1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Vị thế lãnh đạo toàn cầu của Mỹ "lung lay" vì đại dịch Covid-19

(Dân trí) - Đại dịch Covid-19 đang làm lung lay vị thế lãnh đạo thế giới của Mỹ. Trong hơn một thế kỷ qua, đây có lẽ là cuộc khủng hoảng toàn cầu đầu tiên mà không ai trông mong được sự lãnh đạo của Mỹ.

Vị thế lãnh đạo toàn cầu của Mỹ lung lay vì đại dịch Covid-19 - 1

Tổng thống Donald Trump trong một buổi họp báo về Covid-19. (Ảnh: NYT)

Khi những hình ảnh bệnh viện Mỹ quá tải bệnh nhân Covid-19 và hàng chục triệu dân Mỹ có khả năng thất nghiệp tràn ngập trên các phương tiện thông tin đại chúng, cả thế giới đang nhìn vào quốc gia giàu có và quyền lực này với sự hoài nghi.

“Khi mọi người nhìn thấy những hình ảnh về dịch bệnh Covid-19 đang bùng nổ tại thành phố New York, họ đã nói rằng điều này đã xảy ra như thế nào, làm thế nào mà nó lại có thể xảy ra cơ chứ”, ông Henrik Enderlein, Hiệu trưởng Đại học về chính sách công Hertie tại Berlin, Đức nói.

“Chúng tôi đều sững sờ. Hãy nhìn vào con số các lao động thất nghiệp, tới tận hai mươi hai triệu người”, ông Enderlein nói thêm.

“Tôi cảm thấy một nỗi buồn tuyệt vọng”, Timothy Garton Ash, giáo sư lịch sử châu Âu tại Đại học Oxford, nói.

Đại dịch Covid-19 không chỉ càn quét toàn cầu, và cướp đi sinh mạng và sinh kế của hàng triệu người từ New Delhi đến New York. Nó còn đang làm lung lay những giả định cơ bản về chủ nghĩa đặc biệt của Mỹ: Washington đã nắm giữ một vai trò đặc biệt trong nhiều năm kể từ sau Thế chiến II, các giá trị Mỹ lan tỏa trên khắp thế giới và quyền lực Mỹ đã đưa Washington trở thành nhà lãnh đạo toàn cầu.

Vào tháng 4/2020, Mỹ vẫn đang dẫn đầu nhưng theo một cách hoàn toàn khác: Hơn 840.000 người Mỹ đã được chẩn đoán mắc Covid-19 và ít nhất 46.784 người đã tử vong, nhiều hơn bất cứ nơi nào khác trên thế giới.

Khi đại dịch xảy ra, Tổng thống Trump và các thống đốc bang không chỉ tranh cãi về những việc cần làm mà còn về việc ai có thẩm quyền làm việc đó. Ông Trump đã phản đối các biện pháp an toàn được thúc đẩy bởi các cố vấn khoa học, bị cáo buộc đưa ra thông tin chưa chính xác về dịch bệnh, và tuần này thậm chí ông đã lấy lý do Covid-19 đang lan tràn mạnh mẽ để ngừng cấp thẻ xanh cho dân di cư tới Mỹ.

“Mỹ không chỉ ứng phó tồi tệ với Covid-19, mà còn rất tệ”, Dominique Moïsi, một nhà khoa học chính trị và cố vấn cấp cao tại Viện nghiên cứu Montaigne có trụ sở tại Paris (Pháp), nhận định.

Mỹ đã chuẩn bị cho một ngày 9/11 khác, không phải Covid-19?

Vị thế lãnh đạo toàn cầu của Mỹ lung lay vì đại dịch Covid-19 - 2

Ông Trump đang vấp phải nhiều chỉ trích về cách xử lý đại dịch. (Ảnh: Reuters)

Ông Moïsi nhận định đại dịch đã phơi bày những điểm mạnh và điểm yếu của tất cả các xã hội,. Nó đã chứng minh sức mạnh và sự kiểm duyệt thông tin nghiêm ngặt của Trung Quốc khi nước này áp đặt lệnh phong tỏa ở thành phố Vũ Hán. Nó cũng cho thấy niềm tin sâu sắc và tinh thần tập thể của người Đức, ngay cả khi nước này tỏ ra miễn cưỡng hành động mạnh mẽ và dẫn dắt châu Âu.

Và xã hội Mỹ đã bộc lộ hai điểm yếu lớn: sự lãnh đạo "thất thường" của Tổng thống Donald Trump, người đánh giá thấp và thường từ chối làm theo lời khuyên của các chuyên gia; và sự thiếu vắng của một hệ thống chăm sóc sức khỏe cộng đồng và mạng lưới an toàn xã hội mạnh mẽ.

“Dường nước Mỹ đã chuẩn bị cho một cuộc chiến khác, không phải Covid-19. Họ đã chuẩn bị cho nguy cơ tấn công khủng bố 9/11 thứ hai, nhưng thay vào đó đại dịch Covid-19 lại ập đến”, Dominique Moïsi, một chuyên gia Pháp, bình luận và đặt ra câu hỏi “Liệu có phải nước Mỹ đã trở thành một kiểu cường quốc với những ưu tiên sai lệch?”.

Kể từ khi ông Trump chuyển đến Nhà Trắng và lấy khẩu hiệu “Nước Mỹ là trên hết” thành định hướng lãnh đạo, người châu Âu đã phải làm quen với việc Tổng thống Mỹ sẵn sàng mạo hiểm với các liên minh hàng chục năm tuổi và “xé bỏ” các thỏa thuận quốc tế. Ngay từ sớm, ông đã gọi NATO là “lỗi thời” và rút khỏi thỏa thuận khí hậu Paris và thỏa thuận hạt nhân Iran.

Nhưng đây có lẽ là cuộc khủng hoảng toàn cầu đầu tiên trong hơn một thế kỷ mà thậm chí không ai tìm đến vai trò lãnh đạo thế giới của Mỹ, Bộ trưởng Ngoại giao Đức, Heiko Maas, đã nói nhiều như vậy.

Trả lời phỏng vấn của tạp chí Der Spiegel, Bộ trưởng Mass cho rằng Trung Quốc đã “áp dụng các biện pháp rất độc đoán”, trong khi ở Mỹ, Covid-19 “đã bị xem nhẹ trong một thời gian dài”. “Đây là hai thái cực đối lập và cả hai đều không thể là mô hình cho châu Âu”, ông nhận định.

Nước Mỹ đã từng kể một câu chuyện về hy vọng không chỉ với người Mỹ. Những người Tây Đức lớn lên trong Chiến tranh Lạnh như ông Maas, thuộc nằm lòng câu chuyện ấy và như nhiều người các trên thế giới, ông tin vào câu chuyện hy vọng ấy.

Nhưng gần ba thập kỷ sau, câu chuyện niềm tin vào nước Mỹ bắt đầu có những vấn đề.

Quốc gia đã giúp đánh bại Chủ nghĩa Phát xít ở châu Âu 75 năm trước và bảo vệ nền dân chủ trên lục địa trong những thập kỷ sau đó, đang bảo vệ công dân của mình kém hơn bất kỳ nước nào trên thế giới.

Có một điều trớ trêu là: Đức và Hàn Quốc, cả hai đất nước chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của Mỹ thời hậu chiến, đã trở thành những tấm gương ứng phó tốt với Covid-19.

Theo các nhà phê bình, Mỹ không chỉ thất bại trong vai trò thế giới mà còn khiến chính những công dân Mỹ thất vọng.

“Không chỉ không còn lãnh đạo được thế giới, Mỹ cũng không làm tốt việc lãnh đạo ở tầm quốc gia và tầm liên bang”, ông Cameron Hausmann, Giám đốc phòng thí nghiệm tăng trưởng tại Trung tâm phát triển quốc tế Đại học Harvard nhận định. “Ở một khía cạnh nào đó, đây chính là sự thất bại trong sự lãnh đạo của Mỹ trên chính đất Mỹ”.

Dù một số quốc gia châu Âu cũng đang gặp khủng hoảng như Ý, Tây Ban Nha, Pháp, với số tỷ lệ người tử vong vì Covid-19 trên tổng dân số cao hơn Mỹ, các nước này đã bị virus tấn công sớm hơn và có ít thời gian chuẩn bị hơn Mỹ.

Sự tương phản giữa Mỹ và Đức trong cách ứng phó Covid-19

NYT nhận định sự khác biệt giữa cách Mỹ và Đức đối phó với Covid-19 là đặc biệt đáng chú ý. Dù Thủ tướng Đức Angela Merkel từng bị chỉ trích vì đã không thể hiện đủ vai trò lãnh đạo ở châu Âu, Đức được ca ngợi vì phản ứng mẫu mực với đại dịch, ít nhất là theo tiêu chuẩn phương Tây. Điều này không chỉ nhờ vào một hệ thống chăm sóc sức khỏe cộng đồng tốt, mà còn nhờ chiến lược xét nghiệm hàng loạt và sự lãnh đạo đáng tin cậy và hiệu quả của bà.

Vị thế lãnh đạo toàn cầu của Mỹ lung lay vì đại dịch Covid-19 - 3

Thủ tướng Đức Angela Merkel (trái) trong một cuộc họp. (Ảnh: Guardian)

Bà Merkel, một nhà vật lý học, người luôn theo sát các cố vấn từ các nhà khoa học và học hỏi liên tục từ các nước khác, đã làm tốt những gì ông Trump không làm được. Bà đã rõ ràng và trung thực về sự nguy hiểm của Covid-19 và nhanh chóng lên kế hoạch đối phó đồng thời, đã tập hợp thành công 16 thủ hiến và nhận được sự ủng hộ của họ.

Cách đây không lâu, bà Merkel đã tuyên bố rằng đây sẽ là nhiệm kỳ cuối cùng của bà. Hiện giờ tỷ lệ ủng hộ nữ Thủ tướng Đức lên tới 80%. “Bà có tư duy của một nhà khoa học và trái tim của con gái mục sư”, giáo sư Garton Ash nhận định.

Trong khi Tổng thống Trump vội vàng tìm cách khởi động lại nền kinh tế trước thềm cuộc bầu cử, Thủ tướng Đức cảnh báo người Đức hãy thận trọng. Bà luôn tham khảo ý kiến của một hội đồng đa ngành gồm 26 học giả từ học viện khoa học quốc gia Đức.

“Bạn cần một cách tiếp cận toàn diện cho cuộc khủng hoảng này. Và các chính trị gia của chúng tôi có được điều đó”, ông Gerald Haug, chủ tịch của Viện hàn lâm khoa học Leopoldina, Đức nhận định

Là một nhà khí hậu học từng làm nghiên cứu tại Đại học Columbia ở New York, ông Haul cho rằng Mỹ sở hữu nhiều nhà khoa học giỏi nhất thế giới nhưng “khác biệt là, ở đó họ không được lắng nghe” và “đó chính là thảm họa”.

Nhiều người cảnh báo rằng cái giá mà các quốc gia phải trả cho đại dịch Covid-19 còn lâu nữa mới có thể xác định. Đây là một thử thách căng thẳng với các hệ thống chính trị. Cán cân sức mạnh quân sự hoàn toàn không thay đổi. Mỹ hiện vẫn là nền kinh tế lớn nhất thế giới nhưng không rõ khu vực nào trên thế giới sẽ được trang bị tốt nhất để tái khởi động tăng trưởng kinh tế sau cuộc suy thoái nghiêm trọng này.

“Tất cả các nền kinh tế của chúng ta sẽ phải đối mặt với một thách lớn và không ai biết được ai sẽ trở thành kẻ mạnh hơn cho đến khi kết thúc”, giáo sư sử học Garton Ash cho biết.

Benjamin Haddad, một nhà nghiên cứu người Pháp tại Hội đồng Đại Tây Dương, nhận định dù Covid-19 đang thử thách vị thế lãnh đạo của Mỹ, nhưng còn quá sớm để khẳng định liệu nó có mang tới những thiệt hại lâu dài hay không.

“Có thể Mỹ sẽ sử dụng các nguồn lực bất ngờ, đồng thời tìm được cách thống nhất quốc gia trong chính sách đối ngoại về cuộc cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc, điều mà đến giờ vẫn còn thiếu”, ông Haddad viết.

Ông Moisi chỉ ra một ẩn số trong ngắn hạn, đó là cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11. Điều này, cùng với hậu quả của cuộc khủng hoảng kinh tế sâu sắc nhất kể từ những năm 1930, cũng có thể ảnh hưởng đến tiến trình lịch sử tại cường quốc hàng đầu thế giới.

Cuộc Đại khủng hoảng 1930 đã mang tới cuộc cải cách toàn diện kinh tế mới tại Mỹ. Và đại dịch Covid-19 có thể sẽ khiến Mỹ phải cải tổ mạnh mẽ mạng lưới an toàn công cộng và tìm được sự đồng thuận quốc gia để giúp việc tiếp cận dịch vụ y tế trở nên dễ dàng hơn.

“Hệ thống dân chủ xã hội không chỉ là tập trung vào con người nhiều hơn, mà còn để chúng ta chuẩn bị tốt và phù hợp hơn để đối phó với một cuộc khủng hoảng như hiện nay, so với hệ thống tư bản khắc nghiệt tại Mỹ”, ông Moisi nói.

Nhiều người sợ rằng cuộc khủng hoảng hiện nay có thể hoạt động như một máy gia tốc của lịch sử, đẩy nhanh sự suy giảm ảnh hưởng của cả Mỹ và châu Âu. “Có thể vào năm 2021, chúng ta sẽ vượt qua cuộc khủng hoảng hiện nay và cho tới năm 2030, có thể ảnh hưởng của châu Á lên thế giới sẽ lớn hơn phương Tây”, ông Moïsi nói.

“Đối với một nhà sử học, điều này không có gì mới mẻ cả, đó là những gì xảy ra trong lịch sử. Chuyện một đế chế sẽ suy yếu sau một thời gian nhất định là điều hết sức quen thuộc trong lịch sử”, giáo sư sử học Garton Ash bình luận, cho rằng Mỹ nên rút ra bài học từ nhiều đế chế đã trỗi dậy và sụp đổ sau đó.

“Bạn có thể tích tụ các vấn đề và bởi vì bạn là một chủ thể mạnh mẽ, bạn có thể mang theo những rắc rối này trong một thời gian dài. Cho đến khi có chuyện gì đó xảy ra, bạn sẽ kiệt sức”, ông Garton Ash nói thêm.

Hà Phương

Theo NYT