1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Tiết lộ về mạng lưới "thợ săn hỏa thần" của tình báo Nga tại Ukraine

Tùng Nguyễn

(Dân trí) - Giới chức tình báo Đức cáo buộc Nga đang tổ chức một mạng lưới "thợ săn hỏa thần" rộng khắp nhằm nhanh chóng phát hiện vị trí của pháo phản lực phóng loạt HIMARS tại Ukraine.

Tiết lộ về mạng lưới thợ săn hỏa thần của tình báo Nga tại Ukraine - 1
Pháo phản lực HIMARS của quân đội Ukraine chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu trên một con đường cao tốc (Ảnh: Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Ukraine).

Nhà chức trách Đức đã công bố việc phát hiện một mạng lưới đặc vụ Nga khi đang nỗ lực thâm nhập vào các cơ quan tình báo của quốc gia này với nhiệm vụ tìm kiếm thông tin về vị trí của các hệ thống vũ khí hiện đại do Mỹ và phương Tây gửi cho quân đội Ukraine.

Theo đó, ít nhất 2 người Đức đã bị bắt giữ vào cuối năm ngoái và đầu năm nay với cáo buộc tìm kiếm và chuyển giao thông tin về tọa độ của các tổ hợp pháo phản lực phóng loạt HIMARS cùng tên lửa Iris-T tại Ukraine cho các cơ quan tình báo Nga.

Đây được xem là một phần trong mạng lưới "thợ săn hỏa thần" mà Nga đang triển khai trên toàn châu Âu nhằm tìm cách phá hủy pháo phản lực phóng loạt HIMARS, một trong những loại vũ khí uy lực nhất mà Ukraine đang sở hữu.

Trước đó, vào cuối tháng 8/2022, Cục An ninh Ukraine (SSU) cho biết các đặc vụ thuộc lực lượng này đã bắt giữ một điệp viên làm việc cho Cơ quan tình báo quân đội Nga (GRU) tại vùng Mykolaiv.

Theo SSU, người vừa bị bắt đã được tuyển dụng bởi GRU nhằm thu thập tin tức tình báo quân sự, đặc biệt là vị trí của các pháo phản lực phóng loạt HIMARS. Những thông tin thu được sau đó sẽ được chuyển cho đầu mối tình báo của Nga và được sử dụng làm cơ sở để quân đội Nga thực hiện các vụ tấn công bằng tên lửa chính xác nhằm vào các tổ hợp vũ khí tầm xa lợi hại do Mỹ viện trợ cho Ukraine.

Bộ Quốc phòng Nga hiện chưa lên tiếng bình luận về những cáo buộc trên.

HIMARS là tổ hợp pháo phản lực cơ động cao do Mỹ cung cấp cho Ukraine. Tổ hợp này có tầm bắn khoảng 80km đối với đạn pháo thông thường và có thể lên tới 300km với tên lửa chiến thuật. Sau khi được trang bị HIMARS, quân đội Ukraine đã liên tục tổ chức các cuộc tấn công nhằm vào tuyến đường tiếp vận của Nga ở miền Nam, qua đó cô lập lực lượng phòng thủ thân Moscow trong khu vực.

Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksiy Reznikov cho biết HIMARS đang cho thấy hiệu quả lớn trong việc tăng cường năng lực của Ukraine đối phó với Nga. Tuy nhiên, ông cũng nói rằng Ukraine cần khoảng 50 tổ hợp như vậy để xoay chuyển cục diện chiến trường.

Nga nhiều lần tuyên bố phá hủy hệ thống HIMARS do phương Tây cấp cho Ukraine, song cả Ukraine và Mỹ đều lên tiếng bác bỏ. Các quan chức Mỹ khẳng định không có hệ thống HIMARS nào do nước này gửi đến Ukraine bị phá hủy. Trong khi đó, chính phủ Kiev cáo buộc Moscow lan truyền "thông tin sai lệch" để ngăn cản phương Tây gửi thêm vũ khí cho Ukraine.

Tiết lộ về mạng lưới thợ săn hỏa thần của tình báo Nga tại Ukraine - 2
Hệ thống pháo phản lực phóng loạt Tornado-S của Nga (Ảnh: Eurasian Times).

Ở một động thái khác, nhân sự kiện triển lãm quốc phòng quốc tế IDEX 2023 đang được tổ chức tại thành phố Abu Dhabi của UAE, tập đoàn công nghiệp quốc phòng Rostec của Nga đã trưng bày tổ hợp pháo phản lực phóng loạt Tordano-S. Với khả năng phóng 12 quả rocket dẫn đường bằng GLONASS kích cỡ 300mm ở khoảng cách tối đa 120km với độ chính xác cao, loại vũ khí này được kỳ vọng sẽ trở thành "khắc tinh" của HIMARS tại chiến trường Ukraine.

Theo Eurasiantimes
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine