1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Việt Nam: Cơ hội giúp ông Trump “ghi điểm”

(Dân trí) - Cuộc gặp với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Việt Nam có thể mở ra cơ hội cho Tổng thống Donald Trump để ông chủ Nhà Trắng ghi thêm dấu ấn trong bảng thành tích ngoại giao của mình trước khi tái tranh cử vào năm 2020.

Thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Việt Nam: Cơ hội giúp ông Trump “ghi điểm” - 1

Tổng thống Donald Trump gặp nhà lãnh đạo Kim Jong-un tại Singapore năm 2018 (Ảnh: Reuters)

 

Tổng thống Donald Trump vừa trải qua liên tiếp “sóng gió” trong những tháng gần đây khi bước sang nửa sau nhiệm kỳ tại Nhà Trắng. Đảng Cộng hòa của ông đã thất bại trước đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử giữa kỳ giành vị trí kiểm soát Hạ viện. Chính phủ của ông cũng phải đóng cửa trong khoảng thời gian lâu nhất trong lịch sử vì những tranh cãi liên quan tới kế hoạch xây tường biên giới với Mexico. Cuộc chiến thương mại với Trung Quốc vẫn chưa đến hồi kết.

Đối mặt với những câu chuyện lùm xùm trong nước, Tổng thống Trump hy vọng những kỹ năng đàm phán có thể giúp ông giành được những kết quả tốt hơn ở một nơi cách nước Mỹ khoảng 13.000km khi ông chủ Nhà Trắng gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Việt Nam vào cuối tháng này.

Tổng thống Trump sẽ công du tới Hà Nội để gặp nhà lãnh đạo Kim Jong-un lần thứ hai nhằm thảo luận về việc liệu Triều Tiên có sẵn sàng từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân của nước này để đổi lấy việc chấm dứt sự cô lập về kinh tế hay không.

Hoài nghi về kết quả thượng đỉnh

Thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Việt Nam: Cơ hội giúp ông Trump “ghi điểm” - 2

Hai phái đoàn Mỹ - Triều họp tại Singapore. (Ảnh: Reuters)

 

Những người hoài nghi nhận định chuyến đi của Tổng thống Trump là điều vô ích. Tuy nhiên, ngay cả những tiếng nói chỉ trích mạnh mẽ chính sách đối ngoại của Tổng thống Trump cũng cho rằng đối với ông chủ Nhà Trắng, việc thương thuyết với nhà lãnh đạo Kim Jong-un có lẽ còn dễ dàng hơn so với một chính trị gia lão luyện như Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi.

Ít nhất, hội nghị thượng đỉnh tại Hà Nội cũng mở ra cho ông Trump cơ hội để thoát khỏi bối cảnh chính trị rối ren sau cuộc bầu cử giữa kỳ hồi tháng 11/2018, theo trang tin Politico.

“Rất nhiều điều tích cực đang diễn ra. Chúng tôi đang chuẩn bị cho một hội nghị thượng đỉnh. Đây sẽ là một sự kiện rất thành công”, Tổng thống Trump phát biểu trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng hôm 15/2.

Nếu diễn ra đúng như kỳ vọng của Tổng thống Trump, hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần này có thể là bước tiến cho thành tựu ngoại giao mang tính lịch sử - một điểm nhấn trọng tâm cho chiến dịch tái tranh cử của ông Trump trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2020. Tuy vậy nếu thất bại, đây có thể là bước thụt lùi nguy hiểm cho ông chủ Nhà Trắng.

Theo Eric Edelman, cựu quan chức cấp cao tại Lầu Năm Góc dưới thời cựu Tổng thống George W. Bush, nếu cuộc gặp thượng đỉnh lần hai giữa Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un không mang lại những kết quả thực chất hơn so với những gì mọi người từng thấy, những “câu thần chú” mà ông Trump thường nói như “Mình tôi có thể giải quyết được vấn đề” hay “Tôi là nhà đàm phán giỏi nhất mọi thời đại” sẽ không còn tác dụng.

“Phe Dân chủ có thể nói rằng ông ấy bỏ rơi bạn bè, xích lại gần đối thủ và không thể đàm phán nổi một vấn đề gì, chứ đừng nói đến “Nghệ thuật đàm phán””, Eric Edelman nói, nhắc tới cuốn sách mà Tổng thống Trump từng viết.

“Nhưng nếu ông Trump đảm bảo được sự nhượng bộ thực sự từ phía ông Kim Jong-un, tổng thống có thể phô ra bằng chứng phù hợp để chứng minh rằng phương pháp của ông có thể khác thường, nhưng rốt cuộc ông vẫn đạt được kết quả”, Eric Edelman nói thêm.

