1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Căng thẳng cuộc "săn lùng" khẩu trang toàn cầu

(Dân trí) - Từ việc giữ lô hàng của chính phủ cho tới “hớt tay trên” ngay tại đường băng, cuộc săn lùng khẩu trang giữa đại dịch Covid-19 đã trở thành cuộc đua không còn luật chơi công bằng trên toàn cầu.

 
Căng thẳng cuộc săn lùng khẩu trang toàn cầu - 1

Các công nhân làm việc tại nhà máy khẩu trang ở Trung Quốc. (Ảnh: EPA)

Các nhà chức trách trên toàn thế giới đều đang chạy đua trong cuộc chiến giành khẩu trang, khi hầu hết các nước không đủ khả năng sản xuất hàng triệu khẩu trang mỗi ngày để đáp ứng nhu cầu của các nhân viên y tế, chưa nói tới các nhóm khác cũng có nhu cầu sử dụng.

Gần như tất cả các nước đều trông cậy vào Trung Quốc và các nhà sản xuất khẩu trang khác ở châu Á. Một số nước sẵn sàng làm bất kỳ điều gì để có thể sở hữu mặt hàng mà họ đang thèm muốn, trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn đang lan rộng toàn cầu.

“Thị trường mua sắm nguồn vật tư y tế để đối phó Covid-19 đang hỗn loạn. Các phương thức cạnh tranh và sự minh bạch truyền thống không còn được sử dụng”, Christopher Yukins, giáo sư luật tại Đại học George Washington phát biểu tại một hội thảo trực tuyến hôm 2/4.

Ngay cả trong nhóm các nước phương Tây vốn là đồng minh với nhau, những lời cáo buộc về các hành vi “chơi xấu” đã cho thấy sự lo lắng ngày càng tăng về nguy cơ thiếu hụt khẩu trang.

Bà Valerie Pecresse, chủ tịch vùng Ile-de-France bao gồm thủ đô Paris, tuần này cho biết lô khẩu trang mà họ đặt hàng để cung ứng cho khu vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 đã bị người Mỹ “hớt tay trên” vào phút chót bằng cách trả giá cao hơn.

“Người Mỹ trả luôn tiền mặt mà không cần xem hàng, điều này rõ ràng hấp dẫn hơn với những người chỉ chờ thế giới lâm vào cảnh khốn cùng để kiếm tiền”, bà Pecresse cho biết.

Bà Pecresse không cung cấp thông tin chi tiết về khách hàng người Mỹ trên. Tuy nhiên, các quan chức tại ít nhất 2 khu vực khác của Pháp cũng “tố” người Mỹ can thiệp để lấy đi các đơn hàng khẩu trang mà họ đã đặt từ phía Trung Quốc, trong đó có vụ việc xảy ra ngay tại đường băng khi máy bay chuẩn bị cất cánh.

Theo RT, Andreas Geisel, quan chức nội vụ của Berlin, ngày 3/4 đã xác nhận việc Mỹ giành 200.000 khẩu trang ngay tại sân bay ở Thái Lan, dù số khẩu trang này đã được cảnh sát Berlin đặt hàng từ Trung Quốc và đang chuẩn bị được chuyển tới Đức. Ông Geisel cho rằng đây là hành động “cướp biển thời hiện đại” và không phải là cách mà các đối tác “xuyên Đại Tây Dương” đối xử với nhau.

Tại Washington, một quan chức cấp cao của chính quyền Mỹ khẳng định với AFP rằng “chính phủ Mỹ không mua bất kỳ khẩu trang nào đang trong kế hoạch được chuyển từ Trung Quốc tới Pháp”. Bên mua khẩu trang có thể là các công ty tư nhân, hoặc những người trung gian đại diện cho từng bang của Mỹ.

Nguy cơ hỗn loạn thị trường

Thủ tướng Canada Justin Trudeau ngày 2/4 nói rằng ông “quan ngại” trước thông tin một đơn đặt hàng khẩu trang được giao cho Canada với số lượng ít hơn so với dự kiến ban đầu, sau khi một phần của lô hàng được bán cho bên trả giá cao hơn. Bình luận của nhà lãnh đạo Canada được cho là ám chỉ Mỹ.

“Chúng tôi hiểu rằng nhu cầu của Mỹ rất lớn, nhưng Canada cũng vậy, vì thế chúng ta phải phối hợp cùng nhau”, Thủ tướng Trudeau nói.

