Mỹ “chậm chân” trong cuộc đua khốc liệt giành vật tư y tế Trung Quốc
(Dân trí) - Chính quyền Tổng thống Donald Trump dường như chậm chạp trong cuộc cạnh tranh toàn cầu để mua vật tư y tế từ Trung Quốc, trong bối cảnh dịch Covid-19 ngày càng lan rộng.
Theo các cuộc phỏng vấn của Tribune News với các lãnh đạo doanh nghiệp tại Mỹ và Trung Quốc, Washington được cho là bị các đối thủ toàn cầu vượt mặt trong cuộc đua giành khẩu trang và vật tư y tế từ Bắc Kinh. Các nước khác đã quyết liệt hơn chính quyền Tổng thống Donald Trump trong việc đảm bảo nguồn cung về thiết bị y tế quan trọng nhằm ứng phó với đại dịch Covid-19.
Sự chậm chân càng khiến cho tình trạng thiếu hụt nguồn cung trong hệ thống y tế tại Mỹ thêm trầm trọng. Điều này đã gây ra rủi ro cao hơn cho các bác sĩ và y tá Mỹ, đồng thời đẩy các phòng khám và bệnh viện Mỹ vào tình trạng tồi tệ hơn so với phần lớn các nước Tây Âu, Đông Á, Canada và Australia.
“Bạn phải nhanh nhẹn và lanh lợi… Trong khi Mỹ rất chậm chạp”, Isaac Larian, nhà sáng lập hãng sản xuất đồ chơi MGA Entertainment, cho biết.
Larian hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc trong suốt hàng chục năm, và từ tháng trước bắt đầu phối hợp với các nhà sản xuất Trung Quốc để tiếp nhận vật tư y tế cho các bệnh viện Mỹ.
Tương tự nhiều nhà nhập khẩu và sản xuất khác, Larian cho biết nguồn vật tư y tế tại Trung Quốc luôn sẵn sàng cung cấp cho những ai biết cách để giành lấy chúng.
Tuy nhiên, không giống nhiều nước giàu có khác, chính quyền Mỹ phải mất nhiều tháng mới có thể xây dựng một chiến lược tập trung phối hợp để đảm bảo nguồn thiết bị bảo hộ từ Trung Quốc - nước sản xuất khẩu trang, đồ bảo hộ và thiết bị bảo hộ cá nhân hàng đầu thế giới.
Các quan chức trong chính quyền Trump dường như tập trung nhiều hơn vào việc chỉ trích sự phụ thuộc của Mỹ vào Trung Quốc, thay vì nhanh chóng giành lấy những sản phẩm từ Trung Quốc để trang bị cho các nhân viên y tế đang bị quá tải bởi dịch bệnh.
CNN dẫn số liệu thống kê của Đại học John Hopkins cho biết hơn 49.000 người đã tử vong vì Covid-19 tại Mỹ, trong khi số ca nhiễm cũng vượt 880.000 người. Cho đến nay Mỹ vẫn là ổ dịch lớn nhất thế giới.
Tổng thống Trump ban đầu phủ nhận việc Mỹ thiếu vật tư y tế, thậm chí cáo buộc các nhân viên y tế tích trữ mặt hàng này. Tuy nhiên, ông chủ Nhà Trắng gần đây kêu gọi nhiều nỗ lực hơn trong việc đẩy nhanh sản xuất và vận chuyển vật tư y tế, bao gồm nỗ lực nhằm hỗ trợ cho các chuyến bay chở hàng từ Trung Quốc cho các nhà phân phối vật tư y tế Mỹ.
Trong những tuần gần đây, chính quyền Trump cũng yêu cầu một số công ty, bao gồm 3M - nhà sản xuất thiết bị y tế khổng lồ, chuyển hàng cho Mỹ. Thậm chí, ông Trump tiếp tục chỉ đạo các bang tự sắp xếp để có thể mua đủ vật tư y tế, trong khi các nước khác ngày càng ráo riết mua hàng từ các nhà sản xuất Trung Quốc.
