1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Thiết bị bí ẩn bên trong tên lửa đạn đạo Nga triển khai ở Ukraine

Đức Hoàng

(Dân trí) - Cộng đồng tình báo Mỹ phát hiện một thiết bị bí ẩn nằm bên trong tên lửa đạn đạo Iskander-M mà Nga sử dụng trong chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.

Thiết bị bí ẩn bên trong tên lửa đạn đạo Nga triển khai ở Ukraine - 1

Thiết bị bí ẩn trong tên lửa đạn đạo Nga triển khai ở Ukraine (Ảnh: Twitter).

New York Times dẫn nguồn tin giấu tên từ cơ quan tình báo Mỹ cho hay, lực lượng này đã phát hiện ra một điểm chung trong loạt tên lửa đạn đạo mà Nga nhằm vào các mục tiêu ở Ukraine: Một thiết bị "mồi nhử" đánh lừa radar phòng không và đánh lừa tên lửa phòng thủ tầm nhiệt.

Thiết bị này dài khoảng 30 cm, với hình dáng như một phi tiêu màu trắng với phần đuôi màu cam. Chúng được tên lửa đạn đạo tầm ngắn Iskander-M giải phóng khi tên lửa này phát hiện ra nó đang bị các hệ thống phòng không Ukraine nhằm mục tiêu, nguồn tin cho biết.

Mỗi thiết bị bí ẩn được lắp các bộ phận điện tử có thể tạo ra các tín hiệu vô tuyến để gây nhiễu hoặc đánh lừa các radar của đối phương, đồng thời chứa một nguồn nhiệt để thu hút các tên lửa phòng không đang lao tới.

Theo nguồn tin, mồi nhử này có thể giúp giải thích tại sao hệ thống phòng không Ukraine gặp khó khăn trong việc đánh chặn tên lửa Iskander-M của Nga.

Được trang bị động cơ tên lửa nhiên liệu rắn, Iskander có thể tiếp cận các mục tiêu cách xa hơn 320 km, theo tài liệu của chính phủ Mỹ. Mỗi bệ phóng di động có thể bắn hai tên lửa Iskander trước khi nó cần được nạp tiếp hỏa lực.

Hình ảnh về thiết bị nhìn như quả đạn hình mũi tên bắt đầu lan truyền trên mạng xã hội cách đây 2 tuần và nó đã khiến nhiều chuyên gia quân sự "bối rối" vì không thể xác định được đây chính xác là gì.

Ông Richard Stevens, người đã có 22 năm xử lý vật liệu nổ trong Quân đội Anh và 10 năm làm kỹ thuật viên về bom ở Iraq, châu Phi và các khu vực khác, cho biết ông đã tiếp xúc "với nhiều loại bom, đạn của Trung Quốc và Nga nhưng tôi chưa bao giờ thấy vật này".

Ông Stevens đã đăng các bức ảnh về các loại bom này lên một trang web dành cho các chuyên gia xử lý bom quân sự và dân sự mà ông lập ra vào năm 2011 và nhiều người thừa nhận chưa từng nhìn thấy thiết bị của Nga trước đó.

Theo nguồn tin tình báo Mỹ, thiết bị trên tương tự với loại mồi nhử từ thời Chiến tranh Lạnh được gọi là thiết bị "hỗ trợ xâm nhập". Nó đã được tích hợp vào các đầu đạn hạt nhân từ những năm 1970 nhằm giúp qua mặt các lá chắn phòng không và cho phép các đầu đạn riêng lẻ tiếp cận mục tiêu cần tấn công. Việc kết hợp thiết bị mồi nhử vào vũ khí sử dụng đầu đạn thông thường như Iskander-M là chưa từng được ghi nhận trước đó trong các tài liệu quân sự.

Tiến sĩ Jeffrey Lewis, giáo sư về không phổ biến vũ khí tại Viện Middlebury (Mỹ), nhận định rằng các thiết bị mồi nhử như của Nga được xem là tuyệt mật vì nếu đối thủ của Moscow biết được cách thức hoạt động của nó, họ có thể tìm ra cách chống lại nó.

Ông Lewis cho rằng, trong các phiên bản Iskander-M mà Nga bán cho các đối tác khác, có thể không có thiết bị đặc biệt này.

Trước đó, nhiều nhà quan sát cho rằng, giới tình báo đối thủ của Nga có thể coi những "vũ khí" còn nguyên vẹn của Moscow là "mỏ vàng" vì từ đây, họ có thể khai thác những thông tin quân sự bí mật.

Mặt khác, ông Lewis cho rằng, Nga có thể hiểu được rủi ro họ có thể đối mặt khi triển khai thiết bị mật, nhưng họ vẫn quyết định mạo hiểm vì đánh giá cao tầm quan trọng của chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Theo New York Times
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine