Thách thức với ông Trump tại hội nghị lần hai với ông Kim Jong-un
(Dân trí) - Giới quan sát cho rằng, Tổng thống Mỹ Donald Trump phải chịu sức ép lớn hơn so với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un khi họ gặp thượng đỉnh lần hai tại Việt Nam vào cuối tháng này.
Trong khi nhiều chuyên gia chỉ trích thỏa thuận đạt được tại hội nghị Mỹ-Triều lần thứ nhất tại Singapore hồi tháng 6 năm ngoái là mơ hồ và thiếu tính ràng buộc, số khác lại cho rằng đó là bước cần thiết để hướng tới quan hệ hợp tác giữa hai quốc gia vốn có chính sách đối đầu nhau suốt nhiều thập niên.
Hội nghị thượng đỉnh lần hai giữa Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 27-28/2 tới tại Hà Nội (Việt Nam). Tại hội nghị này, Tổng thống Trump được cho là sẽ hối thúc Triều Tiên thực hiện các bước giải trừ hạt nhân có thể kiểm chứng, trong khi ưu tiên hàng đầu của ông Kim Jong-un là sự nhượng bộ của Mỹ để dỡ bỏ trừng phạt với Bình Nhưỡng.
Cả hai nhà lãnh đạo đều đang phải đối mặt với sức ép không hề nhỏ trước hội nghị thượng đỉnh. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, ông Trump dường như sẽ phải chịu áp lực lớn hơn.
Nhất cử nhất động của người đứng đầu Nhà Trắng trong lần hội nghị này sẽ được "mổ xẻ" bởi giới làm luật ở Mỹ, đặc biệt là đảng Dân chủ. Một thắng lợi về chính sách đối ngoại sẽ giúp ông Trump phân tán sự chú ý của dư luận về những diễn biến căng thẳng gần đây ở trong nước, trong đó có cuộc chiến ngân sách căng thẳng giữa Tổng thống và đảng Dân chủ liên quan đến xây tường biên giới.
Hối thúc Triều Tiên cung cấp danh sách cơ sở hạt nhân
Sau hội nghị lần thứ nhất, ông Trump tuyên bố Triều Tiên không còn là mối đe dọa hạt nhân với thế giới. Tuy nhiên, thực tế Triều Tiên được cho là vẫn sở hữu ít nhất là nguyên liệu hạt nhân và đến nay vẫn chưa cung cấp một lộ trình cụ thể cho việc từ bỏ hạt nhân, chưa tiết lộ số vũ khí hạt nhân mà họ sở hữu, nơi lưu giữ chúng...
Hãng tin Channel News Asia bình luận, tại hội nghị lần này, trước khi đồng ý với những đề nghị từ Triều Tiên, Tổng thống Trump cần buộc Bình Nhưỡng làm rõ những vấn đề này. Nếu Bình Nhưỡng từ chối, Washington có thể coi đó là dấu hiệu cho thấy Triều Tiên không có thiện chí phi hạt nhân hóa hay ông Trump có thể vin vào đó là lý do khiến đàm phán không hiệu quả.
Triều Tiên phá hủy đường hầm hạt nhân năm 2018. (Ảnh: Reuters)
Giảm các cuộc tập trận chung với Hàn Quốc
Tuy rút lại ý định rút binh sĩ khỏi Hàn Quốc, song ông Trump vẫn có thể giúp Mỹ tiết kiệm ngân sách và làm hài lòng Triều Tiên với việc đề nghị giảm các cuộc tập trận chung thường niên giữa Mỹ và đồng minh Hàn Quốc. Triều Tiên vốn coi những cuộc tập trận này là mối đe dọa với họ và nhiều lần cảnh báo đáp trả.
Việc giảm tần suất tập trận chung sẽ được coi là thiện chí và không ảnh hưởng tới uy tín của Mỹ bởi Mỹ vẫn duy trì cam kết an ninh với Hàn Quốc, trong khi vẫn có thể trấn an Triều Tiên. Hơn nữa, động thái này cũng sẽ được chính phủ đương nhiệm của Hàn Quốc hoan nghênh bởi họ coi các cuộc tập trận là chướng ngại vật khiến họ khó bình thường hóa quan hệ với Triều Tiên.
Tập trung vào giải trừ hạt nhân Triều Tiên, không phải bán đảo Triều Tiên
Thỏa thuận tại hội nghị lần một nói rằng, Mỹ và Triều Tiên sẽ tiến tới giải trừ hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng, đó là một cam kết mơ hồ gây sự hiểu lầm giữa Bình Nhưỡng và Washington. Triều Tiên cho rằng, giải trừ hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên cũng có nghĩa là quân đội Mỹ phải rút khỏi Hàn Quốc - điều mà Mỹ dường như sẽ không chấp nhận.
Tại hội nghị lần này, Tổng thống Trump cần làm rõ rằng việc quân đội Mỹ rút khỏi Hàn Quốc không phải là vấn đề cần thương lượng và nếu Triều Tiên muốn bất cứ nhượng bộ nào từ Mỹ, họ cần cho thấy các bước đi cụ thể như công bố về số vũ khí đang nắm giữ.
Duy trì đối thoại trong tương lai
Đặc phái viên Mỹ Stephen Biegun gần đây đã tới Bình Nhưỡng để thảo luận công tác chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai. Kết thúc các cuộc thảo luận, ông Biegun nói rằng vẫn còn nhiều việc phải làm trước khi hội nghị diễn ra. Điều này cho thấy, Mỹ và Triều Tiên vẫn còn tiếp tục thảo luận để có thể đạt được một thỏa thuận đột phá trong hội nghị sắp tới.
Mặc dù hội nghị thượng đỉnh tại Hà Nội được kỳ vọng sẽ mang lại kết quả đột phá, song các chuyên gia cho rằng, chính quyền của Tổng thống Trump vẫn cần thiết lập một cơ chế đối thoại thường xuyên giữa các nhà ngoại giao Mỹ và Triều Tiên để có những kết quả như kỳ vọng. Qua đó, các nhà đàm phán hai bên có thể giải quyết được các vấn đề tồn đọng liên quan đến giải trừ hạt nhân.
Minh Phương
Theo CNA