Australia thu hồi sách giáo khoa có "đường lưỡi bò" phi pháp của Trung Quốc
(Dân trí) - Australia đã thu hồi sách giáo khoa có các thông tin tuyên truyền của Trung Quốc và một bản đồ "đường lưỡi bò" phi pháp mà Bắc Kinh sử dụng để đòi hòi các yêu sách chủ quyền đơn phương ở Biển Đông.
Hãng tin Guardian đưa tin, một sách giáo khoa được sử dụng tại một số trường học ở bang Victoria đã chứa đựng các thông tin tuyên truyền của đảng Cộng sản Trung Quốc và một bản đồ “đường lưỡi bò” gây tranh cãi mà Bắc Kinh dùng để đơn phương tuyên bố chủ quyền với hầu hết Biển Đông, đi ngược với chính sách của chính phủ Australia.
Những lo ngại về tài liệu khiến đã khiến nhà xuất bản phải thu hồi những quyển sách chưa kịp bán ra, mà các tác giả tại thành phố Melbourne nói là viết chúng để phục vụ một môn học trong trường trung học bang Victoria về xã hội, văn hóa và ngôn ngữ Trung Quốc.
Mặc dù không được giới chức giáo dục Victoria liệt kê là tài liệu quy định để tham gia khóa học, cuốn sách vẫn đang được sử dụng tại ít nhất 11 trường học ở bang này, trong đó có các trường tư danh tiếng.
Nhà xuất bản xác nhận 633 cuốn sách đã được bán tại Australia và 100 cuốn bên ngoài nước này.
Trong số các lo ngại từ cuốn sách là sự xuất hiện của bản đồ “đường lưỡi bò” (hay "đường 9 đoạn") mô phỏng yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc đối với hầu hết Biển Đông - một lập trường đi ngược với Australia và nhiều quốc gia trong khu vực và bị một tòa án quốc tế bác bỏ. Nó được ghi trong cuốn sách là “bản đồ của Trung Quốc”.
“Rất dễ gây hiểu nhầm khi mô tả ‘đường 9 đoạn’ trong một cuốn sách giáo khoa phổ thông là một bản đồ hợp pháp của Trung Quốc và khu vực”, Giáo sư Rory Medcalf, người đứng đầu Trường an ninh quốc gia thuộc Đại học quốc gia Australia, nói.
“Việc để nó xuất hiện trong một cuốn sách giáo khoa tại Australia không chỉ đối lập với sự nhạy cảm của hầu hết khu vực, mà còn đi ngược với luật pháp quốc tế và chính sách của chính phủ Australia”, chuyên gia trên nói thêm.
Nhưng cơ quan quản lý chương trình giáo dục Victoria nhấn mạnh rằng cơ quan này chưa từng ủng hộ cuốn sách, trong khi hãng xuất bản Cengage khẳng định việc đưa bản đồ vào cuốn sách là do “sơ suất biên tập”.
Một phát ngôn viên của Cengage cho biết một phiên bản khác của bản đồ không có “đường 9 đoạn” đã được thay bằng bản đồ trên khi những người biên tập “không thể xác định bên sở hữu bản quyền”. Họ cho biết bản đồ gây tranh cãi được đưa vào sách nhưng không ai nhận ra có “đường lưỡi bò” ở Biển Đông.
“Chúng tôi xin lỗi độc giả về sự bất cẩn này”, nhà xuất bản Cengage viết. “Chúng tôi phải đề nghị thu hồi tại kho và đã chỉ định một đồng nghiệp biên tập xem xét tiêu đề và các vấn đề của cuốn sách”.
Cengage cho biết hãng này hi vọng sẽ thu hồi khoảng 750 cuốn sách tại Australia và Singapore.
Đùn đẩy trách nhiệm
Cuộc điều tra sâu hơn cũng cho thấy bản đồ “đường lưỡi bò” tương tự đã xuất hiện trong 2 quyển sách giáo khoa khác của cùng các tác giả do Cengage xuất bản để có thể được sử dụng cho các tìm hiểu về Trung Quốc.
Các tác giả của cuốn sách khẳng định họ chưa từng đưa bản đồ “đường lưỡi bò” vào cuốn sách mà khẳng định chính nhà xuất bản đã làm việc này.
Citizen, một ấn bản của Trung tâm báo chí tiến bộ thuộc Đại học Melbourne, là bên đầu tiên nêu ra các vấn đề với cuốn sách giáo khoa gây tranh cãi trên. Mặc dù cuộc điều tra ban đầu tập trung vào bản đồ nhưng một kiểm tra sau đó của Citizen đối với chương cuối của cuốn sách đã tìm thấy điều mà chuyên gia về Trung Quốc John Fitzgerald miêu tả là “giống sách tuyên truyền của đảng Cộng sản Trung Quốc”.
Cuốn sách dành 2 trang để nói về “giấc mơ Trung Quốc” - một khái niệm mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thúc đẩy từ năm 2012 và đã đưa vào các sách giáo khoa trường học tại Trung Quốc theo chỉ đạo của giới chức nước này, những người muốn đảm bảo rằng “nó ăn sâu vào trí óc của các học sinh”.
Các đoạn trong phần giấc mơ Trung Quốc rất giống một bài báo năm 2013 đăng trên hãng tin nhà nước China.org.cn của Trung Quốc do một quan chức tại Học viện khoa học xã hội Thượng Hải viết.
Học viện khoa học xã hội Thượng Hải bị Cơ quan tình báo Mỹ (FBI) cáo buộc là có liên quan tới tình báo Trung Quốc. Tuy nhiên, không có dấu hiệu cho thấy nhà xuất bản hoặc các tác giả của cuốn sách có các mối liên hệ như vậy.
Môn học về Trung Quốc được giảng dạy tại tại 37 trường học ở bang Victoria trong năm 2020. Hiện chưa rõ chính xác có bao nhiêu trường sử dụng cuốn sách giáo khoa gây tranh cãi trên mặc dù một số trường đã đưa nó vào danh sách sách giáo khoa sẵn có công khai.
Cuốn sách cũng thảo luận về những ưu điểm của sáng kiến “Vành đai, con đường” của Trung Quốc và việc Trung Quốc cần xây dựng “sức mạnh quốc gia toàn diện”.
Cơ quan đánh giá và chương trình giảng dạy bang Victoria (VCAA) cho biết cuốn sách trên “không và chưa từng nằm trong danh sách sách tài liệu quy định mà VCAA phê duyệt cho môn học “Xã hội và văn hóa tiếng Trung Quốc”.
VCAA nói thêm rằng cơ quan này không quy định bất kỳ sách giáo khoa nào cho môn học, nhưng có một loạt các tài liệu khác được duyệt, như các chương từ một số cuốn sách cụ thể, một vở kịch và một bộ phim.
Còn chuyên gia Rory Medcalf cho rằng vụ việc này đã cho thấy một vấn đề cấp bách trong hệ thống giáo dục tại Australia.
“VCAA nói không có trách nhiệm giám sát nó, vậy thì câu hỏi là ai có?”, chuyên gia trên đặt câu hỏi.