Căng thẳng cuộc săn lùng khẩu trang toàn cầu - 2

Nhân viên y tế Pháp đeo khẩu trang và đồ bảo hộ chuyển bệnh nhân tới bệnh viện đại học Strasbourg. (Ảnh: Reuters)

Tuy nhiên, khả năng hợp tác giữa các nước trong vấn đề này khó có thể xảy ra.

Chuyên gia Jean-Sylvestre Mongrenier tại Viện Thomas More, một viện nghiên cứu của Pháp - Bỉ, đã cảnh báo về “sự bất an về dịch bệnh giữa các nước, hoặc thậm chí là tình trạng hỗn loạn nếu trật tự quốc tế bị tan rã”.

“Việc hớt tay trên trong quá trình vận chuyển khẩu trang chỉ là một hình thức cạnh tranh để tiếp cận nguồn vật tư. Đó là chuyện không may, nhưng sẽ không thể làm bùng phát sự thù địch giữa các nước”, chuyên gia Mongrenier nhận định.

Tuy nhiên, theo nghị sĩ Ukraine Andriy Motovylovets, người tháng trước từng đến Trung Quốc để mua một lô khẩu trang, sự cạnh tranh có thể "rất đáng sợ".

“Khi lãnh sự của chúng tôi tới các nhà máy, họ cũng gặp các đồng nghiệp từ các nước khác (Nga, Mỹ, Pháp) đang tìm cách giành lấy lô hàng mà chúng tôi đã đặt. Chúng tôi đã chuyển tiền trước và ký hợp đồng. Nhưng họ sẵn sàng nhiều hơn, bằng tiền mặt. Chúng tôi phải chiến đấu để giành lấy từng lô hàng”, nghị sĩ Motovylovets viết trên Facebook.

Vì chỉ một ít nhà sản xuất khẩu trang Trung Quốc có giấy phép xuất khẩu, nên hầu hết phải sử dụng các kênh trung gian để bán cho khách hàng nước ngoài. Điều này làm gia tăng đáng kể số lượng bên trung gian trong thị trường khẩu trang.

“Chúng ta đang chứng kiến các cuộc thương thảo trực tiếp, các giao dịch không cần giấy phép. Đây là hành động thực dụng trong bối cảnh y tế khẩn cấp và thường đi kèm với sự thiên vị, tham ô và đội giá”, Laurence Folliot Lalliot, giáo sư luật tại Paris, nhận định trên nhật báo Pháp Le Monde.

Cạnh tranh ngầm

Tại Slovakia, Thủ tướng Peter Pellegrini hồi tháng trước cho biết chính phủ của ông đã nhận ra một thực tế khó khăn rằng, trong thị trường khẩu trang, tiền mặt là “vua”.

“Chúng tôi đã chuẩn bị sẵn 1,2 triệu euro (1,3 triệu USD) tiền mặt trong vali. Chúng tôi dự định sẽ sử dụng chuyên cơ của chính phủ để nhận khẩu trang từ một nhà cung cấp Trung Quốc. Tuy nhiên, một nhà buôn từ Đức đã đến trước, trả nhiều tiền hơn cho lô hàng đó, và mua luôn”, ông Pellegrini nói.

Thậm chí ngay trong Liên minh châu Âu, cuộc chạy đua về khẩu trang khiến một số chính phủ tịch thu hàng hóa vốn dành cho các nước khác.

Các nhà chức trách Séc hồi tháng trước đã thu giữ hàng nghìn khẩu trang, vốn dành cho các bệnh viện Italia, từ những đối tượng bị Séc gọi là “buôn lậu”. Tuy nhiên, lô khẩu trang này sau đó bị phát hiện là hàng do Trung Quốc gửi tặng Italia và Séc bị nghi ngờ chiếm hàng của Italia.

Báo L'Express của Pháp đưa tin, Paris đã tịch thu lô khẩu trang từ nhà sản xuất Thụy Điển Molnlycke khi lô hàng này trên đường đến Tây Ban Nha và Italia.

“Chúng tôi hy vọng Pháp sẽ nhanh chóng chấm dứt việc tịch thu các thiết bị y tế và làm tất cả những gì có thể để đảm bảo chuỗi cung ứng cũng như việc vận chuyển hàng hóa được diễn ra an toàn. Thị trường chung phải hoạt động bình thường, đặc biệt trong giai đoạn khủng hoảng”, Bộ Ngoại giao Thụy Điển ra thông cáo ngày 3/4.

Thành Đạt

Theo AFP, RT