1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Thủ tướng Đức nói phương Tây không nên cô lập Trung Quốc

Đức Hoàng

(Dân trí) - Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho rằng phương Tây không nên cô lập Trung Quốc, nhấn mạnh các bên cần tránh việc "một lần nữa chia thế giới thành các khối".

Thủ tướng Đức nói phương Tây không nên cô lập Trung Quốc - 1

Thủ tướng Đức Olaf Scholz (Ảnh: AFP).

Trong bài viết trên tạp chí Foreign Affairs, Thủ tướng Scholz đã vạch ra phương án nhằm ngăn một cuộc Chiến tranh Lạnh mới trong kỷ nguyên thế giới đa cực.

Theo nhà lãnh đạo Đức, sự trỗi dậy của Trung Quốc không có nghĩa là phương Tây nên cô lập, hoặc ngừng hợp tác với Bắc Kinh.

Ông Scholz cho rằng, một cuộc chiến tranh Lạnh mới không nên nổ ra và cho rằng, các nhận định rằng toàn cầu hóa đang mất dần vị thế là không chính xác.

"Nhiều người cho rằng chúng ta đang tiến sát tới kỷ nguyên lưỡng cực trong trật tự quốc tế. Họ nhìn thấy bình minh của một cuộc chiến tranh Lạnh mới đang đến gần, một cuộc đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc. Tôi không đồng tình với quan điểm này", ông viết.

Thủ tướng Đức bày tỏ sự ủng hộ với các nền dân chủ trên thế giới, nhưng nhấn mạnh rằng "hoạt động đối thoại và hợp tác cần vượt ra ngoài vùng an toàn của những giá trị dân chủ (theo tiêu chuẩn của phương Tây)".

Ông viết: "Cuối cùng, trong một thế giới đa cực, đối thoại và hợp tác cần phải vượt ra ngoài vùng an toàn của những giá trị dân chủ".

Trong thời gian qua, ông Scholz nhiều lần kêu gọi phương Tây có cách tiếp cận cân bằng hơn liên quan tới chính sách với Trung Quốc.

Tuần trước, Đại sứ Đức tại Trung Quốc Patricia Flor cho rằng: "Đức, châu Âu, Trung Quốc, tất cả đều hưởng lợi từ toàn cầu hóa, từ thương mại tự do và trao đổi lẫn nhau. Nhưng đồng thời, chúng ta phải thừa nhận rằng thế giới ngày nay không giống như 5 hay 10 năm trước, Trung Quốc cũng vậy".

Theo Ulrich Speck, biên tập viên của Morgenlage Außenpolitik, một chuyên trang về chính sách đối ngoại của Đức, quan điểm của ông Scholz cho thấy, ông dường như có quan điểm khá tương đồng với chính sách của người tiền nhiệm Angela Merkel khi vẫn xem Trung Quốc là đối tác và vẫn tin rằng, toàn cầu hóa vẫn có thể tiếp diễn.

Năm ngoái, bà Merkel thừa nhận rằng nước này ban đầu có thể "quá ngây thơ" khi hợp tác với Trung Quốc, nhưng Berlin không nên cắt đứt mọi mối liên hệ khi căng thẳng leo thang.

Trong 16 năm cầm quyền của bà Merkel, Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại hàng đầu của Đức và chính sách của chính quyền bà cũng đã định hình lập trường của châu Âu với Bắc Kinh.

Bà cho rằng Đức và Liên minh châu Âu vẫn nên hợp tác với Trung Quốc.

"Theo quan điểm của tôi, cắt đứt hoàn toàn sẽ là không đúng đắn, nó có thể gây ra thiệt hại cho chúng ta", bà Merkel nói.

Theo SCMP

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm