1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Sát thủ phòng không AGM-88 giúp Ukraine phá hủy radar tối tân của Nga

Tùng Nguyễn

(Dân trí) - Quân đội Ukraine tuyên bố phá hủy hệ thống radar Nebo-M tối tân của Nga bằng tên lửa AGM-88 do Mỹ viện trợ.

Sát thủ phòng không AGM-88 giúp Ukraine phá hủy radar tối tân của Nga - 1
Hệ thống radar tối tân có khả năng phát hiện máy bay tàng hình Nebo-M của quân đội Nga (Ảnh: Wikipedia).

Trong một thông báo vào tối 21/8, Bộ Tư lệnh tác chiến phía Nam thuộc quân đội Ukraine tuyên bố lực lượng này đã thực hiện nhiều đợt tấn công nhằm vào các mục tiêu quân sự của Nga.

Kết quả của các vụ tấn công trên là việc loại khỏi vòng chiến đấu 20 binh sĩ, 2 tổ hợp pháo tự hành Giatsint-S và Msta-S, 2 hệ thống tên lửa phòng không S-300, 2 súng cối cỡ nòng 120mm cùng 3 xe bọc thép của quân đội Nga.

Đặc biệt, quân đội Ukraine đã sử dụng tên lửa chống bức xạ AGM-88 do Mỹ viện trợ để phá hủy một đài radar cảnh giới Nebo-M tối tân của quân đội Nga.

Nebo-M là một radar được tích hợp công nghệ hiện đại và được cho là có thể phát hiện các máy bay tàng hình như F-22 Raptor và F-35 Lightning II của Mỹ. Radar này có khả năng nhận diện và bám sát máy bay và tên lửa đạn đạo của đối phương từ khoảng cách 1000km. Các mục tiêu trên không và siêu thanh được phát hiện ở cự ly 600km, gấp 2 lần tầm bắn của các thế hệ trước.

Các kỹ sư Nga đã thiết kế radar Nebo-M để có thể tích hợp và dẫn bắn cho các hệ thống phòng không Pantsir, S-300 và S-400 của quân đội Nga. Với khả năng tác chiến và cơ động vượt trội, các radar này đã được chuyển giao cho lực lượng phòng không ở bán đảo Crimea từ năm 2018.

Sát thủ phòng không AGM-88 giúp Ukraine phá hủy radar tối tân của Nga - 2
Tên lửa chống bức xạ tốc độ cao AGM-88 (Ảnh: The Drive).

Trước đó, giới thạo tin khẳng định Mỹ đã chuyển giao nhiều tên lửa AGM-88 cho Ukraine. AGM-88 là tên lửa chống bức xạ tốc độ cao được Không quân và Hải quân Mỹ đưa vào biên chế từ năm 1985. AGM-88 có khả năng nhắm mục tiêu vào các radar tần số cao và được xem là vũ khí chủ lực của Mỹ trong thế trận áp chế phòng không đối phương.

AGM-88 được nhận định là có thể tác động tới cục diện chiến sự tại Ukraine trong thời gian tới. Nga trong giai đoạn 2 của cuộc xung đột đã triển khai mạng lưới phòng không dày đặc ở vùng Donbass và khu vực miền Nam nhằm tăng cường khả năng đánh chặn tên lửa cũng như hệ thống máy bay không người lái của Ukraine.

Với một tên lửa có khả năng áp chế hệ thống phòng không đối phương như AGM-88, Ukraine có thể nhắm mục tiêu vào các lá chắn thép của Nga trên chiến trường. Theo Kyiv Post, các tên lửa chống bức xạ của Mỹ được cho là có liên quan đến việc phá hủy ít nhất 5 hệ thống pháo phòng không của Nga, cùng 4 hệ thống tên lửa đất đối không tầm xa S-300 và một hệ thống tên lửa Pantsir-S1.

Theo Defense Express
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm