Hai tấm thảm đỏ và bí mật phút chót tại thượng đỉnh Trump - Kim ở Singapore
(Dân trí) - Singapore đã chi một khoản tiền không nhỏ và đáp ứng không ít yêu cầu của hai phái đoàn Mỹ và Triều Tiên để tổ chức thành công hội nghị thượng đỉnh Trump - Kim đầu tiên hồi năm ngoái.
Vào tối 12/6/2018, các quan chức hải quan và nhân viên sân bay Changi chuẩn bị tiễn một nhân vật cấp cao rời khỏi Singapore. Chỉ có một khách VIP nhưng có hai thảm đỏ được trải sẵn.
Khi đó, 4 máy bay chở khách đã đỗ trên đường băng của khu VIP tại sân bay Changi, gồm 2 chiếc Boeing 747 của hãng hàng không Air China (Trung Quốc) và 2 chiếc Ilyushin của hãng hàng không Air Koryo (Triều Tiên).
Không ai biết nhà lãnh đạo Kim Jong-un sẽ sử dụng máy bay nào để về nhà. Cũng không ai biết mấy giờ ông sẽ khởi hành.
Cuối cùng, các nhân viên sân bay Singapore đành phải đoán. Họ trải cả hai thảm đỏ, mỗi thảm dẫn tới một máy bay của Air China. Họ cầu nguyện rằng ông Kim Jong-un sẽ bước trên một trong hai tấm thảm này và lên máy bay.
“Chúng tôi chỉ còn cách hy vọng và cầu nguyện ông ấy sẽ không lên hai máy bay (Air Koryo) còn lại. Đó là tình huống rất nhạy cảm và việc di chuyển các thảm đỏ lên máy bay là chuyện không hề dễ dàng”, Reshma Nair, giám sát viên Cơ quan Quản lý Xuất nhập cảnh Singapore, cho biết.
Rốt cuộc, các nhân viên sân bay cũng thở phào nhẹ nhõm khi ông Kim Jong-un bước lên một trong hai máy bay đã được trải thảm sẵn và rời Singapore vào lúc 23h30 tối.
Câu chuyện trên đã phần nào cho thấy sự bí mật của phái đoàn Triều Tiên, một yếu tố tạo ra sự xáo trộn vào phút chót cho nước chủ nhà trong một sự kiện chính trị được lên kế hoạch tỉ mỉ.
Mặc dù Singapore đã có nhiều kinh nghiệm tổ chức hội nghị thượng đỉnh cấp cao, song cuộc gặp giữa Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un hôm 12/6 được đánh giá là sự kiện chưa từng có tiền lệ về thách thức an ninh. Tuy vậy rốt cuộc, quốc đảo Đông Nam Á đã tổ chức thành công cuộc gặp này.
Chuẩn bị trong 2 tuần
Đoàn vệ sĩ bảo vệ ông Kim Jong-un tại Singapore. (Ảnh: Reuters)
Nội các Singapore bắt đầu phỏng đoán rằng nước này có thể được chọn làm nơi tổ chức thượng đỉnh Mỹ - Triều từ đầu tháng 5 năm ngoái khi các quan chức Mỹ đề cập tới khả năng này. Tuy nhiên, Bộ trưởng Pháp luật và Nội vụ Singapore K. Shanmugam nói rằng thời điểm đó “chưa có gì chắc chắn” và Singapore không thể chuẩn bị nếu “chỉ dựa trên phỏng đoán”.
Sau đó vào ngày 10/5, Tổng thống Trump thông báo trên Twitter rằng hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều sẽ diễn ra tại Singapore vào ngày 12/6. Tuy nhiên một sự cố đã xảy ra khi sự kiện bất ngờ bị thông báo hủy vào ngày 24/5 và chỉ hai ngày sau đó, ông Trump lại tuyên bố cuộc gặp vẫn diễn ra theo kế hoạch ban đầu.
Vào thời điểm đó, Singapore đã chính thức được đề nghị tổ chức cuộc gặp, tuy nhiên theo ông Shanmugam, vì kế hoạch thay đổi liên tục nên Singapore phải “phá bỏ mọi thứ, sau đó làm lại từ đầu”. Rốt cuộc, mọi công tác chuẩn bị chỉ được tiến hành trong hơn hai tuần trước khi cuộc gặp diễn ra. Bộ Ngoại giao Singapore đóng vai trò dẫn đầu, trong khi các Bộ Nội vụ, Bộ Quốc phòng, Bộ Thông tin Truyền thông và Bộ Giao thông Vận tải cũng đóng vai trò chủ đạo.
Ít nhất 7.400 cán bộ đã được huy động, trong đó có 5.000 cán bộ thuộc Bộ Nội vụ, 2.000 người thuộc lực lượng vũ trang, hơn 300 cán bộ thông tin và 80 cán bộ thuộc Bộ Ngoại giao. Quy mô này tương đương cuộc họp của Ngân hàng Thế giới - Quỹ Tiền tệ Quốc tế do Singapore đăng cai tổ chức năm 2006 và mất 5 năm để chuẩn bị.
Đoàn siêu xe hộ tống Tổng thống Trump trong chuyến đi tới Singapore. (Ảnh: Reuters)
“Lần này, làm việc trong khoảng thời gian ngắn dường như là nhiệm vụ bất khả thi”, Jimmy Toh, người phụ trách một trung tâm báo chí với hơn 2.500 nhà báo đưa tin về cuộc gặp, nhớ lại.
“Giống như môi giới bất động sản, chúng tôi lùng sục khắp nơi, khám phá mọi khách sạn và phòng hội nghị. Có những phòng đủ lớn nhưng đã được đặt chỗ trước. Có những phòng được xem là lý tưởng nhưng không đủ sức chứa cho ngần đấy người. Chúng tôi khá thất vọng”, ông Toh, một quan chức của Bộ Thông tin Truyền thông Singapore, cho biết.
Rốt cuộc, họ cũng nảy ra ý tưởng biến nơi tổ chức giải đua xe F1 thành trung tâm báo chí. Phần lớn chi tiêu của Bộ Thông tin Truyền thông cho cuộc gặp thượng đỉnh, ước tính khoảng 5 triệu USD, được đổ vào đây.
Các cơ quan chính phủ Singapore cũng phải hợp tác với nhau để đảm bảo quá trình nhập cảnh suôn sẻ của phái đoàn Mỹ và Triều Tiên. Hàng trăm thị thực phải xử lý chỉ trong 2 tuần, đòi hỏi sự phối hợp của Bộ Ngoại giao, Cục Quản lý Xuất nhập cảnh, hải quan, cảnh sát và Cục Hàng không dân dụng.
Sự thiếu chắc chắn
12 vệ sĩ mặc vest đen chạy bộ theo xe ô tô chở ông Kim Jong-un tại khách sạn St Regis khi nhà lãnh đạo Triều Tiên đặt chân tới Singapore hôm10/6. (Ảnh: Reuters)
Lý do khiến Singapore phải đối mặt với sự thiếu chắc chắn trong công tác chuẩn bị là vì sự thiếu tin tưởng giữa Mỹ và Triều Tiên, cũng như mức độ nhạy cảm của sự kiện: Đây là cuộc gặp đầu tiên giữa một tổng thống Mỹ đương nhiệm và một nhà lãnh đạo Triều Tiên trong bối cảnh hai nước về mặt kỹ thuật vẫn đang trong tình trạng chiến tranh.
Triều Tiên chưa quen với các sự kiện cấp cao tổ chức tại nước ngoài, trong khi nước này luôn bị ám ảnh bởi các vấn đề bảo mật và an ninh, do vậy Singapore càng gặp khó khăn nhiều hơn trong công tác chuẩn bị. Cục trưởng Cục lễ tân Bộ Ngoại giao Singapore Ong Siew Gay phải tính đến cả những chi tiết nhỏ nhất từ phía Triều Tiên trong thời gian diễn ra cuộc gặp.
Trước khi ông Kim Jong-un có cuộc gặp song phương với Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long và ký vào sổ lưu niệm, Singapore phải gửi trước cho phái đoàn Triều Tiên bản thảo đề tên của ông Kim Jong-un để họ kiểm tra xem chức danh của ông Kim đã được viết chính xác hay chưa.
Singapore cũng phải thông báo chính xác cho Triều Tiên các chi tiết về lễ ký kết tuyên bố chung, chẳng hạn có những ai ở trong phòng. Mỗi yêu cầu như vậy hai bên phải bàn đi bàn lại từ 2-3 lượt trước khi đi đến thống nhất.
Ngôn ngữ cũng là một rào cản. Chỉ có một đại diện của phái đoàn Triều Tiên nói tốt tiếng Anh và được chỉ định để liên lạc với ông Ong cùng đội ngũ của ông.
Các nhân viên an ninh cũng gặp khó khăn trong giao tiếp với đoàn Triều Tiên. Terrence Lee, một sĩ quan của Lực lượng vũ trang Singapore (SAF) và là người phụ trách đội ngũ an ninh tại khách sạn Capella - nơi diễn ra hội nghị, nhớ lại rằng ông buộc phải dùng ký hiệu bằng tay để nói chuyện với nhóm an ninh Triều Tiên khi họ đi làm việc trong khuôn viên khách sạn.
“Chúng tôi phải ra dấu hiệu bằng tay với người Triều Tiên, kiểu như “Ok” hoặc “hãy di chuyển””, ông Lee cho biết.
Ông Kim Jong-un chụp ảnh bộ trưởng Singapore khi tham quan buổi tối. (Ảnh: Reuters)
Ngoài ra, nhà lãnh đạo Kim Jong-un cũng được cho là luôn lo sợ nguy cơ bị ám sát. Các quan chức Triều Tiên thậm chí còn nghi ngờ thiết bị tác nghiệp của những nhà báo đưa tin tại sự kiện, cho rằng máy ảnh của họ có thể dùng để giấu vũ khí.
Ngoài các vệ sĩ chạy bộ, ông Kim Jong-un cũng có những yêu cầu đặc biệt về an ninh, chẳng hạn không được phép chụp ảnh lúc ông đang bước lên xe. Ông Kim Jong-un cũng mang theo thực phẩm riêng và yêu cầu một khu vực đặc biệt để chuẩn bị đồ ăn cho nhà lãnh đạo Triều Tiên.
Giữ bí mật các kế hoạch vốn là nguyên tắc chuẩn mực trong việc bảo vệ các nhà lãnh đạo, tuy nhiên đối với ông Kim Jong-un, hầu hết lịch trình được giấu kín và chỉ được hé lộ vào phút cuối cùng, ngay cả với các nhà chức trách Singapore.
Quyết định của ông Kim Jong-un khi đi thăm các địa điểm nổi tiếng của Singapore như Marina Bay Sands, Gardens bay the Bay, cầu Jubilee vào buổi tối đều diễn ra bất ngờ. Kế hoạch này chỉ được thông báo cho Singapore trước vài giờ.
Cảnh sát và lực lượng an ninh Singapore phải đảm bảo an ninh tại nơi hội họp và các tuyến đường nơi đoàn xe của ông Kim Jong-un đi qua. Những địa điểm ông Kim Jong-un đến đều phải được kiểm tra các mối đe dọa về chất độc hóa học, sinh học, phóng xạ và thuốc nổ.
Đảm bảo ngang bằng
Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnar tiếp đón ông Kim Jong-un và phái đoàn tại sân bay. (Ảnh: Reuters)
Về phía Mỹ, Tổng thống Donald Trump cũng là một trong số ít các nhà lãnh đạo trên thế giới đòi hỏi các yêu cầu khắt khe nhất về an ninh. Ông chủ Nhà Trắng cũng là một người hay thay đổi ý kiến.
Theo Washington Post, sau khi tới Singapore vào ngày 10/6, ông Trump cảm thấy buồn chán và sốt ruột. Tổng thống Mỹ muốn các trợ lý của ông chuyển lịch họp lên sớm hơn một ngày. Điều này khiến một số thành viên của phái đoàn Mỹ cảm thấy lo sợ rằng cuộc gặp có thể bị hủy.
Theo ông Ong, với tư cách là nước chủ nhà, Singapore được cả hai phái đoàn yêu cầu là phải đảm bảo “sự ngang bằng nhiều nhất có thể”. Quan chức Singapore cho biết Triều Tiên đặc biệt nhấn mạnh vấn đề này.
Chẳng hạn, khi phái đoàn Mỹ muốn ở lại khách sạn Shangri-La, Singapore cũng phải hỗ trợ phái đoàn Triều Tiên tìm kiếm một nơi ơở tương xứng. Rốt cuộc, họ đã chọn khách sạn St. Regis.
Cả hai nhà lãnh đạo đều được Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan đón ở sân bay. Mỗi đoàn xe của mỗi nước gồm khoảng 40 phương tiện. Singapore thậm chí phải cung cấp một số xe bọc thép cho phái đoàn Triều Tiên.
Singapore đã thanh toán chi phí khách sạn cho phái đoàn Triều Tiên, trong khi Mỹ tự trả phần của mình. Ước tính phòng tổng thống dành cho ông Kim Jong-un tại khách sạn ở Singapor có giá khoảng 7.500 USD/đêm. Đây là một phần trong tổng số 15 triệu USD mà Singapore đã chi để tổ chức thượng đỉnh Trump - Kim.
Thành Đạt
Theo Straitstimes