Sự chậm chạp của Mỹ
Kent Kedl, đối tác cấp cao tại văn phòng Thượng Hải của công ty kiểm soát rủi ro Control Risks và là người làm việc tại Trung Quốc từ năm 1988, cho biết các chính phủ châu Âu bắt đầu liên hệ với văn phòng của ông từ đầu tháng 3 để tìm cách đảm bảo nguồn cung vật tư y tế. Tuy nhiên, Kedl chưa bao giờ được chính quyền Mỹ liên hệ.
Chính quyền Trump cũng chậm chạp trong việc làm rõ các quy định nhằm cho phép các khẩu trang bảo hộ có thể được nhập khẩu từ Trung Quốc, khiến nguồn cung khẩu trang tới các bệnh viện và cơ sở tại tuyến đầu chống dịch tại Mỹ bị trì hoãn.
Mãi tới đầu tháng 4, tức nhiều tuần sau khi Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Mỹ khuyến cáo các bệnh viện bị thiếu khẩu trang có thể sử dụng khăn để bảo vệ các nhân viên y tế, Cục Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ mới cho phép sử dụng khẩu trang KN95 do Trung Quốc sản xuất.
Khi dịch Covid-19 ngày càng nghiêm trọng tại Mỹ, Tổng thống Trump và các quan chức cấp cao khác cũng tăng cường chỉ trích phản ứng của Trung Quốc với dịch bệnh, gọi virus corona là “virus Trung Quốc” và cáo buộc chính quyền Trung Quốc che giấu nguồn gốc cũng như sự phát tán của dịch.
Điều này đã “đổ thêm dầu vào lửa”, khiến mối quan hệ Mỹ - Trung vốn căng thẳng do cuộc chiến thương mại kéo dài 2 năm càng tăng nhiệt hơn, đồng thời làm phức tạp hơn những nỗ lực của các công ty Mỹ trong việc mua vật tư y tế từ các nhà sản xuất Trung Quốc.
“Điều đó đang tác động ngược trở lại chúng tôi. Người Trung Quốc, đặc biệt chính phủ Trung Quốc, không chấp nhận sự thiếu tôn trọng. Một số người ở đây (Mỹ) đổ lỗi cho Trung Quốc vì thiếu hụt nguồn cung (vật tư y tế). Tôi nghĩ chúng ta nên nhìn lại mình”, một nhà nhập khẩu Mỹ có hàng chục năm làm việc với các nhà sản xuất Trung Quốc cho biết.
“Nỗ lực (mua vật tư y tế) có lẽ đã suôn sẻ và hiệu quả hơn nhiều nếu chúng ta có mối quan hệ tốt hơn từ phía chính phủ”, Li Lu, nhà đầu tư Mỹ gốc Hoa tại Seattle, nhận định.
Tình trạng thiếu hụt nguồn cung vật tư y tế trở nên đặc biệt nghiêm trọng trong 2 tháng đầu năm 2020, khi dịch Covid-19 lên tới đỉnh điểm tại Trung Quốc, buộc nước này phải đóng cửa các nhà máy sản xuất thiết bị y tế cho cả thế giới.
Khi các nhà sản xuất Trung Quốc bắt đầu hoạt động trở lại từ cuối tháng 2 và đầu tháng 3, nhiều quốc gia phát triển đã nhanh chóng bắt tay vào việc nhập khẩu vật tư y tế. Từ cuối tháng 2, Liên minh châu Âu (EU) đã tìm cách mua số lượng lớn vật tư y tế để cung cấp cho các nước thành viên.
Ker Gibbs, chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ tại Thượng Hải, cho biết các chính phủ Italia và Đức đã nhanh chóng chuyển các lô vật tư y tế quy mô lớn từ đầu năm nay.
Trong khi đó, mãi tới ngày 2/4, Bộ Ngoại giao Mỹ mới liên hệ với Phòng Thương mại Mỹ để giúp rà soát các nhà cung cấp vật tư y tế từ Trung Quốc. Một số nhà sản xuất Mỹ có nhà máy tại Trung Quốc cho biết, họ cũng cảm thấy khó hiểu khi chính quyền Mỹ không tiếp cận họ để đảm bảo nguồn cung vật tư.
Thành Đạt
Tổng hợp