Thiếu nguyên liệu chủ chốt từ Trung Quốc, Đức chật vật bù đắp kho đạn dược
(Dân trí) - Đức gặp khó khăn trong việc sản xuất bù đắp kho đạn dược đang cạn kiệt vì thiếu xơ bông - nguyên liệu quan trọng từ Trung Quốc.
Nikkei đưa tin, hoạt động viện trợ quân sự dồn dập cho Ukraine trong thời gian qua đã khiến kho đạn dược của Đức kiệt quệ. Giờ đây, Đức tiếp tục đối mặt với thách thức khác trong nỗ lực bù đắp kho vũ khí khi việc nhập nguyên liệu và linh kiện từ Trung Quốc đang chậm lại.
Các nhà sản xuất đạn dược của Đức tại một hội nghị quốc phòng gần đây cho biết, thời gian hoàn thành các đơn đặt hàng xơ bông từ Trung Quốc đã tăng gấp 3 lần lên tới 9 tháng, theo nhật báo DW. Xơ bông là một thành phần chủ chốt để sản xuất đạn dược cho súng nhỏ và pháo.
Mặc dù xơ bông là nguyên liệu hàng hóa được sản xuất và giao dịch trên toàn cầu, nhưng DW dẫn nguồn tin giấu tên nói rằng tất cả các nhà sản xuất đạn dược ở châu Âu đều phụ thuộc vào nguồn cung mặt hàng này từ Trung Quốc.
Wolfgang Hellmich, phát ngôn viên về vấn đề quốc phòng của đảng Dân chủ Xã hội (SPD) cầm quyền trong quốc hội Đức nói rằng, tình hình tắc nghẽn nguồn cung nguyên liệu từ Trung Quốc đang gây ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất đạn dược và thép đặc biệt.
Vào ngày 28/11, chính phủ Đức đã tổ chức một hội nghị bàn tròn về đạn dược với các nhà sản xuất vũ khí, nhưng kết quả cụ thể không được công bố.
"Tại hội nghị, các bên đã thảo luận về cách giải quyết vấn đề trên và tất cả các bên đang nỗ lực hết mình để tìm giải pháp cho tình trạng thiếu đạn dược nghiêm trọng", ông nói.
Ban lãnh đạo của nhà sản xuất đạn dược MEN Metallwerk Elisenhuette của Đức, cho rằng chính phủ Đức đã chậm chân hơn trong việc đặt hàng nguyên liệu cho ngành công nghiệp quốc phòng so với các nước châu Âu khác.
Tương tự các nước, Đức giữ bí mật kho dự trữ đạn dược của mình, nhưng nhiều nhà quan sát lo ngại Berlin có nguy cơ sẽ cạn kiệt sớm nếu kịch bản chiến sự nổ ra. Sau khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine, chính phủ Đức đã lập ra một quỹ trị giá 106 tỷ USD để nâng cấp các lực lượng vũ trang đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt trang bị.
Với việc Đức cấp vũ khí cho quân đội Ukraine, việc chậm nhập khẩu các nguyên liệu sản xuất khí tài từ Trung Quốc khiến Berlin rơi vào thế khó.