Các đồng minh của ông Trump thừa nhận rằng việc đóng cửa chính phủ là một thất bại của tổng thống. Tuy nhiên họ phủ nhận việc công chúng bất mãn với ông chủ Nhà Trắng, lấy dẫn chứng về tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Trump do Gallup công bố tăng từ 37% trong thời gian chính phủ đóng cửa lên 44% trong tuần trước, tức chỉ ít hơn 2% so với thời điểm ông đắc cử tổng thống.

Kỳ vọng thành công

Thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Việt Nam: Cơ hội giúp ông Trump “ghi điểm” - 3

Tổng thống Trump công bố tuyên bố chung ký với nhà lãnh đạo Kim Jong-un tại Singapore. (Ảnh: AFP)

 

Những người ủng hộ Tổng thống Trump cho biết họ nhìn nhận hội nghị thượng đỉnh tại Hà Nội dựa trên các giá trị về an ninh quốc gia và coi đây là phép thử để xem Mỹ có thể thuyết phục Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân mà nước này đã phải đánh đổi bằng hàng chục năm sống trong cảnh nghèo nàn và cô lập hay không.

Hầu hết người Mỹ đều không chú ý tới các chi tiết của chính sách ngoại giao hạt nhân. Họ muốn nhìn thấy thành công mang tính đột phá hơn là tình trạng bế tắc kéo dài.

Những người hoài nghi từ lâu đã ngờ vực khả năng của Tổng thống Trump trong việc thuyết phục nhà lãnh đạo Kim Jong-un từ bỏ kho vũ khí hạt nhân. Họ cho rằng ông Kim chỉ đang tìm cách lợi dụng sự ngây thơ “hão huyền” của ông Trump, bao gồm việc gửi cho ông chủ Nhà Trắng những bức thư mà ông Trump vẫn thường tự hào khoe với các vị khách tới thăm Phòng Bầu Dục.

Những ý kiến chỉ trích cũng chỉ ra rằng cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Singapore năm ngoái chỉ là màn phô trương trên truyền thông, chứ không phải cuộc trao đổi ngoại giao đúng mực, và kết quả của sự kiện này cũng chỉ là một tuyên bố mơ hồ với những mục tiêu chung.

Trong khi Tổng thống Trump tuyên bố cuộc gặp thượng đỉnh với ông Kim Jong-un là một thành công chưa từng có, chính quyền Mỹ đã “vỡ mộng” khi Triều Tiên thẳng thừng từ chối đề xuất của Washington về lộ trình phi hạt nhân hóa “hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo chiều”. Tuy nhiên, ít nhất một quan chức hàng đầu về chiến lược hạt nhân đã thừa nhận rằng Tổng thống Trump đã tình cờ góp phần giải quyết một trong những vấn đề quốc tế gai góc và nguy hiểm nhất trong nhiều thế hệ.

“Đây không phải chính sách ngoại giao thông thường. Nhưng ông ấy cũng không phải là một tổng thống bình thường. Có lẽ ông ấy đã có những ý tưởng sáng tạo. Ông ấy giao tiếp với nhà lãnh đạo trẻ tuổi (Kim Jong-un) theo cách để ông ấy có thể thấu hiểu, thay vì lên lớp”, Graham Allison, chiến lược gia hạt nhân tại Đại học Harvard, nhận định.

Những người lạc quan đã chỉ ra một dấu hiệu gần đây cho thấy kịch bản khả quan của quan hệ Mỹ - Triều, đó là đặc phái viên của Tổng thống Trump về Triều Tiên, ông Stephen Biegun, đã bắt đầu đạt được những kết quả tích cực sau khoảng thời gian chật vật đàm phán với các đối tác Triều Tiên từ khi ông này được bổ nhiệm vào tháng 8 năm ngoái.

Trong bài phát biểu tại Đại học Stanford hồi tháng trước, ông Biegun thông báo rằng Triều Tiên đã có những bước đi ban đầu trong việc dỡ bỏ hai cơ sở dùng làm nơi thử nghiệm hạt nhân và tên lửa, đồng thời cam kết phá hủy các cơ sở làm giàu plutonium và uranium.

Giới chức Mỹ cho biết họ kỳ vọng có thể rời cuộc gặp thượng đỉnh Trump - Kim tại Hà Nội với lộ trình phi hạt nhân hóa của Triều Tiên, trong đó vạch ra những bước đi mà mỗi bên có thể cam kết thực hiện để đạt được mục tiêu phi hạt nhân hóa. Trong khi đó, trong cuộc họp báo vào cuối tuần trước, ông Trump dường như đang đặt kỳ vọng cao nhất vào cuộc gặp với nhà lãnh đạo Triều Tiên.

Tổng thống Trump thậm chí còn nói Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã đề cử ông cho giải Nobel Hòa bình vì những nỗ lực trong việc giải trừ vũ khí hạt nhân. Dù có được trao giải hay không, Tổng thống Trump có lẽ vẫn tự hào nhận mình là một người kiến tạo hòa bình.

Thành Đạt

Theo Politico