1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Thiếu tín nhiệm, Trung Quốc khó lòng dẫn dắt thế giới chống Covid-19

(Dân trí) - Trung Quốc gần đây dường như đã nỗ lực trong việc thể hiện vai trò dẫn dắt thế giới trong cuộc chiến chống Covid-19. Tuy nhiên, sự tín nhiệm có thể là một rào cản đối với Bắc Kinh.

Thiếu tín nhiệm, Trung Quốc khó lòng dẫn dắt thế giới chống Covid-19 - 1

Quân nhân Myanmar dỡ thiết bị y tế xuống tại sân bay Yangon (Ảnh: EPA-EPE)

Khi Mỹ đang đối mặt với sự lây lan của đại dịch Covid-19 và một số các vấn đề tranh cãi trong nội bộ về chiến lược chống dịch, Trung Quốc dường như nổi lên trong thời gian qua với vai trò nhà cung cấp toàn cầu.

Trong 2 tháng qua, Trung Quốc gửi đội ngũ y tế tới 16 quốc gia, chia sẻ kiến thức và chuyên môn với các quan chức và nhân viên y tế nước sở tại về chữa trị và kiểm soát Covid-19. Trong hầu hết các trường hợp, Trung Quốc thường mang theo nhiều hàng hóa y tế, thiết bị bảo hộ, bộ xét nghiệm.

Theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc, nước này đã cung cấp thiết bị y tế cho hơn 125 quốc gia và 4 tổ chức quốc tế, tổ chức 70 cuộc họp trực tuyến với các chuyên gia từ 150 nước.

Giữa tuần qua, Bắc Kinh tuyên bố hỗ trợ 30 triệu USD cho tổ chức Y tế Thế giới (WHO) sau khi đóng góp 20 triệu USD hồi đầu tháng 3. Động thái này diễn ra sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump dừng viện trợ cho WHO ngày 15/4.

Theo chuyên gia Ilaria Carrozza từ viện nghiên cứu Hòa bình ở Oslo, Na Uy, “Trung Quốc sẵn lòng thể hiện họ có thể nắm vai trò dẫn dắt (cuộc chiến chống dịch), vị trí mà Mỹ dường như không sẵn lòng nhận lấy vào lúc này. Thông điệp từ Bắc Kinh là họ luôn ở đây và sẵn lòng hỗ trợ các quốc gia khi cần”.

Mỹ hiện đang là vùng dịch lớn nhất thế giới khi số ca nhiễm bệnh của nước này đang có xu hướng tiến dần tới mốc 1 triệu trong khi số người thiệt mạng đã vượt mốc 50.000.

Tính toán của Trung Quốc

Thiếu tín nhiệm, Trung Quốc khó lòng dẫn dắt thế giới chống Covid-19 - 2

Thiết bị bảo hộ do Thượng Hải, Trung Quốc đóng góp gửi tới Phnom Penh, Campuchia (Ảnh: Tân Hoa Xã)

Tuy nhiên, các nhà quan sát cho rằng Trung Quốc dường như có toan tính nhất định với các động thái hỗ trợ cuộc chiến chống Covid-19.

Giáo sư Daniel Lynch từ Đại học CityU, Hong Kong nhận định nếu Trung Quốc không giúp các quốc gia khác ngăn dịch, mầm bệnh có thể quay ngược lại Trung Quốc một lần nữa.

Ngoài ra, khoảng một nửa các quốc gia Trung Quốc điều đội ngũ y tế tới hỗ trợ là đối tác của họ trong sáng kiến “Vành đai, con đường”. Nhà nghiên cứu Elisa Gambino từ Đại học Edinburgh, Scotland cho rằng Trung Quốc dường như đang nỗ lực bảo vệ lợi ích lâu dài của họ tại các quốc gia họ viện trợ.

Ngoài ra, Bắc Kinh dường như cũng muốn "có đi có lại" đối với sự ủng hộ mà họ nhận được từ các quốc gia vào thời điểm Trung Quốc là tâm chấn của dịch Covid-19.

Chuyên gia Francoise Nicolas từ Viện Quan hệ Quốc tế tại Pháp, cho rằng mục tiêu của Trung Quốc dường như là xây dựng hình ảnh của họ là một cường quốc có trách nhiệm. Tuy nhiên, bà Nicolas cho rằng việc chỉ gửi viện trợ sẽ khó lòng làm thay đổi hình ảnh của Bắc Kinh trong mắt cộng đồng quốc tế.

“Họ dường như đang cố làm thế giới quên đi sai lầm nghiêm trọng ban đầu (khi công bố chậm trễ thông tin về đại dịch)”, chuyên gia Nicolas nhận định.

Chuyên gia Jonathan Hillman từ Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (Mỹ) cho biết: “Các đội ngũ y khoa và thiết bị y tế sẽ được đánh giá cao trong ngắn hạn, nhưng tôi cho rằng không một ai có thể quên được nguồn gốc của dịch bệnh là từ đâu”.

Chuyên gia Thomas từ CityU cho rằng nếu Trung Quốc muốn lãnh đạo thế giới về mảng y tế, họ cần phải minh bạch hơn nữa.

Đức Hoàng

Theo SCMP