Tiêm kích Ukraine khai hỏa tên lửa sát thủ phòng không do Mỹ viện trợ
(Dân trí) - Ukraine đăng đoạn video ghi lại khoảnh khắc tiêm kích MiG-29 của nước này bắn tên lửa chống radar AGM-88 HARM do Mỹ viện trợ.
Ngày 30/8, không quân Ukraine chia sẻ trên mạng xã hội đoạn video được quay từ camera hành trình gắn trên mũ bảo hiểm của phi công cho thấy khoảnh khắc tiêm kích MiG-29 bắn ra các tên lửa AGM-88.
Hồi đầu tháng, ông Colin Kahl, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ phụ trách vấn đề chính sách, cho hay Mỹ đã gửi một số tên lửa chống radar giúp không quân Ukraine đối phó với các hệ thống radar của Nga. Tuy nhiên, ông không nêu cụ thể loại tên lửa là gì. Một quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ tiết lộ với AFP rằng, đó chính là các tên lửa chống radar tốc độ cao AGM-88.
Hiện chưa rõ cách thức mà Ukraine trang bị tên lửa AGM-88 do Mỹ sản xuất lên một tiêm kích có từ thời Liên Xô như MiG-29. Tuy nhiên, sự kết hợp này được xem là có thể sẽ khiến phía Nga phải cân nhắc kỹ lưỡng trước khi kích hoạt các radar hoạt động.
AGM-88 là sản phẩm của tập đoàn chế tạo Raytheon. Nó có tầm bắn khoảng 50km, do vậy, đây là một trong những vũ khí tầm xa mà Mỹ viện trợ cho Ukraine. Tên lửa này có thể nhắm vào các hệ thống trinh sát pháo binh hay radar phòng không của Nga thuộc các tổ hợp như S-300, S-400.
Radar là một thiết bị quan trọng trên chiến trường với Nga. Hệ thống "mắt thần" này sẽ giúp Nga quét ra được trực thăng, tiêm kích Ukraine. Ngoài ra, Nga cũng triển khai hệ thống radar phản pháo uy lực để truy tìm hệ thống hỏa lực của Ukraine nhằm tung đòn đáp trả sau khi bị phía Kiev tấn công.
AGM-88 HARM được Không quân và Hải quân Mỹ đưa vào biên chế từ năm 1985. Nó có khả năng nhắm mục tiêu vào các radar tần số cao, và được xem là vũ khí chủ lực của Mỹ trong thế trận áp chế phòng không đối phương.
Tên lửa chống radar không phải là một loại vũ khí có khả năng công phá quá uy lực, tuy nhiên nếu được triển khai hợp lý, nó có thể trở nên rất hữu dụng. Nếu AGM-88 được phóng đi trước khi một cuộc không kích, nó có thể phá hủy, vô hiệu phòng không đối thủ, mở đường cho các tiêm kích đồng đội tiến vào chiến trường.
Mặt khác, tên lửa chống radar có thể được xem là một vũ khí tâm lý chiến. Các tên lửa này có thể không vô hiệu hoàn toàn radar đối thủ, nhưng khiến đối phương lo ngại và sẽ chỉ kích hoạt có chọn lọc radar, dẫn tới hiệu quả tác chiến giảm sút.