Người tiêu dùng Việt kêu gọi tẩy chay H&M
(Dân trí) - Trên các mạng xã hội, người tiêu dùng Việt đang phản ứng, kêu gọi tẩy chay H&M.
Ngày 2/4, truyền thông quốc tế đồng loạt đưa tin hãng bán lẻ thời trang Thụy Điển H&M đã đồng ý sửa lại bản đồ đăng tải trên website của hãng theo yêu cầu từ chính quyền Trung Quốc. Cụ thể, giới chức Trung Quốc yêu cầu hãng thời trang H&M chỉnh sửa một bản đồ trên trang web vì nó "có vấn đề". Tuy nhiên, không rõ vấn đề cần chỉnh sửa là gì, H&M cũng chưa lên tiếng bình luận về vụ việc.
Hiện cũng chưa rõ là bản đồ trên có vấn đề gì và H&M có sửa không, sửa như thế nào. Song thông tin trên đã gây một làn sóng giận dữ trên cộng đồng mạng xã hội Việt Nam, thậm chí xuất hiện làn sóng kêu gọi tẩy chay H&M.
Trên nhiều trang mạng xã hội như facebook, twitter, các hội nhóm, tài khoản tẩy chay H&M nhanh chóng được thiết lập.
Tài khoản Facebook Dương Nhàn viết: "Nếu H&M không cải chính và đưa ra lời xin lỗi tới Việt Nam, gia đình tôi sẽ NÓI KHÔNG với H&M vĩnh viễn và có những động thái làm H&M thiệt hại không kém gì làn sóng tẩy chay tại Trung Quốc trong thời gian qua".
"Xin lỗi tớ không gom đồ H&M nữa, không phải vì tớ theo trào lưu phản đối, không phải vì không lợi nhuận bao nhiêu, mà tớ là người Việt Nam", tài khoản Phan Lê Giang tuyên bố.
Không chỉ cộng đồng mạng, không ít người tiêu dùng cũng tuyên bố sẽ không mua hàng của hãng thời trang nhanh đến từ Thụy Điển.
Chị Ngọc Trâm (Hà Nội) cho biết ngày xưa, khi H&M chưa có ở Việt Nam, cứ có dịp đi nước ngoài chị lại vào cửa hàng mua đồ do sản phẩm hợp túi tiền. Từ ngày có dịch vụ order hàng, chị cũng hay mua của hãng này. Tuy nhiên, sau các thông tin về tấm bản đồ "có vấn đề" của H&M, chị tuyên bố "từ mặt" hãng.
Một số người tiêu dùng khác thậm chí còn đặt cho H&M những tên gọi thuần Việt với những ý nghĩa không mấy tích cực, bày tỏ thái độ với thương hiệu thời trang này.
H&M vào Việt Nam từ năm 2017. Sau 3 năm kinh doanh tại Việt Nam, hãng đã có 12 cửa hàng, trong đó, 5 cửa hàng ở Hà Nội, 4 ở TP.HCM, 3 ở Hạ Long, Đà Nẵng, Cần Thơ. Hoạt động kinh doanh cũng liên tục tăng trưởng tốt. Theo tìm hiểu của Dân trí, doanh thu thuần năm 2019 tại Việt Nam là hơn 1.114 tỷ đồng, tăng mạnh so với mức 717 tỷ đồng năm 2018. Riêng trong quý I/2021, hãng đạt hơn 386 tỷ đồng doanh thu, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2019.
Về thông tin sửa chữa bản đồ, H&M hiện vẫn chưa có bình luận gì về vấn đề này.
Tuần trước, H&M đã bị chính phủ và người tiêu dùng Trung Quốc dọa tẩy chay khi có những bình luận về vấn đề bông ở Tân Cương.
Một loạt cửa hàng H&M tại Trung Quốc đã bị các chủ mặt bằng cho thuê yêu cầu đóng cửa. Các tìm kiếm về H&M trên bản đồ di động Baidu và ứng dụng chia sẻ xe của Didi Chuxing cũng đều hiển thị trang trống. Nhiều biển quảng cáo của thương hiệu này cũng bị dỡ bỏ.
Để xoa dịu tình hình, H&M đã phải "xuống nước" với Trung Quốc - thị trường lớn thứ 3 của hãng này - bằng cách cam kết sẽ nỗ lực vực dậy niềm tin của người tiêu dùng, đồng nghiệp và các đối tác kinh doanh tại Trung Quốc. Trong đó, việc chấp nhận "sửa bản đồ" là một trong những thể hiện đầu tiên của H&M với cam kết trên.