiện điều này. Nó giống như dao kề vào cổ. Tôi không nghi ngờ gì về việc họ muốn thực hiện những kế hoạch này", ông Putin cảnh báo.
Với việc ký sắc lệnh công nhận độc lập, Nga muốn Donetsk và Lugansk giành được quyền tự chủ, từ đó cho phép 2 thiết chế chính trị này có quyền phủ quyết hiệu quả đối với những thay đổi lớn trong định hướng chính sách của Ukraine, bao gồm việc gia nhập NATO hay xích lại gần phương Tây. Đây sẽ là "cơn đau đầu" với Tổng thống Ukraine, người tuyên bố "không sợ bất cứ ai, không mắc nợ ai và không cho ai bất cứ thứ gì" sau sắc lệnh của ông Putin.